Thị trường vàng thế giới vừa trải qua một chuyến “tàu lượn siêu tốc” khi giá đảo chiều nhanh với biên độ lớn. Theo đó, sau chuỗi ngày “nghe ngóng” thông tin, vàng bất ngờ đảo chiều “lao dốc” và mất đi hơn 3% chỉ trong 1 ngày sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tái đắc cử. Tuy nhiên, kim loại quý này đã lấy đại được đà và tăng khoảng 1% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nới lỏng chính sách lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Quyết định của Fed cùng đánh giá của quan chức Fed rằng thị trường lao động đang suy yếu đã làm giảm bớt lo ngại về lãi suất. Trong phiên giao dịch cuối của tuần, vàng quay đầu giảm nhẹ. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.684,6 USD/ounce, giảm 51,9 USD so với mức chốt phiên tuần trước, ghi nhận mức giảm hằng tuần mạnh nhất trong hơn 5 tháng qua.

Giá vàng tuần tới: Có nguy cơ giảm sâu
Giá vàng thế giới giảm 51,9 USD so với mức chốt phiên tuần trước, ghi nhận mức giảm hằng tuần mạnh nhất trong hơn 5 tháng qua. Ảnh: Getty Images

Nhìn vào biến động của vàng trong những ngày gần đây và xem xét các yếu tố, giới chuyên gia cho rằng, những lo ngại căng thẳng kéo dài trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang lắng xuống và điều đó sẽ có tác động đến thị trường vàng. Kết quả như chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Alex Kuptsikevich của FxPro nhấn mạnh là vàng đã mất hơn 3% giá trị vào ngày công bố kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Tính từ mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 10 đến mức thấp gần đây, mức lỗ đã vượt quá 5%.

Theo chiến lược gia thị trường Colin Cieszynski của SIA Wealth Management, vàng đang được định giá theo kịch bản năm 2000. Cụ thể, khi kết quả bầu cử được công bố, lo ngại rủi ro đã giảm xuống, khiến vàng mất đi những gì có được trước đó và trở về vạch xuất phát. Cách đây chưa đầy 1 tháng, giá vàng ở mức 2.600 USD/ounce và kim loại quý này đã chinh phục mức đỉnh khoảng 2.780 USD/ounce. Như vậy, nếu so mức giá hiện tại, vàng đã mất khoảng 1/2 những gì đạt được và theo Cieszynski, vàng đang quay trở về mốc 2.600 USD/ounce.

Nhà môi giới hàng hóa cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures cũng đồng ý rằng, tâm lý bất an xung quanh cuộc bầu cử giảm là yếu tố tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cho rằng, đây có thể chỉ là khởi đầu cho quá trình tái cân bằng rủi ro rộng hơn và quá trình đó có thể khiến giá kim loại màu vàng giảm trong trung hạn.

Pavilonis cho rằng, một yếu tố quan trọng khác có thể tác động đến giá kim loại quý, cũng như lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, là các cuộc xung đột. Theo đó, nếu căng thẳng “hạ nhiệt” hoặc được giải quyết, rủi ro địa chính trị cũng sẽ giảm và điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị của kim loại quý. Khi rủi ro địa chính trị giảm đi, nhu cầu tìm kiếm “nơi trú ẩn” an toàn trong các tài sản như vàng có thể giảm.

Một yếu tố nữa mà theo Pavilonis sẽ có tác động đến hướng đi của vàng là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Nga không có ý định từ bỏ đồng USD. Ông Putin còn nhấn mạnh rằng, các quốc gia BRICS đang tăng cường mua vàng, điều này có thể có tác động đến giá. Hơn nữa, Pavilonis cũng chỉ ra rằng, sự thay đổi chính quyền tại Nhà Trắng có thể ảnh hưởng đến thị trường vàng và các tài sản khác.

Vàng đã có được mức tăng mạnh trong thời gian qua. Pavilonis nhận định, kim loại quý này có thể sẽ chứng kiến áp lực chốt lời mạnh trong thời gian tới trước khi lấy lại được xu hướng tăng.

Theo chiến lược gia Kuptsikevich, bức tranh kỹ thuật cũng cho thấy khả năng xảy ra đợt điều chỉnh sâu hơn trên thị trường vàng. Theo ông, đợt phục hồi của vàng vào thứ Năm là nhờ các yếu tố nhất thời. “Chúng tôi không loại trừ khả năng giá vàng sẽ giảm sâu hơn, có thể điều chỉnh hơn 50% mức tăng đạt được từ đáy của tháng 10 năm ngoái” Kuptsikevich nói thêm.

Tuần tới, thị trường sẽ chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ trong tháng 10. Đây là dữ liệu quan trọng được Fed theo dõi chặt chẽ để xem liệu lạm phát tiêu dùng có đang về mức mục tiêu 2% hay không. Trong tuần, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ có bài phát biểu.

Giá vàng tuần tới: Có nguy cơ giảm sâu

Giá vàng trong nước giảm mạnh so với tuần trước. Ảnh: thanhnien.vn

Phản ứng với biến động trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng biến động mạnh. Bước vào tuần giao dịch mới, giá vàng miếng bất ngờ giảm 500.000 đồng ở cả 2 chiều sau chuỗi ngày duy trì ở mốc 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 89,5 triệu đồng/lượng bán ra. Trong ngày 7-11, giá liên tiếp “rớt thảm”. Kết thúc ngày, hầu hết các cơ sở điều chỉnh giảm tới 6 triệu đồng chiều mua và 3,5 triệu đồng chiều bán, đưa giá vàng miếng về 81 triệu đồng/lượng mua vào và 85,5 triệu đồng/lượng bán ra. Vào thứ Sáu, giá vàng đảo chiều tăng lên 86 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn các thương hiệu trong nước cũng được điều chỉnh mạnh trong tuần này. Trong hầu hết các phiên giao dịch, giá vàng nhẫn được điều chỉnh giảm. Đặc biệt vào ngày 7-11, giá “lao dốc” không phanh, với vàng các thương hiệu mất hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, trong ngày tiếp theo, giá đảo chiều và tăng hơn 1 triệu đồng lên mức hơn 85 triệu đồng/lượng.

Vào lúc 14 giờ ngày 9-11, giá vàng miếng SJC neo ở mức 85,8 triệu đồng/lượng. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 3,4 triệu đồng/lượng.

TRẦN HOÀI