Nhiều năm sau lần công khai lên tiếng, đến nay anh Võ Quốc Bình, phụ huynh ở TPHCM vẫn thiết tha mong dẹp bỏ hội phụ huynh.
Những ngày qua, dư luận bức xúc quanh vấn đề lạm thu dịp đầu năm học. Trong đó nhiều khoản tiền nhà trường mượn danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS, thường gọi là hội phụ huynh) để thu trên tinh thần tự nguyện. Nổi cộm nhất phải kể đến sự việc quỹ phụ huynh 310 triệu đồng tại lớp Một 2, Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Trước hiện tượng này, nhiều ý kiến độc giả Dân trí cho rằng nên giải tán BĐD CMHS – vấn đề đã được nhắc đến nhiều năm qua.
Hoạt động không đúng chức năng, nên giải tán
Năm 2017, khi con đang học tại Trường tiểu học Hòa Bình, quận 1, TPHCM anh Võ Quốc Bình đã công khai lên tiếng về việc nên giải tán hội phụ huynh.
Khi đó, BĐD CMHS lớp con anh đề xuất đóng tiền lát sàn gỗ cho lớp , anh Bình ghi thẳng vào đơn lấy ý kiến là không đồng ý, kèm đánh giá: “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ. Tiền cơ sở vật chất hàng năm đâu?”.
“Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh”, ý kiến của anh Võ Quốc Bình trong phiếu lấy ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ảnh: NVCC).
Theo anh Bình, nhiệm vụ của BĐD CMHS là quan tâm, chăm lo cho vấn đề của học sinh, kết nối cùng nhau để phối hợp với trường trong quản lý, giáo dục con em. Vậy nhưng trên thực tế, hội này biến tướng hoạt động thành “hội phụ thu” để thực hiện việc mà anh Bình cho là “BOT học đường”.
Thời điểm đó, anh Võ Quốc Bình gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Ban đại diện Cha mẹ học sinh. Anh cũng trực tiếp nhắn tin nêu lên đề xuất này đến hàng loạt lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục.
Hiện con học cấp 2, anh Bình cho biết anh vẫn mong muốn “dẹp” BĐD CMHS, bởi: “Ban này hoạt động nhưng thực chất không quan tâm đến những vấn đề thiết thực của học sinh. Chức năng chính không làm, chỉ tập trung vào việc “đẻ” ra các khoản quyên góp, chỉ lo phụ thu thì không cần thiết phải tồn tại”.
Theo ông bố này, chỉ nên giữ hội phụ huynh khi làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là chăm lo cho con em, lên tiếng về các vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến con em như an toàn thực phẩm, an toàn trường học, bạo lực học đường…
Khi phát hiện sai phạm của trường, BĐD CMHS nên đại điện cho toàn thể phụ huynh lên tiếng góp phần chấn chỉnh chứ không phải đại diện cho trường như hiện nay.
Phụ huynh Võ Quốc Bình giữ quan điểm nên “dẹp” Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học như hiện nay vì hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ (Ảnh: Hoa Kim Cương).
Anh Võ Quốc Bình thẳng thắn góp ý, trường cần sửa cái gì, muốn phụ huynh đóng góp cái gì thì trực tiếp vận động với phụ huynh, có văn bản rõ ràng, minh bạch. Khi đó, anh sẽ xem xét đóng góp theo khả năng. Còn “mượn” BĐD CMHS đứng ra kêu gọi này nọ là anh nói thẳng “không”.
Đồng tình với quan điểm này, chị Đậu Hồng Hạnh, có hai con học ở TPHCM cho rằng, BĐD CMHS hiện nay là “cánh tay nối dài” của trường, họp hành, hoạt động quanh năm toàn chỉ bàn chuyện… thu tiền.
Theo chị Hạnh, nhiều trường “núp bóng” qua hội phụ huynh để triển khai nhiều khoản thu không đúng quy định bằng hai chữ “tự nguyện” , rồi chính những người trong BĐD cũng thường chủ động đề xuất ra nhiều khoản để làm “mát lòng” nhà trường.
Cả hai đầu như vậy gây áp lực rất lớn với phụ huynh khi con đi học trong môi trường công lập , chưa kể giáo viên đứng giữa cũng mang tiếng.
Ban đại diện có phải “cánh tay nối dài” cho trường?
Suốt thời gian con đi học phổ thông, luật sư, công chứng viên Nguyễn Thị Cúc đều làm Trưởng BĐD CMHS và cả Chủ tịch hội phụ huynh trường.
Công chứng viên này cho hay, khi làm công việc ở hội phụ huynh, những người trong hội xác định rõ cơ sở vật chất trường lớp là do trường lớp, hỗ trợ giáo viên cũng không thể có vì giáo viên đã có lương Nhà nước lo.
Họ chỉ đưa ra đề nghị một số phụ huynh có điều kiện đóng góp một số tiền nhỏ để tặng quà học sinh khi các em có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện.
Theo công chứng viên Nguyễn Thị Cúc cần phải có Ban đại diện cha mẹ học sinh vì học sinh chưa đủ 18 tuổi (Ảnh: NVCC).
Khi chiếc bàn chiếc ghế hay chiếc quạt bị hư mà trường chưa kịp sửa thì nhờ phụ huynh nào đó có khả năng làm giúp. Hay trong thời gian học, nếu biết được học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ vận động phụ huynh cùng giúp đỡ, hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thu Cúc cho hay, học sinh chưa đủ 18 tuổi, phải có BĐD CMHS, thông qua đó gia đình đồng hành với trẻ và chịu chung trách nhiệm cùng các em về mọi hành vi. Đặc biệt hiện nay, vấn đề của học sinh rất phức tạp, bạo lực học đường gia tăng, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường càng cần thiết.
Chị Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh, BĐD CMHS lập ra là để kết hợp với nhà trường theo dõi tình hình của học sinh, kịp thời giáo dục, uốn nắn các em khi cần thiết, hỗ trợ những em rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo bằng sự tự nguyện… Chứ không phải lập hội phụ huynh để nhăm nhe chuyện thu tiền.
Trước thực tế BĐD CMHS hoạt động chưa đúng nhiệm vụ, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của trường, bà Cúc nói: “Người trưởng ban phải thật sự bản lĩnh”.
Đoàn giám sát UBMTTQ Việt Nam TPHCM trong đợt kiểm tra sổ sách tài chính tại trường tiểu học (Ảnh: Hoài Nam).
Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM cho biết, gọi BĐD CMHS là “cánh tay nối dài” của trường là sự ác cảm tồn tại lâu nay trong dư luận. Khi gọi như vậy, theo ông cần phải xác định mục đích của việc họ làm là làm lợi cho ai? Việc đó có làm lợi cho học sinh không hay cho cá nhân nào, cho ông hiệu trưởng hay cho trưởng ban đại diện?
“Những người làm trong BĐD CMHS, họ là những người ” ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng “. Họ mất thời gian, họ mất công sức, mất tiền của nhưng họ vẫn làm vì trước nhất vì lợi ích của ai?”, ông nói.
Theo vị hiệu trưởng, để tránh những điều tiếng không đáng có, các hoạt động của nhà trường và BĐD CMHS cần được thông tin một cách rõ ràng, minh bạch, tạo được sự đồng thuận. Với các khoản đóng góp phải thật sự trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, hay cào bằng.