theo Văn phòng Phòng vệ Dân sự Philippines (OCD), số người thiệt mạng vì lũ quét và lở đất do bão Yagi kết hợp với gió mùa đã tăng lên 15 người, trong khi 21 người khác vẫn còn mất tích.
Tại Philippines, cơn bão này còn được gọi là bão Enteng, bắt nguồn từ một vùng áp thấp hình thành vào cuối ngày 30/8 ở phía tây bắc Palau.
Người dân lội trong nước do bão nhiệt đới Yagi gây ra ở tỉnh Rizal, Philippines, ngày 2/9. (Nguồn: Xinhua News)
Từ cuối tuần qua, mưa lớn do bão Yagi kết hợp với gió mùa tây nam đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở thủ đô Manila và nhiều khu vực khác của Philippines.
Khi bão Yagi quét qua đảo Luzon vào ngày 3/9, đã gây ra lũ lụt lớn và sạt lở đất, mang theo mưa lớn và gió mạnh với tốc độ 75 km/h, kèm theo gió giật lên tới 90 km/h.
Trong cuộc họp với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., cơ quan quản lý thảm họa của Philippines báo cáo rằng trong số những người mất tích, có 15 thủy thủ bị mất tích vì chìm tàu. Phần lớn các trường hợp tử vong là do sạt lở đất, chết đuối hoặc bị điện giật. Ngoài ra, 15 người khác bị thương do ảnh hưởng của cơn bão.
Hơn 1,7 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó khoảng 88.000 người buộc phải sơ tán.
Ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Philippines cũng chịu thiệt hại nặng nề với giá trị lên tới 351 triệu peso (khoảng 6,2 triệu đô la Mỹ). Bão Yagi còn làm gián đoạn hàng chục chuyến bay nội địa và buộc hơn 450 trường học phải đóng cửa.
Tổng thống Marcos đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung vào công tác tìm kiếm và cứu hộ, đồng thời tiếp tục dọn dẹp đường sá và khắc phục hậu quả sau bão.
Hiện trường một vụ lở đất vì mưa lớn do bão nhiệt đới Yagi gây ra ở tỉnh Rizal, Philippines, ngày 2/9. (Nguồn: Xinhua News)
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã phát đi cảnh báo về cơn bão Yagi, đây là cơn bão thứ 11 trong năm 2024. Dự kiến bão đổ bộ vào khu vực giữa Wanning, đảo Hải Nam và Dianbai, tỉnh Quảng Đông vào chiều 5/9 với sức mạnh của một cơn bão mạnh hoặc thậm chí là siêu bão.
Philippines là quốc gia thường xuyên phải đối mặt với khoảng 20 cơn bão và bão nhiệt đới mỗi năm, đặc biệt là trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11 hoặc tháng 12.
Siêu bão Yagi là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam.
Bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào khoảng 16h ngày 7/9
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 19h tối 5/9, siêu bão Yagi (bão số 3) cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 365km về phía Đông. Cường độ bão vẫn đang mạnh cấp 16 – cấp siêu bão (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/h.
Đến 16h ngày 6/9, tâm siêu bão Yagi trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía Đông Đông Nam, cường độ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, mỗi giờ đi được 15km theo hướng Tây Tây Bắc.
Đến 16h ngày 7/9, tâm siêu bão Yagi trên đất liền sẽ từ Quảng Ninh đến Nam Định, cường độ bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, mỗi giờ đi được 20km theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần.
Ngày hôm sau, tâm bão Yagi trên khu vực Tây Bắc của Bắc Bộ. Cường độ bão mạnh cấp 6, mỗi giờ đi được khoảng 20km theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Bão số 3 xác lập nhiều kỷ lục
Theo cơ quan khí tượng, siêu bão Yagi xác lập nhiều kỷ lục với những cột mốc đặc biệt như:
Đây là cơn bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (tính đến thời điểm hiện tại).
Là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam (48 tiếng).
Lần thứ 3 trong lịch sử cấp độ rủi ro thiên tai Cấp độ 4 (Màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.
Top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên biển Đông.
Giá trị khí áp tại tâm bão giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua trong lịch sử quan trắc bão của khí tượng Việt Nam.
Có thể thấy rằng đến thời điểm này bão Yagi đã đạt trạng thái mạnh nhất của một cơn bão nhiệt đới khi mà các điều kiện mô trường quá thuận lợi nuôi dưỡng cho sự phát triển của nó.
Trước mắt bão sẽ vẫn tiếp tục di chuyển hướng về phía vịnh Bắc Bộ với cường độ hầu như ít thay đổi tuy nhiên khi vượt qua đảo Hải Nam thì cường độ bão có sự suy yếu đáng kể từ cấp 15-16 giật cấp 18-19 giảm còn cấp 13-14 giật cấp 16. Bão sẽ tiếp tục suy yếu khi đi sâu hơn vào Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định.