Hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện VKS đã làm việc nhiều giờ tại nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Hơn 9h ngày 19/7, trước cửa căn biệt thự màu trắng của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, xuất hiện nhiều xe công vụ của Bộ Công an. Ở cổng sau biệt thự cũng có nhiều ôtô biển xanh án ngữ.
Bộ Công an và VKSND Tối cao đến biệt thự của bà Nguyễn Thị Như Loan, sáng 19/7. Ảnh: Trọng Nghĩa
Hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên, kiểm sát viên… sau đó vào biệt thự, làm việc tại các phòng, tầng hầm. Trong hơn hai giờ, cảnh sát nhiều lần đưa các thùng carton vào trong.
Đến gần 15h, cảnh sát đưa hàng chục thùng hồ sơ, tài liệu lên xe đưa về trụ sở cơ quan điều tra.
Khoảng một tiếng sau, lúc 16h, những thùng tài liệu cuối cùng được ra ngoài; các cảnh sát cơ động, điều tra viên, đại diện VKS rời căn biệt thự, kết thúc buổi làm việc kéo dài hơn 6 tiếng.
Gần 15h, cảnh sát đưa hàng chục thùng carton đựng tài liệu lên xe công vụ. Ảnh: Thanh Tùng
Hiện, cơ quan điều tra chưa công bố nội dung làm việc tại nhà bà Loan. Tuy nhiên, động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa… cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP HCM.
Đến nay đã có ít nhất 16 người liên quan vụ án bị khởi tố. Gần nhất là 4 hôm trước, bà Nguyễn Thị Hồng, cựu phó chủ tịch UBND TP HCM, cựu phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, đã bị Bộ Công an bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Ảnh: Vũ Lê
Trước đó, bà Loan bị cho là liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Khu đất này rộng hơn 6.000 m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý.
Tuy nhiên, hôm 30/5 Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định “đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định”.
Theo QCG, năm 2013 họ đàm phán, đặt cọc cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện) để nhận 100% vốn tại Phú Việt Tín – chủ đầu tư của dự án. Số tiền doanh nghiệp đã chi để nhận 100% phần vốn góp này là 464,2 tỷ đồng, không phải 6 tỷ như một số đơn vị đăng tải thông tin. Đồng thời, QCG khẳng định chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa về việc chuyển nhượng vốn góp này.
Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng thông tin, họ đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý của Công ty Phú Việt Tín, dự án tại khu đất Bến Vân Đồn “đầy đủ và đúng quy định mới ký hợp đồng nhận chuyển nhượng”. Đầu tháng 9/2014, thương vụ này hoàn tất. Phần vốn này sau đó được QCG nhượng lại tiếp cho một đơn vị khác.
Bà Loan sinh năm 1960 tại Bình Định, là người sáng lập Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường năm 1994 – tiền thân của Quốc Cường Gia Lai. Bà kiêm nhiệm hai chức từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2007 đến nay.
Các ôtô của lực lượng chức năng đến làm việc tại nhà bà Nguyễn Thị Như Loan. Ảnh: Trọng Nghĩa
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021, Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư tại khu đất này là vi phạm quy định pháp luật.
Cơ quan thanh tra cũng cho rằng, UBND TP HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Trên khu đất này, doanh nghiệp đã xây dựng khu tổ hợp căn hộ cao cấp, thương mại dịch vụ và văn phòng. Các căn hộ tại đây đã bàn giao 6 năm, nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ do vướng mắc pháp lý liên quan dự án.
Dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, hiện là khu phức hợp cao 33 tầng, đã bán hết cho người dân và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: Thanh Tùng
Những người nào đã bị bắt?
Vào cuộc điều tra các sai phạm, ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ông Lê Quang Thung, cựu tổng giám đốc, quyền chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Huỳnh Trung Trực, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đến ngày 28/5, ông Đoàn Ngọc Phương, Cục phó Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự , bị bắt về tội Nhận hối lộ; ông Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng phòng giá đất thuộc Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; ông Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Thăng Long, bị bắt cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định.
Trong các bị can còn lại có Lê Y Linh, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín; Đặng Phước Dừa, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín và hàng loạt người tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa…
Cùng bị bắt hôm 15/7 với cựu phó chủ tịch UBND TP HCM là ông Trần Ngọc Thuận, nguyên thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam (bị điều tra tội Nhận hối lộ); Võ Sỹ Lực, cựu chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam bị cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Với vai trò đồng phạm của ông Lực, bị can Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam được tại ngoại.