Thượng tọa Thích Chân Quang tốt nghiệp tiến sĩ “thần tốc” tại Trường đại học Luật Hà Nội đang là đề tài nóng gây tranh cãi trong dư luận Việt Nam.
Sau vụ việc Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), hôm 19/6 bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức, nay đến lượt thành tích học vấn của ông được mang ra xem xét.
Thông tin nhà sư Thích Chân Quang (tên thật là Vương Tấn Việt) chỉ mất hai năm để từ cử nhân trở thành tiến sĩ tại Trường đại học Luật Hà Nội đã rộ lên trong những ngày gần đây.
Nhiều ý kiến thắc mắc không hiểu làm thế nào mà ông Vương Tấn Việt có thể bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 12/2021, trong khi chỉ vừa nhận bằng cử nhân luật tại chức vào tháng 1/2019.
Không còn là chuyện lùm xùm trên mạng, việc học tập và nhận bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt đã chính thức trở thành “đề tài” phải xử lý đối với Trường đại học Luật Hà Nội.Hôm 25/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Trường đại học Luật Hà Nội báo cáo khẩn trương về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.
Công văn được đóng dấu hỏa tốc.
Thông thường, để tốt nghiệp tiến sĩ cần trung bình 4 – 5 năm nghiên cứu.
Bên cạnh các bình luận phần đông chỉ trích, có một số ý kiến từ giới chuyên môn phân tích đề tài luận án tiến sĩ của ông Quang về mặt học thuật, trong đó đáng chú ý là phản biện của ông Nguyễn Quốc Tấn Trung đăng trên tài khoản YouTube Hội Đồng Cừu từ năm 2022.
Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành công pháp quốc tế tại Đại học Victoria, Canada, học giả thỉnh giảng năm 2024 tại Học viện Luật Quốc tế The Hague, tập trung vào Khủng hoảng quốc tế.
Quyền con người theo cách hiểu của ông Chân Quang
Đề tài luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang có nhan đề Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Trong video bảo vệ luận án tiến sĩ, ông Chân Quang nói rằng “quyền luôn luôn phải đi đôi với nghĩa vụ” và trong một số trường hợp thì nghĩa vụ còn phải đi trước quyền.
Ông khẳng định rằng “thế giới đã hiểu sai về nhân quyền quá nhiều”.
Ông phát biểu:
“Theo lý luận chung của nhà nước và pháp luật thì ta đều được học căn bản rằng nơi nào có quyền lợi thì nơi đó có nghĩa vụ.”
“Khi ta có nghĩa vụ thì ta được hưởng quyền lợi. Tiền đề đó như một tảng đá vững chắc để ta xây dựng các hệ thống pháp luật.”
“Chúng ta được dạy là quyền là tất cả… mở mắt ra là nói quyền rồi, chưa cần có nghĩa vụ.”
“Thế giới này bị mất cân đối. Quý vị đòi hỏi quyền, rồi nhà nước phải tìm cách đáp ứng quyền, theo các quy định, điều ước quốc tế. Đáp ứng mà không có nguồn lực thì đưa đến nợ công.”
“Từ lâu, thế giới đã nhầm lẫn từ nhân quyền này rất là nhiều. Anh không có nghĩa vụ gì thì không có quyền…”
“Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi. Nói đến quyền là đụng đến nghĩa vụ liền.”
“Thế giới bắt đầu cực đoan về quyền. Cái gì cũng quyền mà không đặt vấn đề nghĩa vụ.”
“Chúng ta sai về lý luận, về pháp luật.”
“Có nghĩa là nghĩa vụ phải được thực hiện trước rồi mới đến có quyền.”
“Không thể đòi có quyền trước, mà phải có nghĩa vụ trước. Ta phải trồng lúa rồi mới ăn cơm. Chứ còn ngồi đó ăn cơm thì kho lúa sẽ hết.”
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHUAADIDA.COM
Chụp lại hình ảnh,Trong luận án tiến sĩ, ông Vương Tấn Việt cho rằng thế giới đã hiểu sai quá nhiều về nhân quyền
Phản biện của chuyên gia
Theo ông Nguyễn Quốc Tấn Trung trên kênh YouTube của ông, mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu mà ông Quang xác định là đưa ra “tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người”. Và điều này “nghe như một đối trọng của ‘Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người’ do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948”.
Ông Tấn Trung chỉ ra rằng, cách đặt vấn đề của ông Quang rất “khác biệt” so với thế giới.
Cụ thể, “luật quốc tế nói chung và pháp luật quốc tế về nhân quyền nói riêng được đặt ra và biến nhân quyền trở thành phổ quát, cơ bản chủ yếu vì người ta không muốn những quyền cơ bản này bị biến thành quyền có điều kiện bởi nhà nước của từng quốc gia,” ông Trung phân tích.
“Có nghĩa, mục tiêu của các quốc gia khi ngồi lại với nhau từ thập niên 50 đến gần cuối thập niêm 80, bao gồm không chỉ các nhà nước phương Tây mà đại đa số là các nhà nước mới được thành lập, mới thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, để xác lập rằng quyền nào là quyền phổ quát, cơ bản, không thể tách rời, là đương nhiên trong những văn bản quốc tế quan trọng như Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) hay Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) là vì người ta không muốn những quyền này bị biến thành quyền có điều kiện trong mọi hoàn cảnh.”
