Thực tế một đằng, quảng cáo một nẻo
Website https://hanayuki.asia quảng cáo nhiều sản phẩm nhãn hiệu Hanayuki có tác dụng “trị”, “đặc trị”…như thuốc. Ảnh chụp màn hình
Từ thông tin quảng cáo trên website https://hanayuki.asia và một số website khác về các sản phẩm có tác dụng “trị mụn”, “trị nám” mang nhãn hiệu Hanayuki, trong vai khách hàng PV Báo Đại biểu Nhân dân đã nhiều lần liên hệ qua 2 số hotline đăng trên website này là 0703.209.378 và 0908.800.855 để được tư vấn về sản phẩm, tuy nhiên cả 2 số này đều không có người nghe máy.
Sau đó, lần theo thông tin trên website https://hanayuki.asia, PV tìm tới địa chỉ 62/2 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh để tìm mua một số sản phẩm được quảng cáo có tác dụng “trị mụn”.
Trước cửa và bên trong căn nhà số 62/2 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh
Theo ghi nhận, trước cửa căn nhà tại địa chỉ trên có gắn biển hiệu “Văn phòng đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group”, bên trong căn nhà này là một kho chưa rất nhiều thùng hàng với một số nhân viên túc trực để bán hàng và giao hàng cho khách.
Khi PV ngỏ ý muốn mua sản phẩm dành cho da mụn, một nhân viên ở đây lấy ra một hộp sản phẩm có tên Hana Acine & White, đưa cho PV và cho biết: “Đây là sản phẩm chuyên điều trị mụn của bên em, có giá 580.000 đồng. Ngoài ra, sản phẩm này còn có dạng hộp mini có giá 250.000 đồng”.
Nhân viên tại văn phòng đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group cầm 2 hộp sản phẩm Hana Acine & White và nói có tác dụng “chuyên điều trị mụn”
Từ thông tin quảng cáo và giới thiệu của nhân viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group, PV đã mua 1 hộp sản phẩm Hana Acine & White với giá 580.000 đồng.
Khi mang về xem kỹ trên vỏ hộp có thông tin tên sản phẩm là Hana Acine & White (Kem mụn & trắng da) với số công bố mỹ phẩm là: 043/21/CBMP-ĐN. Có nghĩa đây là sản phẩm mỹ phẩm được Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp Phiếu công bố.
Hộp sản phẩm Hana Acine & White với giá 580.000 đồng được quảng cáo là có tác dụng “trị mụn”
Trên vỏ hộp không ghi thông tin về đơn vị sản xuất sản phẩm này mà chỉ có thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group (địa chỉ 76 Nguyễn Trãi, phường 3, quận 5, TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra còn có thông tin về website: www.hanayuki.asia.
Công dụng của sản phẩm được ghi trên vỏ hộp sản phẩm là: “Giúp làm giảm mụn. Giúp làm giảm thâm do mụn. Giúp hỗ trợ nhanh lành sẹo do mụn. Giúp dưỡng da và làm trắng da. Giúp trẻ hoá làn da”. Hoàn toàn không có công dụng “trị mụn” hay “điều trị mụn” như quảng cáo trên website và giới thiệu của nhân viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group.
Tờ giấy hướng dẫn sử dụng kèm danh mục 18 sản phẩm nhãn hiệu Hanayuki
Bên trong hộp là 1 tuýp sản phẩm to bằng ngón tay cái. Trên tuýp sản phẩm có in logo Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group và website https://hanayuki.asia. Ngoài ra trong hộp còn có một tờ giấy hướng dẫn sử dụng và liệt kê danh mục 18 sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu Hanayuki.
Quảng cáo gian dối?
Nhiều website quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki như thuốc. Ảnh chụp màn hình
Theo khảo sát của PV Báo Đại biểu Nhân dân, thời gian qua có rất nhiều website đăng thông tin giới thiệu, quảng cáo và bán các sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu Hanayuki. Cụ thể là các website: https://hanayuki.asia ; https://hana-yuki.asia; https://hanayuki.net.vn; https://myphamhanayukichinhhang.com; http://congtymyphamhanayuki.com; https://kemtrinamhanayuki.com; https://hanayuki.co; https://dibanglabeaute.com; https://hanayukichinhhang.com; https://hanayukivietnam.com…
Trong số những website trên có website https://hanayuki.asia thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại VB Group và được in trên hộp các sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu Hanayuki. Cùng với đó là nhiều website có dấu chứng nhận “đã thông báo Bộ Công Thương” và nhiều website đăng thông tin khẳng định là đang bán hàng chính hãng của nhãn hiệu mỹ phẩm Hanayuki.
