Từ sau đám cưới tới lúc sinh con tôi không được về thăm mẹ đẻ. Lấy chồng đã 5 năm nhưng tôi mới về quê ngoại được một lần.
Tôi lấy chồng đã 5 năm rồi nhưng mới về quê ngoại được một lần. Nhà đẻ ở tỉnh lẻ, nhà chồng tôi ở thủ đô. Khi tôi lấy chồng thành phố, ai cũng xuýt xoa khen tôi tốt số, chồng đẹp trai, hiền lành, có công việc ổn định.
Thế nhưng khi về sống chung với nhà chồng, cuộc sống hôn nhân của tôi không có lấy một nụ cười.
Bố mẹ chồng coi thường nhà tôi quê mùa, không muốn thân thiết với thông gia. Mẹ chồng sợ con dâu mang tiền về cho mẹ đẻ dưới quê, bà bắt con trai phải nộp hết tiền lương.
Lúc ấy tôi đang mang thai lại nghỉ việc ở nhà không có thu nhập nên cũng chẳng có tiếng nói. Chồng tôi thì nghe lời mẹ, chỉ biết dặn vợ đừng cãi mẹ.
Từ sau đám cưới tới lúc sinh con tôi không được về thăm mẹ đẻ. Mẹ chồng bảo phụ nữ kết hôn đã thành người nhà chồng, không cần qua lại nhà đẻ nhiều làm gì. Con dâu phải chú tâm vào công việc nhà chồng, ăn cây nào rào cây ấy.
Sống trong môi trường mới không có ai đứng về phía mình, tôi thực sự tủi thân, bất lực.
Khi tôi sinh con được 4 tháng, lúc đó phải xin mãi mẹ chồng mới cho đưa con về ngoại chơi một tuần. Chưa hết một tuần bà đã gọi điện liên tiếp giục về. Đến giờ tôi kết hôn được 5 năm, con gái đã 3 tuổi, tôi mới về quê ngoại thăm mẹ được một lần. Mẹ tôi cũng chỉ gặp cháu được lần ấy.
Biết nhà thông gia không hoan nghênh mình, mẹ tôi nào dám lên chơi. Nhớ mẹ, tôi cũng chỉ hỏi thăm được qua điện thoại, bà ốm đau chỉ hỏi han được vài câu chứ chẳng thể kề cận chăm sóc.
Con được hơn 1 tuổi, tôi gửi bé đi nhà trẻ rồi xin việc làm lại. Lương chẳng có bao nhiêu, chồng bắt tôi chi tiêu mua sắm còn lương của anh vẫn gửi cho mẹ. Tôi bất mãn thì chồng bảo cho tôi tự cầm tiền lương không bắt nộp đã là tốt lắm rồi còn gì. Thực sự ngán ngẩm.
Hôm trước tôi gọi điện cho mẹ hỏi thăm, nghe giọng bà mệt mỏi nhưng vẫn chối đây đẩy bảo mình không sao cả. Cúp máy rồi tôi vẫn nóng ruột không yên lòng. Gọi cho bà dì ở cách đó mấy cây số, tôi nhờ bà sang kiểm tra hộ.
“Mẹ cháu bị ốm cả tuần nay rồi nhưng không muốn nói cho cháu biết, sợ cháu lo”, nhận được câu trả lời của dì, lòng tôi quặn thắt thương mẹ. Từ ngày đưa con về chơi với bà tính đến giờ đã 3 năm rồi mẹ con, bà cháu nhà tôi chưa được gặp mặt trực tiếp.
“Có việc gì mà phải về, em biết tính mẹ rồi đấy, bà không thích con dâu về ngoại nhiều đâu”, chồng tôi bực tức buông một câu khi vợ nhắc tới chuyện về quê ngoại. Tôi biết có xin phép cũng chẳng được nên đợi chồng ra ngoài thì vơ ít hành lý rồi bế con ra đón xe về với mẹ.
Về đến nhà thì cũng trưa muộn, tôi không thấy mẹ đâu nhưng thấy mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn mà chưa ăn. Bước lại gần, nhìn rõ mâm cơm của mẹ, tôi không khỏi lặng người.
Không nói đến các món ăn đơn giản mà trên mâm cơm còn có 2 bộ bát đũa khác dành cho người lớn và một chiếc bát có hình thù ngộ nghĩnh cùng với chiếc thìa đáng yêu dành cho trẻ nhỏ.
Nước mắt tôi rơi lã chã. Tôi nhận ra mình đúng là một đứa con gái bất hiếu. Bố tôi mất sớm, một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn trưởng thành. Thế mà vì chịu đựng cuộc hôn nhân của mình, tôi cũng để mẹ phải khổ sở theo.
Nếu tôi vẫn chung sống với chồng thì bà còn chịu đựng cảnh cô đơn lẻ loi, nhớ con cháu quay quắt mà không gặp được đến bao giờ?
Bà cô đơn quá đến mức phải soạn bát đĩa cho người chồng đã mất cùng con gái và cháu ngoại mỗi bữa cơm, dù chúng tôi không có mặt. Con rể đối với bà quá nhạt nhẽo, bà không có ấn tượng nhiều với chồng tôi nên trong vô thức bà cũng không chuẩn bị bát đũa cho con rể.
Sau mấy ngày ở quê thăm mẹ, tôi quyết định về ly hôn chồng, đưa con về quê sống với bà. Bố mẹ chồng tôi cũng không mặn mà với cháu gái cho lắm. Nếu còn ở thành phố tôi cũng không đủ năng lực đón mẹ lên vì một mình nuôi con.
Về quê yên bình ấm áp có lẽ phù hợp hơn phải không mọi người?