Hình ảnh nữ giáo viên quần áo lấm lem, ăn vội gói mì rồi lại tiếp tục dọn dẹp trường lớp khiến nhiều người không khỏi xúc động, dành tặng danh xưng ”hoa hậu”.
Bất ngờ, xúc động và hạnh phúc là những cảm xúc đầu tiên mà cô giáo Hoàng Minh Diệp – chủ nhân bức hình chia sẻ khi biết hình ảnh rất đỗi đời thường của mình đang được lan truyền khắp mạng xã hội.
Bức ảnh chụp cô giáo Hoàng Minh Diệp khi đang tham gia dọn dẹp trường lớp sau lũ, khiến nhiều người không khỏi xúc động. (Ảnh: GVCC).
Cô Diệp hiện là giáo viên mầm non trường TH&THCS Minh Chuẩn (Lục Yên, Yên Bái). Ngôi trường gồm 3 cấp học từ bậc mầm non tới THCS. Nhà ở đối diện cổng trường, vì thế trong những ngày mưa lũ trắng trời, cô Diệp là một trong những người đầu tiên cập nhật tình hình trường lớp.
Trường TH&THCS Minh Chuẩn nằm bên bờ sông Chảy, lại thấp hơn mặt đường gần 2m nên bị ngập sâu trong nước lũ. Ngay sau khi nước rút, cô Hoàng Minh Diệp vội chạy sang trường để kiểm tra tình hình. Chứng kiến cảnh tượng trường lớp tan hoang, ngập ngụa bùn đất do cơn lũ để lại, cô Diệp không khỏi xót xa.
“Nhìn bàn ghế, sách vở và đồ dùng học tập của các con bị nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm trong bùn đất, tôi bất lực không biết phải làm sao” , nữ giáo viên nghẹn ngào chia sẻ.
Cô Diệp chụp cùng học trò. (Ảnh: GVCC).
Tranh thủ dọn dẹp qua nhà cửa, cô Diệp cùng một số đồng nghiệp, người dân xung quanh tức tốc di chuyển sang trường. Ai nấy cũng đều ra sức dọn dẹp, đẩy bớt lượng bùn đất ra khỏi các phòng học, nhanh chóng khắc phục hậu quả để học sinh được sớm trở lại trường.
Trong phút tạm nghỉ tay ăn gói mì tôm sống lót dạ, cô Diệp được đồng nghiệp dùng điện thoại chụp hình, sau đó đăng lên fanpage của trường nhằm ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ. Mấy ngày sau bão, sự cố điện nước chưa được khắc phục, sóng điện thoại chập chờn, nữ giáo viên không hề hay tin mình trở nên “nổi tiếng” mạng xã hội.
Một bức hình không son phấn, không làm dáng, cả người lấm lem bùn đất, xung quanh là khung cảnh tan hoang, nhưng dáng vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn và phong thái lạc quan của nữ giáo viên, khiến ai xem cũng không khỏi xúc động. Mọi người gọi đó là vẻ đẹp kiên cường của người giáo viên Nhân dân. Nhiều người còn dành tặng cho cô những lời khen và so sánh với vẻ đẹp của hoa hậu.
“Giữa những tàn phá của cơn bão Yagi, hình ảnh người giáo viên vùng cao lấm lem bùn đất, ăn vội gói mì tôm sống sau khi dọn dẹp lớp học, khiến chúng ta không khỏi nghẹn ngào. Cô không lộng lẫy, nhưng đẹp hơn cả một bông hoa sen giữa bùn lầy”.
“Bao cảm xúc khi ngắm nhìn hình ảnh tuyệt đẹp với của cô giáo miền sơn cước với thân mình đầy bùn đất lấm lem đứng tranh thủ cầm gói mì tôm sống ăn sau giờ nghỉ giải lao”, ‘’Cô xứng đáng là “hoa hậu” trong lòng phụ huynh và học sinh khắp cả nước’’ … là những chia sẻ chân tình mà người xem gửi đến cô Diệp.
Chân dung đời thường nữ giáo viên miền sơn cước đang gây sốt mạng xã hội. (Ảnh: NVCC)
Đọc những lời khen ngợi dành cho mình, nữ giáo viên rất vui nhưng cũng có phần ‘’xấu hổ’’ trước danh xưng hoa hậu.
“ Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nông, từ nhỏ đã quen với đồng ruộng, bùn đất, nên việc dọn dẹp trường lớp sau lũ, tôi không nề hà. Không chỉ có tôi đâu, các giáo viên khác cũng vậy, ai cũng hết mình vì việc chung” , cô Diệp nói và cho biết rất xúc động trước tình cảm của mọi người, nhưng không dám nhận những mỹ danh đó về mình.
Theo cô Diệp, do chịu hậu quả nặng nề, khối lượng dọn dẹp tại trường rất lớn, bản thân cô cũng như các đồng nghiệp chắn chắn sẽ có chút mệt mỏi.
Thế nhưng nữ giáo viên vẫn luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, bởi sau thiên tai, toàn bộ người thân, đồng nghiệp và học sinh đều bình an. Với cô đó là niềm hạnh phúc lớn nhất, mọi khó khăn khác đều có thể khắc phục.
Cô giáo trẻ Hoàng Minh Diệp luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh: NVCC)
Bước chân vào ngành giáo dục năm 2019, tới nay đã được gần 5 năm, cô giáo trẻ Hoàng Minh Diệp luôn vượt qua mọi khó khăn, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Hiện cô Diệp đang là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thế nhưng tình yêu nghề, mến trẻ cứ luôn thôi thúc cô phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, vì một tương lai tươi sáng cho các em nhỏ vùng cao.