Căn nhà xoay 360 độ nổi tiếng nhất Bắc Giang
Căn nhà xoay 360 độ ở Bắc Giang thời gian gần đây rất nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi được một số YouTuber đến review. Chủ nhân của ngôi nhà, thợ cơ khí Nguyễn Văn Lượng (sinh năm 1957) tự hào chia sẻ, đây là sản phẩm để đời của ông.
Ông Lượng tâm sự mình theo nghề cơ khí đã vài chục năm, nhưng không chỉ sửa chữa, ông còn rất mê mày mò sáng chế, chế tạo các loại máy móc hữu ích. “Cả đời chú tạo ra rất nhiều máy móc rồi, nhưng máy móc gì cũng chỉ 5 năm, 10 năm là nó hỏng.
Chú nghĩ đời người sinh ra chỉ sinh ra một lần, mình sắp già rồi nên muốn làm cái gì để lại cho đời lâu dài hơn một tí, nên muốn làm cái nhà xoay. Chú tìm trên thế giới thì chưa thấy có ai làm kiểu này, chỉ có kiểu khung sắt như đu quay, có bánh xe chạy, nhưng tốn rất nhiều động cơ. Chú muốn xây nhà xoay được nhưng bằng bê tông, ít ra cũng được 100 năm, để khi mình có nằm xuống, người ta nhìn cái nhà người ta vẫn nhớ đến mình“.
Ông Lượng và mô hình robot dọn cống đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Ông cho biết, căn nhà xoay có diện tích 172m2, xây trên khu đất 50 năm rộng 10ha được ông thuê mười mấy năm nay. Cười lớn, ông Lượng bảo mình nghèo cũng vì làm cái nhà xoay này, từ khi lên ý tưởng (năm 2009), xin được giấy phép xây dựng (năm 2012) đến khi xây xong (2016) là cạn vốn.
Ông còn từng cãi nhau với gia đình, vì vợ và anh em trong nhà gạt đi, nhưng “tính chú độc tài lắm, quyết là làm, miễn không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình là được, nên mới có cái nhà xoay này. Hệ thống xoay thì xong rồi nhưng chưa có tiền hoàn thiện toàn bộ. Như tầng trên, vệ sinh đã lắp đặt nhưng chú chưa hoàn thành hệ thống điện nước tầng trên. Rồi sơn nhà, trang trí cũng là anh em bạn bè yêu quý đến làm hộ, chứ mình chưa có tiền để làm nốt“.
Ông Lượng (bên trái) rất tự hào về tác phẩm nhà xoay của mình.
Điều đặc biệt của căn nhà này là có thể xoay tròn 360 độ, tương tự như… bàn xoay trong các nhà hàng. Ông Lượng cho biết có thể điều chỉnh để nhà xoay theo mọi hướng, với tốc độ quay khác nhau, chậm nhất là 24 giờ/vòng quay, còn nhanh nhất thì người ở trong nhà có thể hơi chóng mặt. Ông còn kết nối hệ thống với điện thoại để có thể bật – tắt chế độ xoay mà không cần túc trực tại nhà.
YouTuber Hoàng Nam đã xác nhận điều này khi đến thăm căn nhà đặc biệt. Anh miêu tả mình có chút liêu xiêu, cảm giác như say sóng khi đi trên thuyền, nhưng nhà xoay rất êm và không có tiếng ồn.
Nhà sáng chế bức xúc vì lùm xùm tranh chấp bản quyền
Ông Lượng vô cùng tự hào với hệ thống xoay của ngôi nhà này. Theo ông, để vận hành ngôi nhà xoay nặng 420 tấn, công suất điện chỉ tương đương bật 1 chiếc quạt. “Bí quyết là nhà xoay 360 độ trong bể nước.
Có nước thì mới nhẹ được như thế này, chứ thử tưởng tượng, máy xúc phải cả trăm ngựa mới xoay được, nếu dùng motor thì bao nhiêu vòng bi, bánh xe, bánh răng… cho cỗ máy, sao một mình chú chế tạo được. Nhưng tận dụng sức nước thì cũng giống tàu thuyền, có nặng 1.000 tấn thì vẫn nổi được trên mặt sông“.
Ông Lượng cũng thật thà chia sẻ, toàn bộ nhà được nổi nhờ hầm phao ngầm có đường kính 12m và hệ thống chân vịt, trục quay. Theo thiết kế hoàn hảo, toàn bộ hệ thống điện nước, nước thải sẽ phải có tâm trục, đào rãnh rất sâu và cho thiết bị vào. Nhưng với căn nhà thử nghiệm này, ông bỏ bớt một vài công đoạn cho giảm chi phí.
