Việc ký tên vào giấy trắng có thể dẫn đến những rủi ro vô cùng lớn, để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Vì sao tuyệt đối không được ký tên vào giấy trắng?
Hiện nay, có tình trạng người dân bị lừa ký tên, điểm chỉ vào các tờ giấy trắng. Đối phương có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để thuyết phục người dân ký vào các tờ giấy trắng, hoàn toàn không có bất cứ nội dung gì. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể gây tổn thất về tài sản. Trên thực tế, các trường hợp bị lừa ký tên vào tờ giấy trắng trong giao dịch mua bán nhà đất, giao dịch ngân hàng, lừa đảo vay nợ… có diễn ra. Trong các trường hợp này, người ký tên phải chịu thiệt hại khá lớn, mất nhiều thời gian để khiếu kiện để vô hiệu hóa giao dịch dân sự cũng như đòi lại tài sản.
Theo Dân trí, Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có chia sẻ thông tin việc ký tên vào tờ giấy trắng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Sau này người khác có thể điền, ghi chép bổ sung bất cứ nội dung gì vào tờ giấy đã có sẵn chữ ký.
Luật sư khuyến cáo người dân tuyệt đối không ký tên vào các tờ giấy trắng, giấy không rõ, không hiểu hết nội dung ý nghĩa văn bản của bất cứ ai đưa cho. Khi ký tên vào giấy tờ trắng, người ký tên gần như không có bằng chứng gì để chứng minh thời điểm mình ký tên, văn bản đó hoàn toàn không có nội dung gì.
Bên cạnh đó, ở phần trống giữa và cuối nội dung của những tờ giấy mà mình ký tên, người ký có thể gạch chéo vào phần này để người khác không thể chèn thêm các nội dung khác.
Đối với các loại hợp đồng, biên bản, khi hai bên đã thống nhất nội dung thì nên lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản để đối chiếu.
Xử lý thế nào khi bị lừa ký tên vào giấy trắng?
Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.
Vì vậy, trường hợp ký tên vào văn bản do bị lừa dối thì văn bản đó sẽ không có giá trị pháp lý. Trong trường hợp này, người ký tên có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự bị vô hiệu hóa do bị lừa dối. Tuy nhiên, người bị lừa dối cần phải cung cấp các bằng chứng chưng minh việc mình bị lừa trong quá trình ký kế giao dịch. Dựa vào các bằng chứng được cung cấp, Tòa án mới có thể xem xét tuyên bố giao dịch dân sự đó có bị vô hiệu hóa hay không.
Trong mọi trường hợp, trước khi ký vào bất cứ giấy tờ gì, người dân cần phải đọc thật kỹ các nội dung ghi trong giấy và tuyệt đối không ký vào tờ giấy trắng.
Nguồn: https://phunutoday.vn/vi-sao-tuyet-doi-khong-duoc-ky-ten-vao-to-giay-trang-d424707.html?