Bát đũa nếu không được làm sạch đúng cách thì hóa chất tẩy rửa có thể gây hại cho sức khỏe, không khác nào “rước độc” vào người.
Chúng ta luôn được nhắc nhở rằng “bệnh từ miệng mà vào”, chính vì thế việc lựa chọn thực phẩm sạch luôn được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên nhiều gia đình bỏ qua tầm quan trọng của việc vệ sinh bát đũa. Trong khi đó, bát, đũa, nồi, chảo… đều là thứ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà chúng ta ăn. Hơn nữa, bát đũa nếu không được làm sạch đúng cách thì hóa chất tẩy rửa có thể gây hại cho sức khỏe, không khác nào “rước độc” vào người…
Đối với người lớn, hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể tự chống chọi lại các tác nhân gây bệnh. Nhưng trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, do sức đề kháng kém, dễ bị nhiều loại vi khuẩn, vi trùng gây bệnh đánh bại, gây ra triệu chứng từ đau bụng, tiêu chảy đến viêm dạ dày ruột… Do đó các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả gia đình, các chuyên gia sức khỏe đã liệt kê 4 thói quen rửa bát vô cùng độc hại bên dưới đây mà bạn phải tránh.
Rửa bát theo cách này khác nào tự “uống thuốc độc”
1. Ngâm bát đũa quá lâu trong bồn rửa
Ngâm bát đũa trong bồn rửa sau ăn quá lâu là một trong những sai lầm nhiều gia đình mắc phải. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nhất là trong khoảng thời gian từ 1 đến 4 tiếng sau khi ăn và vi khuẩn có thể nhân lên rất nhanh từ 8 đến 18 tiếng.
Để đảm bảo vệ sinh, bạn nên rửa bát đũa trong vòng 4 tiếng sau bữa ăn, tránh để chúng ngâm quá lâu trong bồn rửa.
2. Đổ xà phòng trực tiếp lên bát
Đổ xà phòng trực tiếp lên bát tưởng chừng là cách làm sạch bát đĩa tốt hơn, nhưng thực tế lại không hiệu quả. Điều này rất dễ khiến chất tẩy rửa còn sót lại trên bát đĩa, tiềm ẩn nguy cơ tiêu chảy và các vấn đề khác về đường tiêu hóa.
Theo các nhà khoa học trên tờ The Health, các loại nước tẩy rửa đều có cơ chế chung là dùng hóa chất để tách cáu bẩn ra khỏi đồ dùng, nhờ vậy có thể làm sạch dầu mỡ, bụi bẩn bám trên bát đĩa, quần áo. Nước rửa bát có thể gây độc hại cho người nếu sử dụng quá nhiều, thậm chí là có thể gây ung thư do có chứa nhiều hóa chất.
Thay vào đó, bạn có thể hòa loãng nước rửa bát và từ từ nhúng giẻ để rửa sạch từng chiếc bát, chiếc đũa.
Nếu lo lắng về việc chất tẩy không an toàn, bạn có thể chuyển sang sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như nước vo gạo, chanh, baking soda hay vỏ bưởi để vừa đảm bảo an toàn vừa hiệu quả trong việc làm sạch.
3. Không phơi khô bát trước khi cất vào tủ
Các loại đồ dùng bằng gỗ như đũa, thìa, đĩa nếu được bảo quản trong điều kiện ẩm ướt và cất giữ khi chưa khô hoàn toàn rất dễ phát triển nấm mốc, trong đó có thể chứa các độc tố như aflatoxin, Helicobacter pylori, những yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Vì vậy, bạn nên làm sạch chúng với nước nóng lần cuối, để ráo nước, phơi khô dưới nắng trước khi cất vào tủ để đảm bảo an toàn và vệ sinh.
4. Không thay thế khăn lau bát định kỳ
Sử dụng chỉ một chiếc khăn lau cho tất cả mọi việc trong bếp từ lau bàn, lau bát… không chỉ kém vệ sinh mà còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tiêu chảy, đau bụng và viêm dạ dày ruột cấp tính.
Ngoài ra, khăn lau không được vệ sinh sẽ khiến môi trường mốc phát triển, tạo điều kiện cho aflatoxin – một độc tố gây ung thư gan hình thành. Để bảo vệ sức khỏe gia đình, bạn nên dùng khăn lau bát riêng biệt và giặt hoặc thay mới mỗi tuần một lần.