Tại phiên toà xét xử sơ thẩm Trương Thị Hương (SN 1986) hay còn gọi là cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau khi xét hỏi bị cáo và bị hại, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ những khoản tiền liên quan việc làm lễ, đặt cọc làm lễ của nhiều người khác.
Ngày 21/8, TAND thị xã Kinh Môn (Hải Dương) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Thị Hương (SN 1986, ở thị xã Kinh Môn), hay còn gọi là cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cáo trạng thể hiện, đầu năm 2022 Trương Thị Hương xây điện tại nhà ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) để xem bói, lợi dụng sự mê tín của người dân để lấy tiền.
Ngày 19/2/2022, nữ bị cáo lợi dụng sự mê tín của vợ chồng anh P.S.T rồi xem bói, đưa ra thông tin gian dối nếu không làm lễ giải hạn thì bố anh này sẽ gặp hạn, tiền của làm ra sẽ mất hết.
Vợ chồng anh P.S.T tin nên chuyển khoản cho cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” 2 lần, tổng số 62,5 triệu đồng.
Sau khi làm lễ, anh P.S.T thấy cuộc sống và công việc vẫn gặp khó khăn như trước, bố anh bị tai biến nên một năm sau người này làm đơn trình báo Công an thị xã Kinh Môn.
Bị cáo Trương Thị Hương tại tòa. Ảnh: D.N
Cũng theo cáo trạng, đầu tháng 12/2022, nữ bị cáo tiếp tục lợi dụng sự mê tín của vợ chồng anh T.T.X (ở Hải Phòng) rồi xem bói, đưa ra thông tin gian dối về việc nhà anh bị yểm bùa, có ma quỷ quấy phá, gia đình có vận hạn…
Hương nói với anh T.T.X để giải vận hạn và bán được nhà thì phải làm lễ giải hạn. Tin lời, gia đình anh T.T.X đã hai lần chuyển tổng cộng 180 triệu đồng và được bị cáo thông tin tháng 12/2023 gia đình sẽ bán được nhà.
Sau khi làm lễ xong và chờ hết tháng 12/2023 vẫn không bán được nhà, công việc không thuận lợi nên anh T.T.X đã gửi đơn tố giác hành vi của Trương Thị Hương tới công an địa phương.
Tổng số tiền nữ cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” chiếm đoạt của hai bị hại trên là 242,5 triệu đồng.
Tại tòa, Trương Thị Hương liên tục nói cáo trạng truy tố không đúng tội và bị oan. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét minh oan cho mình.
Bị cáo cho rằng, gia đình anh P.S.T và T.T.X tự nguyện nhờ cậy họ Trương, chứ bản thân bị cáo không dụ dỗ, không lôi kéo họ đến cúng bái.
Về các khoản tiền liên quan, bị cáo chỉ nhận 4 triệu đồng từ gia đình anh P.S.T do mẹ anh này nhờ bị cáo mua lễ cúng rằm, mùng một tại điện của bị cáo; không thừa nhận yêu cầu anh P.S.T chuyển 40 triệu đồng và không yêu cầu mẹ anh P.S.T chuyển 80 triệu đồng tiền lễ ở Thanh Hóa như cáo buộc.
Còn với gia đình anh T.T.X, nữ bị cáo thừa nhận có nhận 10 triệu đồng chứ không thừa nhận nhận số tiền 170 triệu đồng như anh trình bày tại tòa chuyển 2 lần để bị cáo giải hạn.
Nữ bị cáo cũng nói tại tòa rằng, các video lan truyền trên mạng xã hội về việc xem bói không phải do bị cáo làm mà do những người đến làm lễ tự quay rồi phát tán lên mạng
Tại phiên tòa, HĐXX đã công bố tài liệu sao kê các số tiền chuyển khoản đến tài khoản của Trương Thị Hương, tuy nhiên bị cáo này nói không nhớ và không biết.
Sau khi xét hỏi bị cáo và các bị hại, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ những khoản tiền chuyển khoản liên quan việc làm lễ, đặt cọc làm lễ đối với bị cáo Trương Thị Hương.
Đầu tháng 12/2023, trên mạng xã hội lan truyền nhiều video clip về cô đồng Trương Thị Hương (ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) xem bói bằng cách bổ quả cau. Trong các clip đăng tải, cô đồng này tay bổ cau, còn miệng phán những nội dung về gia đạo, công việc, tiền tài kèm câu nói “đúng nhận, sai cãi”.
Các clip của cô đồng bổ cau sau đó nhanh chóng gây “bão” mạng xã hội, thậm chí câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi” trở thành hot trend trên Tiktok, Youtube, Facebook…