Người ta thường nói “hồng nhan bạc phận”, nhưng dường như điều đó lại không đúng với mỹ nhân điện ảnh một thời – “ni cô Huyền Trang” Thanh Loan.
Ở tuổi thất thập, dù mái tóc đã ngả màu pha sương, nhưng “ni cô Huyền Trang” – NSƯT Thanh Loan vẫn mang nét đẹp hiền hậu và thanh lịch. Mỹ nhân màn ảnh một thời với đôi mắt buồn sâu thẳm, từng khiến bao chàng trai “đổ gục” hiện có cuộc sống gia đình bình yên, giản dị. Bà nói, có lẽ quen ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, sống chỉn chu nên luôn hài lòng với những gì mình đang có…
“Để hoàn thành vai diễn, tôi phải hi sinh mái tóc dài”
Bộ phim “Biệt động Sài Gòn” đã đi qua hơn 35 năm, mỗi lần nhắc đến bộ phim và vai diễn ni cô Huyền Trang, hẳn cảm xúc trong bà vẫn còn nguyên vẹn?
– Với tôi, vai diễn nữ chiến sĩ biệt động ni cô Huyền Trang đến với mình như định mệnh và tôi xem đó là nốt thăng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Mỗi lần nhắc đến, trong tôi luôn dâng lên cảm xúc tự hào vì đã có một vai diễn để đời, sống mãi với thời gian.
NSƯT Thanh Loan trò chuyện với PV Dân trí.
Còn nhớ, năm 1984 trong một chuyến công tác vào TPHCM khi tôi còn làm đạo diễn Truyền hình an ninh, tình cờ tôi gặp anh Trịnh Thái là họa sĩ thiết kế mỹ thuật chính của bộ phim. Anh ấy nói với tôi rằng, đoàn phim Biệt động Sài Gòn đã quay một năm nay nhưng vẫn chưa tìm được vai ni cô Huyền Trang.
Tôi liền đề xuất anh cho tôi đọc kịch bản, và quả thật tôi thấy vai ni cô Huyền Trang rất hay, là nhân vật có nhiều đất diễn, cá tính. Sau đó tôi đã xin phép cơ quan để đi làm phim.
Đạo diễn Long Vân gặp tôi và mối lương duyên với vai diễn bắt đầu từ đó. Bộ phim sản xuất trong một thời gian rất dài và chủ yếu là anh em diễn viên nghệ sĩ miền Bắc vào.
Ngày đó, cả nước chỉ có một cơ sở duy nhất in tráng phim nhựa là Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương nên chúng tôi mỗi lần quay xong đều phải gửi ra Hà Nội kiểm tra chất lượng rồi mới tiếp tục quay. Phim 4 tập nhưng phải quay trong 4 năm, đó là chặng đường gian nan, công phu và tỉ mỉ.
Vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” của NSƯT Thanh Loan để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
NSƯT Thanh Loan chia sẻ xoay quanh vai diễn ni cô Huyền Trang (Video: Minh Hoàng).
Để cảm nhận vai diễn ni cô Huyền Trang, bà đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ và cả nước mắt?
– Biệt động Sài Gòn được xem là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam nên đoàn phim vô cùng vui sướng và tự hào. Ngày xưa, phim nhựa làm bối cảnh hoành tráng và cầu kì về kỹ thuật lắm.
Để hoàn thành vai diễn, trước hết tôi phải hi sinh mái tóc dài vì ngày xưa không có mũ cao su để nịt đầu. Tóc tôi thời đó dài ngang thắt lưng nhưng tôi phải cắt đầu tém để hợp vai nữ biệt động giả trang.
Thứ hai là tôi phải vào chùa Dược Sư ở một tuần, ăn cơm chay và tập cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông thế nào, cách đi khất thực ra làm sao để giống như một người đi tu thật. Quan trọng nhất là dáng đi khất thực của người tu hành rất khoan thai, mắt nhìn xuống.
Rồi tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ…
Ngày ấy, việc một cô gái trẻ cắt phăng mái tóc dài dịu dàng, nết na là sự hi sinh rất lớn. Bà có gặp sự phản đối từ chồng và gia đình?
– Tôi thấy mình may mắn khi chồng là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học sống nhiều năm ở nước ngoài nên tôn trọng và thông cảm cho nghề nghiệp của vợ. Còn mẹ chồng tôi là người phụ nữ hiện đại và văn minh, trong phim Biệt động Sài Gòn, bà cũng tham gia vai diễn quần chúng đấy.
Lúc đó, 2 con tôi còn nhỏ, con gái 10 tuổi, con trai lên 8, chồng tôi vẫn đang ở nước ngoài nên con cái phải nhờ bà nội chăm sóc hộ. Vì phim quá dài, nên có lần, tôi cũng đón bố ruột, mẹ chồng tôi và các con vào. Các diễn viên khác cũng thế, nên đoàn phim lúc nào cũng náo nhiệt.
“Tóc tôi thời đó dài ngang thắt lưng nhưng tôi phải cắt đầu tém để hợp vai nữ biệt động giả trang”.
Trong phim, nhiều khán giả ấn tượng cảnh nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn – ni cô Huyền Trang bị tra tấn bằng điện. Làm sao để một người phụ nữ trẻ, Hà Nội gốc diễn xuất cảnh tra tấn chạm đến trái tim khán giả như vậy?
– Đây là một trong những trường đoạn của phim tôi phải tập thật kỹ, thật nhập để có thể đạt ngay vì cảnh quay này không được phép làm lại. Tôi phải làm động tác hình thể của người bị điện giật, nhưng khi bị “bọn ác ôn” dội nước vào người thì tôi phải giật cơ mặt tỉnh lại ngay.
Điều đặc biệt khiến chúng tôi vào vai chân thực là vì được tiếp xúc với chính những nguyên mẫu của nhân vật mình thủ vai – đó chính là những chiến sĩ trong biệt động thành năm xưa.
Thời gian tiếp cận với nhân vật và thâm nhập thực tế, nghe kể và chứng kiến người lính bị tra tấn bằng điện đã làm cho người nghệ sĩ tích lũy được vốn sống, sự cảm hóa của nhân vật rất kỹ để hóa thân diễn xuất tốt hơn.
Tôi cũng có may mắn là vào bộ đội từ lúc 15 tuổi. Cuộc sống của tôi là một người lính được tôi luyện trưởng thành trong môi trường quân ngũ, là sĩ quan có sự tích lũy đầy đủ và thấm vào máu mình tình yêu đất nước. Chín