“Và nghĩa vụ mà ông Quang nói tới là một dạng điều kiện cho những quyền này.”
Theo phân tích của ông Trung, “đây là những quyền cơ bản chứ không phải đặc quyền; hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.”
Và “không thể trao đổi tương ứng, ngang giá bất cứ nghĩa vụ nào với những quyền này hết.”
Ông Trung nêu ba ví dụ:
Thứ nhất, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Điều 1, Quyền dân tộc tự quyết.
“Đây là nền tảng pháp lý để người Việt Nam và các dân tộc đang bị đô hộ, bị thống trị bởi chủ nghĩa thực dân sử dụng để đấu tranh giành lại độc lập của mình. Từ đó tách cấu trúc nhà nước của họ ra khỏi cấu trúc nhà nước thực dân.”
“Đây là quyền đương nhiên và pháp luật quốc tế trao quyền này cho các dân tộc để họ tự định đoạt số phận của mình.
“Chúng ta không có nghĩa vụ đánh đổi bất kỳ nghĩa vụ nào để có quyền này.”
Thứ hai, ICCPR, Điều 3, Quyền bình đẳng giới tính
“Câu hỏi đặt ra là người nữ hoặc những người thuộc cộng đồng giới tính thứ ba có nghĩa vụ gì để được xem là bình đẳng giới với nam giới?
“Họ cũng không có nghĩa vụ gì. Bất kể họ làm nghề gì, thu nhập thế nào, đóng thuế bao nhiêu, thì những quyền chính trị cơ bản như bầu cử, tham gia vào các tổ chức chính trị, tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc,… đều tương tự với nam giới.”
Thứ ba, ICCPR, Điều 7: Quyền không bị tra tấn
Ông Trung chỉ ra rằng con người không cần thực hiện nghĩa vụ gì để được hưởng quyền này, kể cả khi người này vi phạm mọi tiêu chuẩn đạo đức xã hội, như trốn thuế, không cấp dưỡng cho con, bị tình nghi giết người,… “thì quyền này vẫn còn để bảo vệ cho bạn.”
“Khi bị tình nghi như vậy không có nghĩa là cơ quan chức năng có quyền tra tấn hay đối xử phi nhân tính với bạn.”
“Nó là rào chắn để ngăn chặn những lạm dụng, xâm phạm, trong những trường hợp đặc biệt. Là nền tảng để tránh án oan sai,” ông Trung nói.
Theo ông Trung, “vấn đề là khi đặt một câu hỏi nghiên cứu mà nó phủ nhận, lật ngược toàn bộ giá trị, mục tiêu, mục đích của một ngành luật”, thì ông Thích Chân Quang cần phải xem lại cách đặt câu hỏi của mình.
Cuối cùng, ông Trung nhấn mạnh rằng, việc xem xét, tìm ra cho bằng được nghĩa vụ để đổi lại những quyền cơ bản đã được luật pháp quốc tế về nhân quyền ghi nhận là “đặc biệt nguy hiểm” và “đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến diễn ngôn chính trị”.
Video của ông Nguyễn Quốc Tấn Trung được đăng tải đã lâu, nhưng trong những ngày qua có rất nhiều người xem, nhân vụ việc bằng cấp của ông Vương Tấn Việt bị lật lại.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CỔNG TT ĐIỆN TỬ GHPGVN
Chụp lại hình ảnh,Ông Vương Tấn Việt (thứ 2 từ phải) nhận bằng tiến sĩ luật vào tháng 4/2022
Đại học Luật Hà Nội nói gì?
Hôm 25/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Trường đại học Luật Hà Nội báo cáo khẩn trương về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (sinh năm 1959).
Trước đó cùng ngày, Trường đại học Luật Hà Nội cũng đã phát đi thông cáo tuyên bố quá trình tuyển sinh, học tập, nghiên cứu và cấp bằng đối với trường hợp ông Vương Tấn Việt là đúng quy định.
Theo trường này, tổng thời gian đào tạo của ông Thích Chân Quang kể từ khi được công nhận nghiên cứu sinh đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng.
Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, điều này đáp ứng và tuân thủ tất cả các quy định liên quan.
Trả lời phỏng vấn với báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ông Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt – nói rằng ông Việt “đủ điều kiện để học thẳng lên tiến sĩ” và việc công nhận trình độ tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Con đường đến tiến sĩ của ông Thích Chân Quang
2001: Tốt nghiệp ngành tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ – nay là Đại học Hà Nội
15/1/2019: Tốt nghiệp cử nhân ngành luật văn bằng hai (vừa học vừa làm). Xếp loại giỏi
26/11/2019: Trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) Trường đại học Luật Hà Nội
26/12/2019: Được công nhận nghiên cứu sinh
12/2019 -6/2021: Hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (gồm 43 tín chỉ các học phần thuộc ngành/chuyên ngành trên tổng số 60 tín chỉ – được miễn luận văn 12 tín chỉ và ngoại ngữ 5 tín chỉ theo quy định của Điểm b Khoản 3 Điều 3 Thông tư 08/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2020-2021: Hoàn thành 7 học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ
9/12/2021: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường
17/3/2022: Được cấp bằng tiến sĩ ngành luật hiến pháp – hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ-ĐHLHN của Trường đại học Luật Hà Nội