Theo quan niệm của người xưa thì con gái đã đi lấy chồng không về tảo mộ nhà đẻ và con rể thì không đi tảo mộ nhà bố mẹ vợ.
Tảo mộ có ý nghĩa gì?
Thanh minh là dịp tiết trời quang đãng nhất trong năm. Thanh minh là tiết khí sau tiết xuân phân, thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc ngày 5 tháng 4 Dương lịch và kết thúc sau 15 ngày. Nổi bật nhất trong tiết Thanh minh là hoạt động tảo mộ đã có từ nhiều đời. Tảo mộ tức là ra thăm viếng cúng kiếng, sửa soạn dọn dẹp những mộ phần của dòng họ gia đình. Việc đi tảo mộ giống như đi thăm ông bà tổ tiên, thể hiện truyền thống biết ơn, uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt những xuất đinh tức con trai dù đi đâu xa cũng nhớ về dịp thanh minh tảo mộ ông bà, thể hiện vai trò con trai nối dõi tông đường, trụ cột trong gia đình.
Người xưa rất quan trọng trong chăm chút mộ phần. Ông bà yên nghỉ thì con cháu cũng được nhờ còn mồ mả ông bà không yên thì gia đình con cháu bất an. Thế nên việc tảo mộ được duy trì và xem như một dịp lễ quan trọng.
Tại sao con rể và con gái không được đi tảo mộ nhà vợ?
Con rể thời xưa rất “khách sáo” với gia đình nhà vợ, thậm chí có người bao năm không tới nhà vợ. Người xưa nói rể là khách mà khách thì không tham gia sâu vào việc nhà. Việc tảo mộ thanh minh được xem là việc nhà quan trọng thể hiện vai trò của xuất đinh, tức nam nhân trong dòng họ gia đình. Do đó những người con trai mới có trách nhiệm tảo mộ ông bà tổ tiên, cũng thể hiện vai trò nối dõi tông đường. Chỉ gia đình nào không sinh được con trai thì con rể mới được thay phần cúng kiếng.
Thời xưa chuyện con trai gái nặng nề, thậm chí không có con trai nối dõi còn bị coi là sự mất phúc lớn, gia đình tuyệt tự, con cái bất hiếu vì không sinh được con trai. Việc hương hỏa trong quan niệm xưa rất quan trọng và chỉ nam nhân mới được thực hiện còn con gái con rể thì không. Bởi thế con rể đi tảo mộ nhà vợ tức hàm ý gia đình mất phúc không có con trai nên con rể làm thay, như vậy là mất phước của nhà vợ.
Còn con gái khi đã đi lấy chồng là thuộc về nhà chồng, không còn là con của mình nữa. Người xưa cho rằng sống là người nhà chồng chết là ma nhà chồng, con gái lấy chồng như bát nước đổ đi. Thế nên việc con gái về tảo mộ coi như người ngoài đi tảo mộ. Người xưa lễ nghĩa rất kỵ người ngoài đi tảo mộ.
Vì thế con gái về tảo mộ nhà đẻ sẽ bị coi là mang vận xui về nhà chồng và là xúc phạm gia đình nhà đẻ. Thế nên trong quan điểm của người xưa thì con gái con rể có về nhà vợ vào ngày tảo mộ cũng chỉ đứng ngoài quan sát không tham gia vào hoạt động cúng tế.
Ngày nay quan niệm này có hợp lý?
Việc tảo mộ là tưởng nhớ người đã khuất, thể hiện tấm lòng thương nhớ, biết ơn. Thế nên ngày nay nhiều dòng họ gia đình coi như lần đi tảo mộ là lần giới thiệu con rể, con dâu với người thân đã quá cố, và là một lần nhắc cho con cháu biết ông bà tổ tiên là những ai,mộ phần ở đâu để còn biết ra thắp hương thờ cúng.
Vì thế tảo mộ vẫn là hoạt động được duy trì để tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Dịp tảo mộ thanh minh cũng là dịp các dòng họ họp mặt,gia đình gặp gỡ để biết rõ họ hàng, dòng tộc. Do đó ngày nay quan niệm tảo mộ cũng đã khác, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã cởi bỏ, nên việc con rể con gái về tảo mộ không kiêng kỵ mà còn là việc nên làm, nhất là với những chàng rể mới.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ dù vẫn còn nhưng đã mờ nhạt hơn xưa và vai trò của phụ nữ trong gia đình dòng họ nâng lên, nhiều con gái tham gia các sinh hoạt như xuất đinh trong dòng họ. Nhiều gia đình thời nay không có con trai thì con gái còn rước ban thờ ông bà bố mẹ về thắp hương ở nhà chung của vợ chồng, một bên thờ gia đình chồng, một bên gia đình vợ.
Thế nên việc kiêng kỵ đó đã không còn hợp lý với bây giờ. Tuy nhiên việc cúng kiếng hương hỏa vẫn phải do trưởng nam phụ trách. Thế nên con rể hay con gái về tảo mộ chỉ là cùng tham gia không chủ trì lễ thắp hương, ngoại trừ gia đình không có con trai hoặc con trai còn quá nhỏ chưa đảm trách được nhiệm vụ. *Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm