Đôi vợ chồng trung niên tin rằng, đây là chìa khóa để có khoảng thời gian hưu trí tuổi già thật thoải mái, vui vẻ mà không cần dựa dẫm vào ai.
Mới đây, tại Trung Quốc, trang tin Sohu đăng tải về bản thỏa thuận “Kế hoạch hưu trí” đặc biệt của một cặp vợ chồng trên 70 tuổi. Những nội dung trong bản thỏa thuận này đã khiến nhiều người cảm thấy thú vị, thậm chí được truyền cảm hứng để học tập theo.
Theo chia sẻ, chủ sở hữu của bản “Kế hoạch hưu trí” này là cặp vợ chồng nhà ông Tiền (Trung Quốc). Cả hai đều đã trên 70 tuổi, bước vào những năm tháng chạng vạng của cuộc đời. Tình cảm của đôi vợ chồng rất tốt, luôn gắn bó với nhau từ xưa đến nay. Về già, họ trải qua cuộc sống êm đềm, bình dị trong ngôi nhà riêng.
Nhưng bà Tiền cho rằng, cuộc sống luôn đầy rẫy những đổi thay và điều chưa biết, chẳng ai đoán trước được tương lai. Do đó, vợ chồng bà cần lập kế hoạch cho hiện tại và chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy, hai vợ chồng đã bàn bạc đi đến một thỏa thuận quan trọng: nếu một người ra đi trước thì người còn lại sẽ sống theo kế hoạch như sau:
- Tiếp tục sống ở ngôi nhà hiện tại, bất kể con cái phản đối ra sao
- Dù thế nào cũng phải ăn uống đầy đủ, thỉnh thoảng hãy thay đổi khẩu vị và tận hưởng niềm vui với đồ ăn bên ngoài
- Phải thường xuyên đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ
- Đừng bỏ dở những sở thích, thú vui mà cả 2 từng có, chẳng hạn như đi du lịch mỗi năm một lần
- Tự giác đi tập thể dục mỗi ngày, ra ngoài công viên hít thở khí trời, không ru rú ở nhà với 4 bức tường
Để lập ra bản thỏa thuận này, bà Tiền chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng cuộc sống giống như một cuộc hành trình dài, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Bên nhau bao nhiêu năm, chúng tôi đã quen với sự tồn tại của nhau, nhưng cuộc sống vô thường đôi khi khiến chúng ta phải lo lắng. Vợ chồng tôi cũng không muốn gây rắc rối cho con cái, không muốn đặt mình vào hoàn cảnh cô đơn, bất lực sau khi mất đi người thân yêu của mình. Vì vậy, chúng tôi quyết định lên kế hoạch trước cho cuộc sống hưu trí của mình để những ngày còn lại vẫn tràn ngập ánh nắng và hy vọng.”
Bà cũng giải thích rõ hơn về những chi tiết bên trong bản thỏa thuận. Đầu tiên, vợ chồng bà chọn tiếp tục sống ở ngôi nhà hiện tại. Nơi này chứa đựng biết bao kỷ niệm của gia đình, góc nào cũng tràn ngập sự ấm áp, ngọt ngào. Họ cũng đã dựa trên những thói quen cá nhân để cải tạo để ngôi nhà trở nên thoải mái và tiện lợi hơn, đồng thời bổ sung những đồ nội thất và thiết bị phù hợp cho người già, giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, họ cũng có kế hoạch thuê nhân viên bán thời gian đến nhà dọn dẹp mỗi tuần một lần, điều này không chỉ giúp nhà cửa gọn gàng mà còn giảm bớt gánh nặng cho đôi vợ chồng trung niên.
Về chế độ ăn uống, họ thống nhất sẽ chú ý hơn đến dinh dưỡng và sức khỏe. Đôi vợ chồng cần học một số công thức nấu ăn đơn giản để tự chuẩn bị những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng mà không mất quá nhiều công sức, thời gian. Tất nhiên, thỉnh thoảng họ sẽ đến những nhà hàng gần đó để thay đổi khẩu vị và tận hưởng niềm vui với những món ăn ngon.
Ngoài ra, bà Tiền nhấn mạnh rằng, cần đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo có sức khỏe tốt.
Về đời sống tinh thần, họ sẽ tiếp tục duy trì những sở thích, thú vui riêng. Chẳng hạn ông Tiền thích đọc sách và viết chữ, trong khi bà Tiền thích vẽ và nghe nhạc. Họ đã chia sẻ công việc và cảm xúc của mình với nhau để cuộc sống tràn ngập niềm vui và bất ngờ. Sau khi một người qua đời, người còn lại cũng nên duy trì những thói quen đấy, đừng để bản thân chìm trong buồn chán và cô đơn.
Đồng thời, đôi vợ chồng trung niên cũng sẽ tham gia một số hoạt động cộng đồng, kết giao bạn mới và mở rộng mối quan hệ xã hội.
Tất nhiên, không được quên tập thể dục. Mỗi buổi sáng, họ cần xây dựng thói quen đến công viên gần đó đi dạo hoặc tập Thái Cực Quyền, hít thở không khí trong lành và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên. Những hoạt động như vậy không chỉ giúp chúng ta khỏe mạnh mà còn đem lại cảm giác vui vẻ, thoải mái hơn.
Ngoài ra, cặp vợ chồng trung niên dự định thực hiện ít nhất một chuyến du lịch mỗi năm. Họ muốn đến thăm những nơi chưa từng đến và trải nghiệm những phong tục khác nhau. Du lịch không chỉ mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức mà còn giúp người ta thư giãn và nuôi dưỡng tâm hồn.
“Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, kế hoạch hưu trí này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách khác nhau, chẳng hạn như vấn đề sức khỏe thể chất, áp lực tài chính, sự cô đơn, v.v. Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi tin rằng chỉ cần chúng ta hỗ trợ lẫn nhau và dũng cảm đối mặt với nó thì không gì có thể ngăn cản chúng ta theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc”, bà Tiền cho biết.
Trong quá trình hoạch định cuộc sống hưu trí, đôi vợ chồng cũng cảm nhận sâu sắc giá trị của mối quan hệ gia đình. Sự quan tâm, hỗ trợ từ các con khiến họ cảm thấy ấm áp hơn. Họ dành thời gian để đi dạo, ăn uống và vui vẻ cùng nhau. Vì thế, bà Tiền càng muốn cố gắng trở thành tấm gương “tự chủ tuổi già”, không trở thành gánh nặng cho con cái.