Sự cảnh giác của giáo viên chủ nhiệm đã giúp gia đình nam sinh thoát khỏi một phi vụ lừa đảo cực lớn.
Những ngày chờ đợi giấy báo trúng tuyển đại học thường là chuỗi ngày các sĩ tử sống trong thăng trầm cảm xúc khác nhau. Có sĩ tử thì hụt hẫng, thất vọng vì thi trượt, cũng có sĩ tử lại vui mừng khôn xiết khi cầm tờ giấy nhập học trên tay.
Một tấm giấy báo trúng tuyển nhỏ bé, chứa đựng nỗ lực và mồ hôi của 12 năm học tập vất vả trong thời gian học sinh, sẽ mang lại một tương lai xán lạn hơn cho sĩ tử. Nhưng bạn đã bao giờ nghi ngờ, giấy báo trúng tuyển bạn nhận được rốt cuộc là thật hay giả?
Đạt 318 điểm trong kỳ thi đại học và muốn học lại, nhưng bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển từ “trường danh tiếng”
Năm 2021, câu chuyện của một nam sinh tên Lưu Sảng đến từ tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã khiến cả MXH nước này phải xôn xao. Theo đó, trước kỳ thi cao khảo – kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm đó, Lưu Sảng luôn tự tin rằng mình không cần đi học đại học cũng có thể thành công, nhưng sau khi kỳ thi kết thúc, nhìn vào điểm số 318 điểm của mình rồi nhìn sang bạn bè ai ai cũng phấn khởi cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, cậu bắt đầu cảm thấy hoang mang.
Dưới sự thuyết phục của giáo viên, Lưu Sảng quyết định học lại. Thế nhưng, ngay khi cậu đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ôn luyện và thi lại vào năm sau, Lưu Sảng bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển từ một “trường danh tiếng”. Ban đầu, Lưu Sảng nghĩ là phòng tuyển sinh gửi nhầm, còn gọi điện để xác nhận trước khi “tin rằng đó là sự thật”.
Cha của Lưu Sảng, khi biết con trai mình đỗ đại học, đã vui mừng đến nỗi lập tức tổ chức một bữa tiệc lớn, mời cả giáo viên chủ nhiệm của Lưu Sảng tham gia. Mặc dù giáo viên cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng vẫn đến dự tiệc như đã hẹn.
Trong tiệc, giáo viên đã nhẹ nhàng hỏi Lưu Sảng về thông báo nhập học, sau đó âm thầm nói với cha anh rằng thông báo nhập học là giả mạo và nói thẳng: “Hãy báo cảnh sát ngay lập tức”.
Hóa ra, thông báo nhập học mà Lưu Sảng nhận được là từ một trường đại học “bom”, có tên là “Đại học Bưu chính Viễn thông Trung Quốc”. May mắn thay, giáo viên đã kịp thời phát hiện và tránh được thiệt hại.
Trường đại học “bom” là gì?
Thuật ngữ “trường đại học ‘bom'”, gọi chính xác hơn chính là “trường đại học giả”, “trường đại học dỏm” hay “diploma mill” trong tiếng Anh, nghĩa là lò sản xuất văn bằng. Đúng như cái tên của mình, những trường đại học này chỉ lập ra để lấy tiền và cấp bằng. Tín chỉ, bằng tốt nghiệp tại những trường này không có giá trị, không được các trường khác công nhận khi sinh viên muốn chuyển sang học trường khác hoặc học lên cao. Những “trường đại học dỏm” này thường sử dụng tên trường giống với tên của các trường đại học nổi tiếng để gây nhầm lẫn và thu hút sinh viên.
Rất nhiều “trường đại học ‘bom'” thậm chí không hề dạy kiến thức cho sinh viên mà chỉ tiến hành gửi sinh viên của họ đi làm việc ở nhà máy trong nửa kỳ học đầu, với danh nghĩa là thực tập. Cũng có những “trường đại học ‘bom'”, sinh viên thậm chí không cần đi học, kỳ thi cuối kỳ cũng không cần tham dự, chỉ cần chờ để nhận bằng tốt nghiệp.
Vì vậy, nếu thí sinh nhận được thông báo nhập học từ “trường đại học ‘bom'”, đừng do dự, hãy báo cảnh sát ngay lập tức.
Giữa “trường đại học ‘bom'” và việc học lại, sĩ tử đừng ngại chọn vế sau
Giống như Lưu Sảng, hàng năm vẫn có không ít trường hợp sĩ tử băn khoăn giữa việc chọn “trường đại học ‘bom'” hoặc học lại hay thậm chí bỏ học. Nhiều em có thể cảm thấy việc học lại, thi lại là mất mặt, thà cứ chọn đại một trường. Nhưng thực tế, tương lai mới là điều đáng quan tâm hơn tất cả.
Chọn “trường đại học ‘bom'”, bạn có thể lãng phí vài năm thanh xuân và một tương lai không xác định. Chọn học lại, bạn chỉ mất một năm thời gian, với một tương lai tươi sáng hơn, vì vậy sĩ tử chắc chắn nên chọn học lại, đừng để danh dự làm mờ mắt.