Vừa sinh hai con trai được hơn ba tháng, chị Tuyến phát hiện có bầu lần nữa, ba đứa con đang thành hình trong khi tính mạng mẹ và các con đều nguy hiểm.
“Lúc biết có thai, tôi ngỡ ngàng, bật khóc vì hai con đầu vẫn còn đang bế ngửa”, chị Đỗ Thị Tuyến, 32 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom kể về hành trình chào đón và nuôi nấng 5 cậu con trai ra đời cách nhau 13 tháng, năm 2021.
Chị Tuyến và anh Nguyễn Văn Toản, 34 tuổi kết hôn năm 2016. Người vợ được chẩn đoán bị đa nang buồng trứng nên buộc phải dùng thủ thuật kích trứng để tăng khả năng đậu thai. Vợ chồng toại nguyện mang thai tự nhiên và chào đón cặp song sinh hai con trai đầu lòng vào tháng 10/2020.
Vì chậm con 5 năm nên chị chủ quan không sử dụng biện pháp phòng tránh thai nào. Bốn tháng sau khi sinh, Tuyến có dấu hiệu ốm nghén, đến lúc siêu âm được thông báo “tam thai” thì “trời đất như quay cuồng, không còn nghĩ được gì nữa”.
Vết mổ từ lần sinh trước còn chưa lành, giờ lại mang bầu thêm ba con “không khác đùa với tính mạng”. “Nếu có chuyện gì với mình thì ba đứa trẻ này và hai anh của chúng không còn hơi mẹ, rồi lấy ai chăm sóc, nuôi dưỡng”, chị nghĩ.
Dù vậy người phụ nữ không có ý nghĩ “bỏ hay giữ con”. Gia đình nội ngoại động viên, chồng luôn ở bên an ủi cũng giúp Tuyến nhẹ lòng hơn, tự trấn an mình để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Cặp sinh đôi Minh Khôi, Minh Khang và sinh ba Minh Châu, Minh An và Minh Anh (lần lượt từ trái qua) của vợ chồng chị Tuyến, anh Toản ở Trảng Bom, Đồng Nai trong một lần đi nhà thờ, tháng 10/2023. Ảnh: Gia đình cung cấp
Không nhiều người quen, hàng xóm biết chuyện chị Tuyến mang bầu lần hai ngay sau khi sinh nên có lần ra đường có người hỏi: “Sao mang bầu lâu vậy chưa đẻ?”.
Thai được bốn tháng, bụng chị đã to như sắp sinh. Anh Toản kể khi đó nhìn cảnh hai đứa nhỏ đeo bám, quẫy đạp rất nguy hiểm cho vợ. Vì chăm con, không có đêm nào Tuyến được yên giấc. Song người mẹ không cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, hoặc “vì thương hai con quá nên cứ cố gắng chăm sóc mà không còn thấy mệt nữa”.
Nhưng chị cũng chỉ cố gắng được tới tháng thứ tư. Vợ chồng buộc phải gửi hai con đầu đến nhà ông bà ngoại, cách 20 km. Ngày đưa con đi gửi, người mẹ nép sau cửa bụm miệng không dám khóc to. Hai đứa con mới hơn 7 tháng đã phải cai sữa và tách khỏi mẹ.
Từ lúc này, Tuyến có thời gian chăm sóc cho thai kỳ. Nhưng cái thai cũng chỉ giữ được đến 28 tuần là có nguy cơ dọa sảy nên phải nhập viện. Đến 32 tuần, sản phụ này được mổ bắt con vì nguy cơ sinh non cao.
Đó là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình. Tuyến ra khỏi phòng mổ đã không gặp được con vì các bé đã chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng Nai nằm lồng kính. Đến ngày thứ ba, chị định sẽ đi thăm con nhưng chưa bước khỏi giường đã gục xuống vì đau vết mổ. Tuyến cũng không thể về ngoại gặp hai con lớn do khi đó đang dịch Covid-19.
Nằm ở nhà tĩnh dưỡng được một tuần, người phụ nữ bất chấp đau đớn để vào viện gặp các con. Ba bé có cân nặng dao động từ 1,8-1,9 kg, được nuôi trong lồng kính 10 ngày trông đã hồng hào hẳn. Trong những ngày đó, gia đình phải bố trí ba người túc trực ở bệnh viện. Sau nửa tháng, các bé được cho về nhà.
Năm anh em được mẹ cho tự ăn rau, trước khi được cho ăn cơm, tháng 11/2023. Ảnh: Gia đình cung cấp
Anh Toản trở thành người duy nhất lo kinh tế cho gia đình. Mỗi tháng chỉ riêng bỉm sữa của 5 con đã là một khoản không nhỏ, anh phải đi công trình biền biệt. Ông bà nội già yếu, còn bán tạp hóa nên chỉ phụ được cơm nước hàng ngày. Một mình Tuyến xoay với cả đàn con.
