Cây đinh lăng không chỉ có tác dụng làm cảnh, lấy lá và rễ làm thuốc mà còn có ý nghĩa phong thuỷ tốt đối với gia đình.
Cây đinh lăng là loại cây vô cùng quen thuộc với người Việt. Người ta thường trồng cây này làm cảnh, phần lá dùng như một loại rau gia vị, có thể ăn kèm các món gỏi, nem chua… hoặc nấu canh. Lá đinh lăng có tác dụng trị nhức đầu, bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, phần rễ của cây đinh lăng cũng có giá trị tốt, thường được dùng làm dược liệu trong các bài thuốc Đông y.
Cây đinh lăng dễ trồng nên nhiều người muốn trồng loại cây này trong nhà, vừa để làm cảnh, vừa thu hoạch lá và rễ. Ngoài ra, cây đinh lăng cũng có ý nghĩa tốt đối với phong thuỷ của gia đình. Vậy đâu là vị trí tốt nhất để trồng cây đinh lăng.
Vị trí tốt nên trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng là loại cây xanh tốt quanh năm, có thể thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau. Cây có thân dáng đẹp, lá xanh mướt, mềm mại, nhẹ nhàng, giúp tạo không gian sống thoải mái. Khu vực trước sân, trước nhà được coi là vị trí đẹp nhất để trồng loại cây này.
Theo quan niệm phong thuỷ, cây đinh lăng có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn khí xấu vào nhà, giúp giữ các nguồn năng lượng tốt trong nhà, tạo điều kiện cho tài khí tích tụ, giúp gia chủ có nhiều tài lộc, may mắn.
Cần phải lưu ý rằng, khi trồng cây đinh lăng trước nhà, gia chủ nên chọn vị trí phù hợp, không để cây chắn lối đi hoặc chắn mặt tiền của căn nhà. Việc để cây cản lối đi, che chắn mặt tiền vừa làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của mọi người, gây vướng víu vừa cản vượng khí vào nhà. Tốt nhất nên trồng cây chếch sang một bên so với lối vào nhà, cửa nhà hoặc có thể trồng cây ở hai bên để tạo sự đối xứng, cân đối.
Ngoài ra, không nên trồng cây dựa sát vào tường, những vị trí khuất nắng vì loài cây này ưa nắng. Nên trồng cây đinh lăng ở nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên.
Bên cạnh vị trí trước nhà, gia chủ cũng có thể trồng cây đinh lăng ở ban công, sân thượng… hoặc để những chậu đinh lăng bonsai, kích thước nhỏ ở trong phòng khách. Tuy nhiên, nếu đặt ở phòng khách, gia chủ nên để cây bên cửa sổ để cây có thể đón ánh sáng tự nhiên hoặc phải thường xuyên đem cây ra ngoài để phơi nắng.
Lưu ý khi trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng có thể trồng bằng cách giâm cành hoặc trồng bằng cây giống mua sẵn ở các cửa hàng cây cảnh.
Để cây phát triển tốt, bạn có thể bón lót vào đất bằng phân chuồng, phân NPK. Cây có thể phát triển tố trong môi trường đất cát pha, có độ tơi xốp, khả năng thoát nước tốt.
Cây đinh lăng khá ít sâu bệnh, chịu hạn tốt nên không cần tưới quá thường xuyên.
Tuy nhiên, khi cây còn nhỏ, bạn cần chú ý phòng một số loại bệnh như xám, rầy, sâu ăn lá, nấm bệnh… cho cây bằng các loại thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn. Cây đinh lăng từ 2 năm tuổi trở đi sẽ khoẻ mạnh hơn nhưng chuột lại rất hay cắn phần rễ cây. Do đó, bạn cần có biện pháp phòng ngừa chuột tấn công cây.
Cây đinh lăng từ 2 năm tuổi trở lên nên được tỉa lá 2 lần/năm, một lần vào tháng 4 và một lần vào tháng 9.
Cây đinh lăng từ 3 tuổi trở lên là có thể thu hoạch phần rễ. Tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm tốt nhất để thu hoạch rễ đinh lăng. Sau khi lấy phần rễ, bạn có thể giữ lại các cành cây to khoẻ để làm giống và tiếp tục trồng cây mới.
*Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.