Tương lai của con được bồi đắp bằng sự cố gắng của bậc sinh thành
Ông Trương là giáo viên cấp 2 ở một thành phố nhỏ ở Trung Quốc, từng có một gia đình êm ấm với vợ và con trai trước khi ly dị. Ông Trương chọn cuộc sống làm bố đơn thân để chăm lo cho con mình tốt nhất. Ban ngày ông dạy học ở trường, đến tối lại dạy thêm, làm gia sư vậy nên tài chính gia đình cũng dư dả hơn trước.
Con trai ông nhờ vậy được học những trường lớp tốt nhất, thành tích cũng đủ khiến ông Trương tự hào dù ông không có nhiều thời gian gần gũi con. Vậy nên thầy giáo này rất chiều con, yêu cầu gì của con ông cũng đáp ứng để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm. Sau khi con trai tốt nghiệp trường đại học danh giá, ông Trương định hướng con thi công chức hoặc làm doanh nghiệp Nhà nước nhưng con trai ông lại muốn học cao hơn nên ông cũng chiều con, hỗ trợ con thi đỗ cao học.
Học hết cao học, người con trai lại muốn đi du học lấy bằng Tiến sĩ, ông Trương cũng không phản đối dù biết chi phí sẽ rất tốn kém. Khi đó người thầy giáo này chỉ nghĩ khi con có bằng Tiến sĩ, đi du học về sẽ dễ dàng kiếm được việc lương cao và được trọng dụng. Vậy nên dù đồng nghiệp thuyết phục rằng với bằng Thạc sĩ con trai đã có thể kiếm được việc lương cao ở quê thì ông Trương vẫn không nghe, cảm thấy đầu tư cho con chắc chắn không bao giờ lỗ.
Ảnh minh họa
Điều ông không ngờ đến là trường học nơi ông dạy không cho phép giáo viên dạy thêm nữa, tiền lương ít ỏi không đủ để nuôi con trai du học. Vậy nên ông Trương phải bán bớt tài sản đi, kinh doanh thêm cửa hàng nhỏ do cha ông để lại và vay 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) vì tương lai của con. Thế nhưng thực tế lại không màu hồng, khi người con trai tốt nghiệp về nước rất ít công ty tại tỉnh nơi ông Trương sinh sống cần một Tiến sĩ vào làm, nếu có thì mức lương cũng không như mong đợi.
Kết quả con trai ông Trương kiếm được việc 200.000 NDT/năm (hơn 600 triệu đồng), không tệ nhưng điều thầy giáo này buồn nhất là con trai biết mình nợ nần lại không có ý muốn trả nợ giúp cha. Ông Trường oằn mình trả nợ trong vài năm, không có nhiều tiền tiết kiệm trong khi con trai sống ở căn hộ cao cấp đi thuê, vay tiền mua ô tô, ngày đi làm tối lại tiệc tùng. Dù lo lắng nhưng khi thấy cuộc sống của con trai dư dả, ông Trương cũng tự an bản thân đã cố gắng hết mình vì con, sau này có thể dựa vào con sống đến cuối đời.
Không mua nhà liền bị con từ mặt
Ba năm trước, người con trai đã lâu không về nhà đột nhiên dẫn bạn gái đến gặp tôi nói về dự định kết hôn. Lúc đó ông Trương cảm thấy rất vui vẻ khi nghĩ đến ngày mình được ôm cháu trai và tận hưởng không khí gia đình đầm ấm. Ai ngờ chưa kịp vui mừng thì con trai ông nói muốn mua nhà gần trung tâm thủ phủ của tỉnh, phải cọc hơn 1 triệu NDT (~3,3 tỷ đồng). Trong tay người con trai mới chỉ có 300.000 NDT (~1 tỷ đồng), số còn lại muốn xin ông Trương.
