Tôi năm nay 30 tuổi. Xét về góc độ tuổi tác, tôi nghĩ từng tuổi này, tôi cũng không còn phải là gã đàn ông lông bông không hiểu chuyện. Về tình cảm, tôi cũng chẳng phải gã trai mới lớn để không biết đâu là tình yêu, đâu là thứ tình cảm nhất thời. Nhưng cũng chính vì tuổi này rồi, từng trải rồi nên tôi mới không lỡ bỏ vợ sắp cưới đã đính hôn ở quê nhà dù cho giờ đây tôi thấy muôn đường vợ Tây hơn vợ Việt.
Trước khi ra nước ngoài tu nghiệp, tôi đã từng có một cuộc tình hơn 3 năm với cô gái gần nhà. Chúng tôi quen nhau từ ngày học phổ thông, lên đại học vẫn duy trì tình cảm và tới năm thứ 2 thì dọn về sống chung với nhau. Tôi vốn không phải là người lăng nhăng nên khi quyết định sống thử với cô ấy tôi đã xác định sẽ lấy cô ấy làm vợ.
Quả thực thời gian đầu sống thử thì mọi chuyện đẹp như mơ. Chúng tôi ríu rít bên nhau như đôi chim câu. Nhưng càng sống chúng tôi càng bộc lộ những điểm khác biệt đến mức mệt mỏi . Cô ấy cũng như rất nhiều những người phụ nữ Việt khác đó là mắc tính kể lể. Tôi biết, khi dọn về sống cùng với tôi có nghĩa là cô ấy đã chấp nhận thiệt thòi hơn đôi chút. Chính vì thế, mặc dù còn là sinh viên, tôi cũng cố gắng làm thêm để có tiền chi trả hết các khoản sinh hoạt, học hành để cô ấy không phải xin gia đình. Tiền xin được từ bố mẹ, cô ấy thoải mái làm những việc mình thích chứ tôi không can thiệp. Tôi làm như vậy vì nghĩ mình không khác gì người chồng, người trụ cột trong gia đình nên cần phải lo lắng cho “vợ”. Nhưng cô ấy không hiểu như vậy.
Sống cùng nhau có nghĩa là nhiều chuyện va chạm nhiều hơn. Mỗi lần có gì mệt mỏi, bực dọc là cô ấy lại trách cứ tôi. Nào là chuyện cô ấy không có thời gian thăng tiến được trong việc học, trong các công tác xã hội là vì ở cùng với tôi, tốn nhiều thời gian cho việc nhà. Rồi là vì tôi mà cô ấy chịu thiệt thòi. Rằng tôi không được phép phụ cô ấy vì cô ấy đã trao cho tôi tất cả những gì quý giá nhất…Cứ như thế cô ấy kể công của mình, kể những vất vả mà cô ấy đã phải chịu đựng khi về ở cùng với tôi. Mọi thứ làm tôi mệt mỏi.
Bản thân tôi khi xác định sống với cô ấy có nghĩa là tôi tự biết trách nhiệm của mình tới đâu nhưng hầu như ngày nào cô ấy cũng nhồi nhét vào đầu tôi những trách nhiệm mà tôi phải làm. Cô ấy coi việc yêu tôi, dâng hiến cho tôi và sống cùng tôi là một sự ban ơn và nếu tôi là một thằng đàn ông tử tế thì tôi không được phép phụ cô ấy. Từ một sự hạnh phúc khi yêu nhau, cô ấy làm cho tình yêu như một thứ gông cùm, nhàm chán.
Điều khiến tôi cảm thấy việc sống thử với cô “vợ Tây” này như một cuộc hôn nhân ngọt ngào đó là cô ấy không trói buộc trách nhiệm với tôi. (Ảnh minh họa)
Tôi nghĩ chưa lấy nhau, những sự mệt mỏi lúc này chưa là gì so với khi lập gia đình, có con cái lại cộng thêm chuyện đối nội, đối ngoại mà cô ấy đã như vậy thì không hiểu sau này cưới nhau rồi, hôn nhân còn mệt mỏi tới đâu. Mặc dù tôi dần mất đi cảm giác yêu thương, mặc dù tôi cảm thấy nặng nề nhưng tôi vẫn không bỏ cô ấy vì cái trách nhiệm của “một thằng đàn ông tử tế” nên tôi vẫn cố gắng thích nghi với mọi chuyện để ở bên cô ấy.
Rồi tôi đi học ở nước ngoài theo chương trình học mà tôi thi đỗ. Ngày đi, để đảm bảo cho cô ấy một danh phận (nếu tôi không làm thế thì cô ấy cũng bắt phải vậy), hai bên gia đình chúng tôi làm lễ đính hôn cho hai người. Cô ấy ở lại tiếp tục theo học, còn tôi ra nước ngoài học 3 năm sẽ về.
Nếu không có cuộc xuất ngoại đó, có lẽ tôi đã an phận với người con gái đó và cuộc hôn nhân đã lên kế hoạch ấy. Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi tôi gặp một cô gái người nước ngoài trong lớp học của tôi. Cũng cần phải nói rằng sống ở nước ngoài cô đơn nên tôi cũng nhanh chóng có cảm tình với cô ấy. Tôi bị ấn tượng bởi tính cách thẳng thắn, không cố “khéo ăn khéo nói” nhưng lại không hề gây mất lòng người khác của cô ấy.
