Thời điểm này, người dân nhiều tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày đau đớn chưa từng có vì thiên tai, bão lũ.
Trước tình thế đó, các nhóm thiện nguyện, hội phản ứng nhanh ở các tỉnh miền Trung như: Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng… đã sẵn sàng lên đường ra miền Bắc ứng cứu.
Những hình ảnh đăng tải đã khiến nhiều người cảm động không cầm được nước mắt. Người Việt Nam khắp rải đất hình chữ S và biển đảo đều liền một khúc ruột, chẳng bao giờ rời bỏ nhau trong khó khăn hoạn nạn. Thật sự quá cảm động.
Chuyến xe báo đáp ân tình của bà con miền Trung đã đến miền Bắc, ảnh: VNE
Chạy liên tục 13,5 tiếng, đoàn tiền trạm 20 thành viên của nhóm Hội phản ứng nhanh PUN75 của Huế đã tới TP Hải Phòng lúc 8h30 ngày 9/9.
“Trước mắt chúng tôi cây xanh đổ ngã, mái tôn, bảng quảng cáo, kính vỡ, sắt thép đầy đường”, Nguyễn Đình Anh Khoa, trưởng đoàn PUN75 nói.
Ngay khi đến nơi, đoàn họp nhanh với Thành Đoàn Hải Phòng để triển khai các công việc tại hiện trường. Từ hơn 10h ngày 9/9, các thành viên của PNU75 đã bắt tay ngay vào xử lý các hậu quả sau bão tại sân vận động Đồ Sơn. Nơi đây đang vô cùng nhếch nhác, cây cối ngã tứ tung.
Thành viên nhóm PUN75 đã chuẩn bị vật dụng cần thiết chuẩn bị lên đường, ảnh: TNO
Anh Khoa cho biết rút kinh nghiệm từ những đợt bão, lũ gây thiệt hại lớn ở Huế, khi đoàn hỗ trợ hai miền Bắc – Nam ra tới nơi thì lực lượng địa phương đã dọn dẹp gần xong nên nhóm muốn đến hỗ trợ sớm nhất có thể. Tuy ý tưởng có từ sớm họ vẫn mất một ngày để liên hệ ra vùng tâm bão, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết.
7h ngày 9/9, hơn 35 thành viên nhóm Jungle Boss ở Quảng Bình lên đường thẳng tiến Hải Phòng để chung tay khắc phục hậu quả sau bão Yagi.
“Chúng tôi hiểu được những khó khăn khi cơn bão đi qua nên mong muốn đóng góp sức nhỏ của mình cho bà con vùng tâm bão Yagi”, anh Lưu Lê Dũng, trưởng nhóm Jungle Boss nói.
Các thành viên của Jungle Boss, từ Phong Nha, Quảng Bình chuẩn bị đồ nghề chiều 8/9, trước khi lên đường hỗ trợ Hải Phòng khắc phục hậu quả bão Yagi, ảnh: VNE
Nhóm tập hợp người địa phương ở Phong Nha, Quảng Bình, làm trong công ty được đào tạo bài bản kỹ năng cứu hộ cứu nạn qua quá trình thám hiểm hang động. Họ mang theo trang thiết bị an toàn và leo trèo chuyên dụng trong trường hợp cần dùng đến.
Anh Dũng cho biết nhiệm vụ của nhóm các ngày tới chủ yếu là dọn dẹp cây cối, sửa chữa lại các trường học hoặc bệnh viện bị bão làm hư hỏng. “Hỗ trợ bà con miền Bắc cũng là tinh thần tương trợ và cũng là nghĩa tình lúc hoạn nạn có nhau”, anh nói.
Nhóm của chị Trà chèo ghe đưa nhu yếu phẩm của bà con cả nước đến tay người dân Quảng Bình bị cô lập trong trận lũ lớn, năm 2021, ảnh: TNO
Tại Quảng Bình, cũng trong buổi sáng, nhóm thiện nguyện Từ bi hỉ xả của chị Nguyễn Thị Phương Trà cho biết, với kinh nghiệm gần 10 năm hỗ trợ người dân sau bão, lũ, nhóm đã bàn nhau kế hoạch hỗ trợ.
Hiện tại, chị Trà đang kết nối với các hội nhóm ở Quảng Ninh, Hải Phòng nắm tình hình. “Bão quét qua nhưng không gây lũ lụt hay chia cắt giao thông như ở miền Trung nên chúng tôi không tính đến phương án tặng nhu yếu phẩm. Nhóm sẽ vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mặt, mua mái tôn cho người dân vùng bão”, chị Trà cho hay.
Trong khi đó, một câu chuyện kêu gọi giúp nhau cảm động sau siêu bão Yagi trên MXH khác cũng được nhiều người quan tâm. Đó là nội dung đoạn tin nhắn của chị Phan Thị Thìn được tài khoản FB Huy Nguyễn đăng tải.
Hình ảnh chị Thìn (áo xanh) được đoàn công tác của Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên – khu vực Duyên hải miền Trung thăm và trao tặng tiền năm 2016 làm chị nhớ mãi, ảnh: TNO
Chị Thìn cho biết bản thân sinh ra và lớn lên tại xã Cao Quảng, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình. Nơi đây là một xã miền núi, nằm thu nhỏ giữa những ngọn núi bao quanh. Do đó, hằng năm những trận lũ cứ lần lượt kéo tới, quét đi tất cả những gì bà con đã gầy dựng.
Trong những lần bão lũ trước đây, chị Thìn nhớ nhất là thời điểm năm 2016. Lúc ấy, gia đình chị rất khó khăn, căn nhà cấp 4 yếu ớt bị tốc mái, không chống chọi nổi với cơn bão lớn. Trong khi đó, chị lại mới sinh đứa con thứ 3, gia đình đã khó khăn thì gần như kiệt quệ vì bão lũ.
Lúc khó khăn cùng cực đó, chị cảm thấy bản thân quá may mắn khi được sự giúp đỡ từ bà con miền Nam và Bắc với nhiều quà tặng vật dụng thiết yếu. “Tôi nhận được áo quần cũ, gạo, tiền, sách vở cho các con và các nhu yếu phẩm khác. Mỗi món quà nhận được tôi đều trân trọng và cất giữ trong trái tim”, chị Thìn nói đầy xúc động.
Sau khi đọc thông tin bão Yagi gây thiệt hại lớn, chị Thìn lại nhớ đến tình yêu thương của bà con với từng chiếc áo quần được xếp thật kỹ và rất thơm tho khi xưa. Cho nên, chị đã bàn với chồng là anh Trương Huy Sơn sẽ làm gì đó để giúp đỡ lại bà con miền Bắc.
Anh Sơn cho biết hiện tại anh và vợ đang chờ tình hình ổn định, những nơi nào khó khăn để có phương án giúp đỡ. Trước mắt anh và vợ rất sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng người dân xã Cao Quảng, H.Tuyên Hóa cùng chung tay đóng góp tiền, vật lực để giúp đỡ lại bà con miền Bắc.