“Nghe con số này làm lòng tôi lạnh toát, làm sao giáo viên về hưu có nhiều tiền như vậy. Tôi bàn bạc với con chuyển về thành phố nhỏ tôi đang sống, nhà to cũng chỉ cần trả trước 300.000 NDT, trình độ học vấn của con hoàn toàn có thể kiếm được việc tốt. Nhưng con tôi lại trả lời rằng bạn gái nếu không mua được nhà ở thành phố lớn sẽ không lấy con”, ông Trương nói.
Ảnh minh họa
Người thầy giáo già bất lực vì biết rằng dù vay mượn khắp nơi cũng không thể có 700.000 NDT. Con trai liền đề nghị ông Trương bán căn nhà hiện tại của ông, giá cũng được 600.000 NDT và chuyển về vùng nông thôn sống. Nói đến đây, ông Trương vô cùng thất vọng, nuôi con trai thành đạt chưa được hưởng phúc lộc gì, nay còn muốn đuổi ông về quê.
Lúc đầu ông Trương định chấp nhận nhưng nghĩ lại, ông cảm thấy mình không thể cứ đưa tiền và chiều theo mọi lời đề nghị của con một cách mù quáng nữa. Ông đã từng phải làm việc vất vả để trả nợ cho con học hành, bây giờ về hưu chỉ có căn nhà để an hưởng tuổi già. Chưa kể anh con trai sau khi bán nhà cũng chưa chắc để để tâm đến cuộc sống của cha mình.
Vậy nên thầy giáo Trương từ chối con mình. Hai cha con vì chuyện này mà cãi nhau, bao nhiêu thất vọng dồn nén khiến ông Trương không nhịn được tát con một cái. Con trai ông Trương bỏ đi, nói mình không có người bố như ông và sẽ không về nhà nữa.
Người cha còn tưởng con trai nói những lời này trong lúc giận dữ, khi nguôi giận sẽ hiểu được sự vất vả của ông nhiều năm nay. Chẳng ngờ 3 năm trôi qua, người con trai mới về nhà một lần để lấy sổ hộ khẩu đi đăng ký kết hôn. Kể từ đó, anh này không nói chuyện gì với cha mình, cha ốm cũng chỉ chuyển khoản 20.000 NDT (~67 triệu đồng) mà không một lời hỏi thăm.
Ảnh minh họa
Nhìn đứa con Tiến sĩ một tay mình nuôi nấng trên nên lạnh lùng với chính cha mình, ông Trương buồn lòng không sao nguôi ngoai. Dù vậy, khi ai hỏi đến con trai mình, ông vẫn khẳng định con rất hiếu thuận, bận rộn làm ăn bên ngoài nên ít về quê, chỉ là không thể tự lừa dối bản thân. “Tôi không biết mình đã làm gì sai, có phải vì tôi không mua nhà cho con nên con hận tôi không? Dù sao thì tôi cũng đã mất con mình, thực sự không dám để mất mặt nữa”, ông Trương đau đớn nói.
Trên thực tế, ông Trương là mẫu phụ huynh điển hình của việc nuông chiều con vô điều kiện, chấp nhận mọi yêu cầu của con mà không tính toán quá nhiều vì nghĩ lo về mặt tài chính là đủ yêu thương con. Ông Trương đi làm cả ngày nên cũng gần như không có thời gian gần gũi với con, mối quan hệ cha con vì vậy nên đã đôi phần xa cách.
Thêm vào đó, người con đã quen được thỏa mãn những đòi hỏi sẽ cảm thấy quá dễ dàng để có được mọi thứ, luôn mặc định cha sẽ luôn đáp ứng bất kể đòi hỏi đó có quá đáng đến đâu. Vậy nên ngay khi ông Trương không thỏa hiệp với mong ước mua nhà, anh con trai thể hiện thái độ không đúng mực với hy vọng cha sẽ “xuống nước” và tiếp tục chiều theo ý anh nhưng cuối cùng vẫn không thể đạt được mục đích, gây ra bi kịch gia đình kể trên.