Một thời gian sau đó, chúng tôi sống cùng nhau. Mặc dù biết điều đó là có lỗi với vợ sắp cưới ở quê nhà nhưng tôi không sao ngăn nổi cảm xúc của mình. Và rồi khác xa với cuộc sống thử trước, càng ở bên cô ấy, tôi lại càng muốn được gần gũi và không muốn cách xa. Cô ấy coi việc ở cùng tôi, chăm sóc tôi như một niềm vui, một món quà chứ không phải là sự “hi sinh” hay chịu thiệt thòi. Mỗi lần tôi hỏi cô ấy có mệt không khi phải nấu những bữa cơm sau giờ học, cô ấy đều cười và nói rằng: “Đó là niềm vinh hạnh của em”. Hôm nào cô ấy mệt, cô ấy thẳng thắn đề nghị: “Anh giúp em nhé” hoặc “Hôm nay chúng ta sẽ dùng bữa tối tại nhà hàng anh nhé” chứ không phải cố làm để rồi lại than thở “Vì anh mà tôi ốm cũng không được nghỉ ngơi”.
Khi tôi làm gì sai, cô ấy sẵn sàng góp ý để tôi nhận thức được vấn đề nhưng cô ấy lại hoàn toàn không bao giờ có kiểu: “Anh xem đấy, bằng tuổi anh mà anh Thái giàu kếch xù còn anh thì sao? Vẫn phải đi ở nhà thuê” hay “Chồng người ta chiều vợ như chiều vong, đằng này anh chẳng được bằng 1 phần 10 thế”. Những gì cô ấy góp ý làm tôi tốt lên, ý thức được điểm tồn tại của mình chứ không phải như vợ sắp cưới ở quê nhà khiến tôi có cảm giác cô ấy không coi trọng mình.
Cô ấy sống bằng tài chính của mình, do sức mình làm ra và chúng tôi cùng nhau cố gắng để lo cho cuộc sống đủ đầy chứ không dồn trách nhiệm nặng nên vai ai. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, điều khiến tôi cảm thấy việc sống thử này như một cuộc hôn nhân ngọt ngào đó là cô ấy không trói buộc trách nhiệm với tôi. Cô ấy nói rằng cần tôi sống bên cô ấy bằng tình yêu chứ không phải là nghĩa vụ. Nếu có ngày đó, cô ấy sẵn sàng chia tay trong hòa bình chứ không muốn ở bên một người chồng chỉ toàn vì trách nhiệm. Chính điều đó làm cho tôi không những cảm thấy hạnh phúc mà còn yêu nhiều hơn.
Cô ấy chăm sóc cho tôi mỗi khi ra ngoài gặp bạn bè. Hình ảnh đẹp của tôi trước mọi người làm cho cô ấy thấy tự hào chứ không như vợ sắp cưới của tôi chỉ sợ tôi “đẹp quá ra ngoài mà tí tởn”. Trong chuyện chăn gối, quả thực, tôi như một người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian. Cô ấy cùng tôi trải nghiệm mọi thứ thật tuyệt vời. Cô ấy không coi tình dục là “một việc phải làm” khi sống cùng nhau mà là một món quà thượng đế ban tặng cho loài người.
Về mặt kinh tế, phụ nữ Tây rất độc lập. Cô ấy chưa bao giờ coi chuyện kinh tế là trách nhiệm của người đàn ông. Ở với cô ấy tôi không có cảnh nhận lương về là phải “cống nạp” đầy đủ rồi mỗi sáng chờ vợ “phát chẩn” cho từng đồng từng hào. Cô ấy sống bằng tài chính của mình, do sức mình làm ra và chúng tôi cùng nhau cố gắng để lo cho cuộc sống đủ đầy chứ không dồn trách nhiệm nặng nên vai ai.
Nói như vậy không có nghĩa là cô ấy không chú tâm tới chuyện sự nghiệp. Ở lớp học của tôi, cô ấy luôn ở top dẫn đầu. Cô ấy nói muốn tôi bị hấp dẫn bởi cô ấy trong mọi chuyện và sự thật đã như vậy. Tôi lúc nào cũng bị cuốn hút và không hình dung nổi ngày nào đó mình sẽ phải rời xa cô ấy.
Giờ đây tôi đang phân vân không biết nên lựa chọn như thế nào. Bạn gái của tôi nói rằng sẽ theo tôi tới cùng nếu tôi cần cô ấy. Có nghĩa là cô ấy sẵn sàng theo tôi về Việt Nam khi tôi hoàn thành khóa học để làm vợ tôi. Nhưng còn người con gái tôi đã đính ước ở quê? Tôi biết, ở bên cô ấy tôi sẽ không thể nào được hạnh phúc nhưng nếu giờ bỏ cô ấy có quá tàn nhẫn không? Tôi nên làm theo trách nhiệm hay sống theo tiếng gọi của trái tim mình?
Nhật Minh (minhnn234@…)