Kết thúc năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh băn khoăn khi không biết phải xử lí thế nào với SGK, trong đó nhiều cuốn còn mới. Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, các trường có quyền lựa chọn sách để dạy học. Điều này có thể dẫn tới tình trạng, em không học được sách của anh; nếu chuyển trường học sinh phải mua SGK mới và khi học xong không biết cho ai.
Chị Lê Thị Huyền (38 tuổi, Đà Nẵng) cho biết, chị rất “đau đầu” với SGK của con. Một số loại sách chị phải trầy trật mới mua được theo đúng yêu cầu của nhà trường. Trong khi đó bộ sách con chị học xong vẫn còn sạch đẹp lại không biết cho ai, vì mỗi năm sách một khác. “Nếu đồng bộ, trường nào sách cũng giống nhau, năm nay học sinh dùng xong thì tặng lại khóa sau, tiết kiệm được bao nhiêu là tiền của, vì mỗi bộ giá tới vài trăm nghìn”, chị Huyền nói.
Bộ SGK lớp 6 của một trường “bán” cho học sinh kèm rất nhiều sách bài tập |
Theo cô giáo N.T. (huyện Hòa Vang), việc mỗi trường chọn một bộ sách còn gây tâm lý không tốt cho học sinh trong những kỳ kiểm tra, thi chung toàn thành phố vì các em nghĩ sách trường mình khác sách trường bạn, mình học khác bạn.
“Dù các trường học sử dụng SGK khác nhau nhưng nếu chỉ sử dụng SGK một lần sẽ gây lãng phí rất lớn. Đối với học sinh ở thành phố, đa số phụ huynh đủ điều kiện mua sách mới cho con nhưng ở vùng khó khăn, có được bộ sách vẫn rất quý giá”.
Cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội)
Chị Nguyễn Thu Hà, có 2 con vừa học xong lớp 1 và lớp 4 tại một trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Sợ con mang sách đi về nặng, đầu năm học, tôi mua mỗi cháu 2 bộ, trong đó một bộ để ở trường và một bộ để ở nhà cho con học. Các bộ sách thuộc 2 nhà xuất bản khác nhau, do đó sau khi con kết thúc năm học không biết năm tới trường nào học sách đó để cho nên đành bán giấy vụn, vô cùng lãng phí”.
Cô N.T.H, phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, năm học tới nhà trường đã chọn xong SGK lớp 5, trong đó các đầu sách được nhặt chủ yếu từ 2 trong 3 bộ sách trên thị trường. Những năm trước, cũng có khối nhặt đủ sách của cả 3 bộ. Ban đầu, giáo viên có thể chọn sách thuộc bộ này nhưng sau một năm dạy học, thấy chưa phù hợp thì năm học tới có thể đổi sang đầu sách khác. Cô H. cũng chỉ ra, việc các nhà trường sử dụng SGK khác nhau dễ gây lãng phí vì khi dùng xong không biết ai cần để cho. “Năm ngoái, kết thúc năm học, trường có kêu gọi học sinh đóng góp SGK cũ để tặng các bạn học sinh vùng cao. Nếu trước đây chỉ cần đóng sách vào thùng gửi đi bất kỳ tỉnh nào thì năm nay cô trò phải ngồi phân ra từng loại sách theo thùng như: Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, Toán lớp 2 Kết nối tri thức với cuộc sống… để ủng hộ. Phía tiếp nhận sách cũng phải kết nối với các tỉnh, nhờ rà soát xem trường nào cần sách gì mới gửi đến tặng. Nếu không làm được các bước như vậy, gửi sách đến họ cũng không dùng được”, cô H. nói.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một giáo viên THCS cho hay, việc giao quyền lựa chọn SGK về cho các trường đã trả lại sự chủ động cho giáo viên. Họ được lựa chọn loại sách phù hợp, bổ ích, thuận tiện nhất cho việc dạy và học. Tuy nhiên, quy định này cũng mang đến nhiều mặt trái, mà rõ rệt nhất là sự lãng phí. “Mỗi trường chọn một kiểu nên dù hằng năm không thay đổi thì cũng chỉ có học sinh trong trường dùng lại sách cũ”, giáo viên này nhìn nhận.
Sách bài tập bán kèm, giá cao hơn SGK
Chuẩn bị bước vào năm học mới, các trường thông báo cho phụ huynh đăng ký mua SGK. Theo bảng giá, bộ SGK lớp 6 Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố gồm có 13 cuốn với giá 192.000 đồng, trong đó chưa bao gồm 2 cuốn sách Tiếng Anh 66.000 đồng. Thế nhưng khi thông báo tới phụ huynh, có nhà trường đưa ra danh mục SGK riêng, danh mục sách bài tập riêng, buộc phụ huynh phải đăng ký mua trọn bộ 13 SGK kèm 9 sách bài tập có giá lên 460.000 đồng. Đặc biệt, 9 cuốn sách bài tập các môn có giá 198.000 đồng, cao hơn giá bộ SGK 13 cuốn.
Bán SGK kèm sách bài tập và các tài liệu tham khảo cũng gây lãng phí rất lớn khiến không ít phụ huynh bức xúc. Năm ngoái, khi kết thúc năm học, kiểm tra lại sách của con, có phụ huynh ngỡ ngàng vì có những cuốn như: Giáo dục thể chất, Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội… vẫn còn thơm mùi giấy mới. Hỏi con thì được biết, sách chưa từng được cô giáo yêu cầu mở ra học trên lớp.
Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Dơn, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, theo Nghị định 81, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí học tập, trong đó có khoản mua sắm đồ dùng học tập, SGK. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp học sinh nghèo nhưng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách này vẫn cần SGK. Khi nhận sách cũng phải đúng bộ sách trường đang dạy học, các em mới có thể học được.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Đà Nẵng cho biết, với quy định, mỗi trường tự chọn một bộ khi học sinh, giáo viên chuyển từ trường này sang trường kia sẽ khó khăn hơn trong việc học tập, giảng dạy. Đồng thời tính kế thừa không phát huy cao cùng nhiều mặt trái nảy sinh khác. HĐND TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND rà soát, đánh giá, nếu có vướng mắc thì tổng hợp và kiến nghị với Bộ GD&ĐT.