Điều đáng nói là tại các website này đều có những thông tin, hình ảnh quảng cáo nhiều loại mỹ phẩm nhãn hiệu Hanayuki với các tác dụng “trị”, “đặc trị”, điều trị” như thuốc chữa bệnh. Các sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo và bán thành “combo trị mụn”, “combo trị nám”… với giá hàng triệu đồng.
Cụ thể, tại website https://hanayuki.asia có bài viết “Mỹ phẩm Hanayuki làm mê mẩn phái đẹp Hanayuki – “Xinh như hoa, trắng như tuyết””, giới thiệu: Hiện tại Hanayuki có các dòng sản phẩm sau: Hana Acnes – serum đặc trị mụn, thâm do mụn…; Hana Melasma – serum đặc trị nám, tàn nhang, trẻ hóa làn da làm mờ vết nhăn; Hana Acne & White – Kem trị mụn…; Hana Melasma & Night – Kem trị nám…
Cũng tại website này có bài viết “Top 3 kem trị mụn tốt nhất hiện nay” đưa Kem trị mụn trắng da Hana Acne and White nên hàng đầu với thông tin giới thiệu: “Nếu bạn đang tìm kiếm một loại kem trị mụn trắng da vừa tốt, vừa là hàng Việt, phù hợp với làn da phụ nữ Việt thì Hana Acne & White là lựa chọn đáng để bạn tham khảo và sử dụng. Hana Acne & White thuộc danh sách kem trị mụn tốt nhất hiện nay và rất được lòng chị em phụ nữ”.
Còn tại bài viết “Tinh chất trị nám hiệu quả – Hana Melasma” có thông tin: “Trong các loại tinh chất trị nám hiện có trên thị trường, serum trị nám Hana Melasma đang là một trong những sản phẩm rất được chị em tin dùng. Tinh chất trị nám Hana Melasma (serum) chứa những thành phần chiết xuất từ tự nhiên giúp đem đến hiệu quả nhanh chóng chỉ trong vòng 3-5 tuần sử dụng và cải thiện tông da lên đến 60%. Serum trị nám Hana Melasma không chỉ giải quyết các vết nám, sạm và tàn nhang, mà tinh chất này còn chứa các hoạt chất giúp nuôi dưỡng và phục hồi da sau quá trình điều trị. Ngoài ra, những vết thâm mụn cũng sẽ được làm mờ nhanh chóng bởi tinh chất trị nám Hana Melasma”.
Quảng cáo mỹ phẩm nhưng ngang nhiên sử dụng các từ “trị”, “đặc trị”. Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc quảng cáo tính năng, công dụng của sản phẩm mỹ phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…
“Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm theo từng loại sản phẩm, đã được quy định tại Hiệp định mỹ phẩm Asean; Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm; Công văn 1609/QLD-MP về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm.
Như vậy, các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị”, “đặc trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm” Luật sư Trương Hồng Điền khẳng định.
Theo Luật sư Trương Hồng Điền, Bộ Y Tế đã nêu rõ, đặc tính của mỹ phẩm là tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả không vĩnh viễn và cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả. Các sản phẩm điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là mỹ phẩm.
“Do đó, việc sử dụng “trị”, “điều trị”, “chữa trị”, “đặc trị” là đã vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 15 – 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).
Trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm còn có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 198 BLHS 2015, sửa đổi 2017. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, Luật sư Trương Hồng Điền cho biết.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý việc quảng cáo một số sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki với công dụng không đúng thực tế, quảng cáo như thuốc… khách hàng cần cẩn trọng nghiên cứu kỹ trước khi mua sản phẩm về sử dụng để tránh trường hợp “tiền mất, tật mang” vì tin vào quảng cáo.
Hình ảnh của ca sĩ Đoàn Di Băng được sử dụng để quảng cáo mỹ phẩm Hanayuki. Ảnh chụp màn hình