Nhìn hình ảnh hàng loạt cây xanh tại Hà Nội gãy đổ sau bão số 3, nhiều người không khỏi thắc mắc về việc trong số này nhiều cây vẫn còn nguyên bọc bầu.
Theo thống kê sơ bộ, sau khi bão số 3 vào Thủ đô, đã có hơn 10.000 cây gãy đổ. Hà Nội đã huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị cùng người dân tập trung tiến hành dọn dẹp cây đổ, khắc phục hậu quả.
Ra đường sáng 8.9, chị Nguyễn Ngọc (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) không khỏi bàng hoàng khi nhìn hàng loạt cây đổ rạp trên đường. Đáng nói, nhiều cây đã được trồng nhiều năm, tán lá rộng nhưng khi gãy đổ lại lộ ra phần rễ đang nằm trong bọc bầu nhỏ.
“Hàng cây gần nhà tôi đã được trồng nhiều năm nay. Thế nhưng sau khi gãy đổ, bộ rễ lộ ra rất nhỏ. Nhiều cây thậm chí vẫn còn nguyên bọc bầu” – chị Ngọc cho biết.
Anh Hoàng Văn Khanh (Việt Hưng, Long Biên) cũng bất ngờ trước cảnh tưởng hàng loạt cây trên phố Đoàn Khuê, Đào Thế Tuấn, Đào Đình Luyện… gãy đổ. “Tôi thấy có khá nhiều cây được trồng vài năm, nhưng bộ rễ vẫn là rễ chùm nhỏ, nhìn như mới phát triển. Một số cây thậm chí vẫn còn nguyên túi lưới nhựa màu xanh bọc bầu cây” – anh Khanh kể lại.
Trao đổi với Lao Động, Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê – Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kĩ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cho biết, trong trường hợp mưa bão như bão số 3 vừa qua, trường hợp cây bật gốc, gãy đổ là không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, theo bà Thê, cần lưu ý một số điểm quan trọng khi trồng cây trong đô thị để hạn chế tối đa việc cây gãy đổ, bật gốc trong mùa mưa bão. Những cây được lựa chọn trồng ở đô thị phải là những cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu xuống dưới lòng đất. Tuyệt đối không trồng những cây tăng trưởng nhanh.
“Trong quá trình đô thị hóa, làm đường, bó vỉa hè chặt quá sẽ dẫn đến cây xanh và công trình làm đường không liên kết chặt chẽ, cây dễ đổ trong mùa mưa bão” – bà Thê cho biết.
Thêm vào đó, trước mỗi mùa mưa bão, cần có kế hoạch cắt tỉa, loại bỏ những cành nặng. Bởi tán lá rất lớn, nặng, tốt um tùm sẽ mất cân bằng với bộ rễ. Bộ rễ khi phải chịu áp lực lớn trong mưa bão sẽ dẫn đến gãy đổ.
Trước hình ảnh một số cây khi gãy đổ vẫn còn nguyên bọc bầu bằng lưới nhựa, nilon ở Hà Nội, bà Thê cho rằng điều này sẽ khiến rễ cây không phát triển, khó bám chắc vào đất và dễ gãy đổ. Trong trường hợp muốn trồng cây còn nguyên bọc bầu thì phải sử dụng bằng những vật liệu phân hủy được.
Bà Thê từng gặp nhiều trường hợp phía đơn vị triển khai trồng cây sợ vỡ bầu cây, sợ nghiệm thu nên cố duy trì chất dinh dưỡng cho cây ở trong bầu từ 6 tháng – 1 năm. “Họ chỉ cần trồng 6 tháng – 1 năm cây sinh trưởng và phát triển tốt để nghiệm thu. Theo đạo đức nghề nghiệp thì không nên làm bọc bầu bằng nilon vì nó không phân hủy được, rễ sẽ không ăn được vào đất” – bà Thê cho biết.