Mức phạt cho những trường hợp không đi đổi giấy đăng ký xe theo quy định có thể lên đến 6 triệu đồng. Chủ phương tiện cần lưu ý và thực hiện đúng quy định để tránh vi phạm hành chính.
Trường hợp nào chủ xe cần đi đổi giấy đăng ký xe?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 24/2023/TT-BCA, chủ xe cần đi đổi giấy đăng ký xe trong các trường hợp sau đây:
– Xe cải tạo;
– Xe thay đổi màu sơn;
– Xe đã đăng ký, cấp biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen và ngược lại;
– Gia hạn chứng nhận đăng ký xe;
– Thay đổi các thông tin của chủ xe (tên chủ xe, số định danh cá nhân, địa chỉ);
– Chứng nhận đăng ký xe bị hỏng, mờ, rách; biển số bị hỏng, mờ, gẫy hoặc chủ xe có nhu cầu cấp đổi chứng nhận đăng ký xe cũ.
– Cấp lại chứng nhận đăng ký xe khi chứng nhận đăng ký xe bị mất.
Nếu không đổi đăng ký xe, chủ phương tiện có thể bị xử phạt hành chính
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu không đi đổi giấy đăng ký xe theo quy định, chủ phương tiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, trường hợp làm mất giấy đăng ký xe nhưng không đi đổi, khi tham gia giao thông sẽ bị phạt lỗi điều khiển xe không có giấy đăng ký xe.
Đối với ô tô, mức phạt từ 2-3 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; tịch thu phương tiện nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của xe. Đối với xe máy , mức phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng; tịch thu phương tiện nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của xe .
Trường hợp chủ xe dùng giấy đăng ký xe đã hết hạn, đối với ô tô có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Đối với xe máy , chủ phương tiện có thể bị phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng
Thành phần hồ sơ đổi giấy đăng ký xe thực hiện thế nào?
Hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy đăng ký xe quy định tại Điều 17 Thông tư 24/2023/TT-BCA bao gồm:
(1) Giấy khai đăng ký xe.
(2) Giấy tờ của chủ xe:
– Chủ xe người Việt Nam: Sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 để thực hiện đăng ký xe trên cổng dịch vụ công hoặc xuất trình Căn cước công dân, hộ chiếu.
– Đối với lực lượng vũ trang: Xuất trình Chứng minh Quân đội nhân dân hoặc Chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị công tác từ cấp phòng, trung đoàn, Công an cấp huyện hoặc tương đương trở lên (trường hợp chưa được cấp Chứng minh lực lượng vũ trang).
– Chủ xe là người nước ngoài:
Thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Xuất trình Chứng minh thư ngoại giao, Chứng minh thư lãnh sự, Chứng minh thư công vụ, Chứng minh thư (phổ thông), Chứng minh thư lãnh sự danh dự còn giá trị và nộp giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ;
Chủ xe là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam: Xuất trình thẻ thường trú/thẻ tạm trú tại Việt Nam (còn thời hạn cư trú từ 06 tháng trở lên).
– Chủ xe là tổ chức:
Sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 để thực hiện thủ tục trên cổng dịch vụ công; trường hợp chưa được cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 thì xuất trình thông báo mã số thuế hoặc quyết định thành lập.
(3) Một số giấy tờ khác:
Nếu thay tổng thành máy, tổng thành khung thì có thêm chứng từ nguồn gốc, chứng từ lệ phí trước bạ, chứng từ chuyển quyền sở hữu thành máy hoặc thành khung đó;
Nếu thay tổng thành máy, tổng thành khung không cùng nhãn hiệu thì phải có thêm giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới;
Nếu thay tổng thành máy, tổng thành khung của xe đã đăng ký thì phải có chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số của xe đã đăng ký đó.