Vì sợ con bện hơi, nên chị hạn chế bế ẵm. Ngay cả lúc uống sữa cũng để nằm. Mỗi đêm chị phải dậy ít nhất hai lần để cho các bé uống sữa và thay bỉm. Người bình thường chăm một bé trong những tháng đầu tiên đã rất căng thẳng, nhưng với Tuyến mọi việc đều phải làm gấp ba.
“Ba bé nằm cùng giường nên chỉ cần một bé ọ ẹ, ướt tã là các bé khác đồng loạt dậy. Không biết có một thế lực nào giúp đỡ, tôi luôn kịp thời thức dậy để thay tã, cho ăn mà không ảnh hưởng bé khác”, Tuyến nói.
Mặc dù có những lúc đuối, nghĩ đến hai con đầu phải xa bố mẹ, ba con sau không được bế bồng, Tuyến lại càng mạnh mẽ bởi “mệt mỏi của mình không là gì với thiệt thòi của các con”. Cứ thế, bốn mẹ con tự chăm nhau qua được 3.5 tháng. Từ lúc này, Tuyến vừa chăm con vừa làm việc nhà, không cần ông bà phụ giúp nữa.
Qua sinh nhật một tuổi của bộ ba, cặp sinh đôi được đón về. Lúc này, người phụ nữ Đồng Nai lại trải qua những khó khăn khác thử thách sức làm mẹ. 5 cậu bé đến tuổi tranh giành, đùa giỡn, mỗi ngày không biết bao bận mẹ phải thành trọng tài phân xử.
Cũng may 5 bé sàn sàn tuổi nhau nên luôn có người chơi cùng và cũng “biết thân, biết phận”. Chỉ cần một đứa bị mẹ mắng phạt là bốn đứa còn lại tự biết sợ phải ngoan. Đến nay, chúng đã biết nhắc nhau dọn đồ chơi khi thấy mẹ sắp về.
Hiện cặp lớn Minh Khôi và Minh Khang được ba tuổi; bộ ba Minh Anh, Minh An và Minh Châu cũng vừa qua sinh nhật hai tuổi, tất cả đều quanh mốc 17 kg. Chính vì chiều cao, cân nặng và vẻ ngoài tương đồng, nên đi đâu người xung quanh cũng nghĩ là anh em sinh năm.
Người mẹ cho biết, nếu chỉ nhìn qua các bé cũng khó phân biệt. Chị thường phải chỉ mọi người rằng hai bé đầu lớn hơn nên tóc đen hơn, cao hơn, trong đó một bé mập, một bé gầy. Ba bé sau thì có hai đứa mập, trong đó một đứa mắt mí lót, đứa hai mí; đứa còn lại gầy hơn nên dễ nhận ra.
“Lúc ba bé sau tập đi bị ngã, khiến một bé gãy hai răng cửa, một bé gãy một răng, một bé còn nguyên”, chị Tuyến buồn nói nhưng cho biết đó cũng có thể là “đặc điểm phân biệt”.
Dù vậy khi ngủ, vẻ ngoài của các cậu bé vẫn đôi lần khiến mẹ bối rối. Để tránh nhầm, Tuyến luôn mặc đồ khác nhau cho con khi đi ngủ. “Đến giờ thì tôi chỉ nhìn cái kiểu hờn dỗi là biết ngay của đứa nào”, người mẹ nói.
Nhà đông con nên ngay khi chồng nhận lương phải mua đủ bỉm sữa cho cả tháng, sau đó còn bao nhiêu mới thu vén ăn uống. Ngay trong sinh hoạt hàng ngày cũng phải linh động, nhiều khi bất chấp quy tắc thông thường. Ví dụ như hiện tại các con có thể tự xúc ăn, nhưng đến bữa Tuyến quây đàn con lại, lần lượt xúc cho từng đứa. Nhiều người không hiểu trách móc, song bà mẹ cho biết nếu để cho tự xúc là cả năm đứa bẩn từ đầu đến chân, bẩn cả nhà cả cửa. Thay vì chỉ mất 20-30 phút cho ăn, cô lại mất lên hàng tiếng thay đồ, dọn nhà cửa.
Vợ chồng Tuyến cũng chưa cho con đi mẫu giáo bởi thu nhập không đủ đóng học phí. “Hơn nữa ai đưa đi, đón về? Rồi mỗi lúc chúng ốm đau thì sao?”, Tuyến nói và dự định sẽ nghỉ việc ở nhà chăm cho tới khi chúng 5 tuổi.
Chị Tuyến và đàn con đáng yêu tại quê nhà Trảng Bom, Đồng Nai mùa thu 2023. Ảnh: Nhân vật cun g cấp
Cặp vợ chồng cho biết vì các con đang tuổi ăn tuổi lớn nên đôi khi sẽ thiếu thốn, nhưng mỗi dịp lễ Tết, họ luôn cố gắng cho con được đi chơi, bộ quần áo mới và đồ ăn ngon hơn ngày thường.
“Những lúc được ăn mặc đẹp và ra ngoài đi chơi các con thích lắm. Nhìn cả năm đứa con lớn khôn, kháu khỉnh, vợ chồng tôi tự hào vô cùng”, người mẹ 5 con nói.