Ngôi nhà được xây trên hệ thống hầm phao có đường kính 12m.
Để ý tưởng này có thể trở thành hiện thực, ông Lượng cho hay, ông đã đổ rất nhiều tâm huyết, trí tuệ cũng như tiền bạc. Lúc thử nghiệm, ông thử trước bằng khung sắt, hàn sắt thép giống như nhà, đặt vào vị trí thấy có thể xoay thì tiến hành xây nhà luôn. Đặc biệt là tầng hầm – linh hồn của hệ thống vận hành nhà xoay – ông phải tính toán rất nhiều về trọng lượng, khối lượng, nước chịu tải.
Dù vậy, có lùm xùm trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho kỹ thuật cũng như ngôi nhà xoay này khiến ông bức xúc. Theo ông Lượng, ông tự mình đầu tư toàn bộ tiền, đất đai và sáng chế căn nhà này.
Ông Lượng chia sẻ về lùm xùm đăng ký Bằng độc quyền sáng chế ngôi nhà.
Ông Lượng cho hay, ông có chia sẻ ý tưởng với một người bạn hàng xóm, và khi hoàn thành có giao chìa khóa nhà xoay cho bạn trong 3 năm, nhờ bạn làm đăng ký bản quyền. Nhưng người bạn kia lại đăng ký tên mình là chủ sở hữu sáng chế, chỉ công nhận ông Lượng là đồng tác giả (chỉ được 5% tiền tác quyền nếu đem ra kinh doanh). Ông Lượng đã mất 2 – 3 năm để đòi lại công bằng.
Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ
Theo thông tin trên web Cục Sở hữu trí tuệ (CSHTT), hồi tháng 9/2021, đơn vị này có cấp Bằng độc quyền sáng chế số 21899 mang tên “Nhà quay 360 độ trong bể nước và phương pháp thi công nhà quay 360 độ trong bể nước” cho ông Ng.V.Ch. Theo đó, ông Ng.V.Ch và ông Nguyễn Văn Lượng được ghi nhận trên Bằng độc quyền sáng chế là đồng tác giả và ông Ng.V.Ch. là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế.
Thông tin về Bằng độc quyền sáng chế số 2189 do CSHTT cấp cho ông Ch. năm 2021.
Tháng 12/2022, CSHTT cấp Bằng độc quyền sáng chế số 34186 mang tên “Nhà quay trong bể nước” cho ông Nguyễn Văn Lượng, theo đó ông Lượng vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế.
Giữa hai người đã xảy ra tranh chấp, và cả hai người đều thừa nhận họ là bạn của nhau, đã thảo luận với nhau về sáng chế “Nhà quay 360 độ trong bể nước và phương pháp thi công nhà quay 360 độ trong bể nước” – là giải pháp kỹ thuật đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế trong vụ việc. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn còn uẩn khúc.
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, ông Ng.V.Ch sau khi được ông Lượng chia sẻ về giải pháp kỹ thuật do ông Lượng tự tìm tòi, nghiên cứu và đầu tư để tạo ra và nhờ ông Ng.V.Ch làm thủ tục đăng ký sáng chế, ông Ng.V.Ch đã tự ý để tên mình là người nộp đơn và chỉ để tên ông Nguyễn Văn Lượng là đồng tác giả sáng chế với mình.
Thông tin Bằng độc quyền sáng chế của ông Lượng được CSHTT cấp năm 2022.
Trong khi đó, theo ông Ng.V.Ch, giải pháp kỹ thuật được cấp Bằng độc quyền sáng chế là do ông Ch. tự nghiên cứu và phát triển dựa trên giải pháp của ông Nguyễn Văn Lượng và có sự cải tiến vượt trội, đồng thời ông Nguyễn Văn Lượng chưa bao giờ nhờ ông Ch. làm thủ tục đăng ký sáng chế.
Cũng theo ông Ch., hai người đã thống nhất về việc đề tên ông Nguyễn Văn Lượng là đồng tác giả sáng chế để cùng hưởng quyền lợi tác giả do hai ông là bạn của nhau và ông Nguyễn Văn Lượng cũng có giải pháp tương tự.
Sau một thời gian đôi bên tranh chấp, CSHTT đã giải quyết trường hợp này theo Quyết định số 3612w/QĐ-SHTT ngày 24/02/2023, dựa vào các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, hủy bỏ hiệu lực đối với Bằng độc quyền sáng chế số 21899 cấp ngày 03/9/2019 của ông Ch. do không có cơ sở xác minh một trong các tác giả sáng chế đã chuyển nhượng quyền nộp đơn cho chủ đơn (cũng là tác giả còn lại). Bằng độc quyền sáng chế số 34186 của ông Lượng còn nguyên hiệu lực.