TP HCMBà Đặng Thị Thanh Hằng, người tiêu thụ gần 300 kg vàng lậu, bị cáo buộc chỉ đạo em trai mang “hàng” lên các chuyến bay ra Hà Nội do quen biết nhân viên hàng không.
Hành vi buôn lậu tổng cộng 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam của Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi); Đặng Thị Thanh Hằng (64 tuổi, chủ tiệm vàng Phúc Hằng ở Hà Nội và Hát Giang, TP HCM) và em ruột Đặng Nam Trung (51 tuổi) cùng 22 bị can khác được nêu trong cáo trạng VKSND Tối cao vừa hoàn tất, chuyển cho TAND TP HCM để đưa ra xét xử về tội Buôn lậu.
Trong vụ án này, Phụng bị xác định vai trò cầm đầu; bà Hằng bị cáo buộc tiêu thụ nhiều vàng lậu nhất (gần 300 kg, trị giá gần 400 tỷ đồng) nhưng đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Theo cáo trạng, để điều hành việc mua bán vàng lậu với Phụng, Hằng lập nhóm chat trên Telegram mang tên Quỹ Sài Gòn. Sau khi thỏa thuận mua hàng, bà chủ tiệm vàng sẽ bảo Trung hoặc nhờ một số nhân viên hãng hàng không mang ngoại tệ (bọc nylon đen bên ngoài) đưa vào TP HCM để thanh toán. Trường hợp Trung và các nhân viên tiệm vàng không đi, nhóm này gửi tiếp viên hàng không nhờ mang vào. Khi đó, Nguyễn Duy Đức (34 tuổi, nhân viên của Hằng ở TP HCM) sẽ theo dõi chuyến bay hạ cánh, chủ động gọi cho tiếp viên để nhận tiền tại sân bay hoặc trước cổng trụ sở Đoàn tiếp viên.
Tiếp đó, Đức mang tiền về tiệm vàng Hát Giang ở phường 2, quận Tân Bình (gần sân bay Tân Sơn Nhất) kiểm đếm, nhắn vào nhóm Quỹ Sài Gòn báo cho Phụng là đã có đồ (ngoại tệ) để “bà trùm” giao vàng lậu đến tận nơi.
Kết quả điều tra xác định, từ ngày 3/8 đến 28/9/2022, bằng cách giao dịch này, nhóm Hằng đã mua của Phụng 294 kg vàng lậu. Trong đó, 50 kg (hơn 72,5 tỷ đồng) được bán cho 2 tiệm vàng ở TP HCM, phần còn lại được vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.
Đưa vàng lậu lên máy bay nhờ ‘quen biết’
Trung làm việc cho bà Hằng, thường được chị ruột giao nhiệm vụ đi lại giữa Hà Nội và TP HCM để giao tiền, nhận vàng.
Kết quả điều tra xác định, mỗi khi làm thủ tục lên máy bay, Trung đều đi qua cửa kiểm soát VIP vì “quen biết nhiều nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất”. Những lần mang vàng ra Hà Nội, ông này đều nhờ người quen làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp cử người khác đi thay, hoặc gửi tiếp viên, Trung đều nhờ nhân viên sân bay mang vàng qua cửa an ninh.
Như ngày 27/9/2022, sau khi nhận chỉ đạo của Hằng, Đức đã liên hệ nhận của tiếp viên hàng không 580.000 USD, cộng với số tiền quỹ còn hơn 800.000 USD để đặt mua 15 kg vàng lậu của bà “trùm” Phụng.
Khi hàng được nhân viên của Phụng giao đến, đựng trong 3 túi nylon đen (mỗi túi 5 kg), Đức quấn thêm băng keo bên ngoài để cố định. Rạng sáng hôm sau, người này giao cho Trung mang về Hà Nội trên một chuyến bay sớm.
Làm việc tại cơ quan điều tra, Trung chỉ đồng ý với toàn bộ diễn biến, thời gian thực hiện chuyến bay, nhưng không thừa nhận việc lấy vàng lậu từ Đức để mang ra Hà Nội. Bị can này cho biết hành lý mang trên chuyến bay sáng hôm đó là “những tấm đồng để làm đồ tang lễ”.
Tuy nhiên, Bộ Công an căn cứ vào lời khai, sổ tay ghi chép của Đức, nhóm Telegram Quỹ Sài Gòn, nội dung trao đổi qua các tin nhắn SMS, Zalo, Viber, Telegram; trích xuất dữ liệu camera tại tiệm vàng ở quận Tân Bình, hình ảnh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất… để xác định Trung có mang vàng lên máy bay.
Theo cơ quan điều tra, Trung và một số tiếp viên có mang vàng nguyên khối (vàng thỏi) qua cửa an ninh để lên máy bay, nhưng kết quả rà soát soi chiếu của an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ xác định được một chuyến bay (ngày 28/9/2022) là Trung có mang theo vàng.
Khi kiểm tra 3 kiện hành lý xách tay của Trung, nhân viên giám sát màn hình máy soi chiếu thấy bên trong “không có vật phẩm nguy hiểm”, chỉ có một số vật kim loại dạng hình khối (vàng thỏi). Do đây không thuộc hàng cấm mang lên máy bay, cô này không thực hiện việc kiểm tra trực quan, và giải quyết hoàn tất kiểm tra an ninh cũng như không báo cáo lại cán bộ trực hôm đó.
Về vấn đề này, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công văn cho rằng “hành lý xách tay của hành khách Đặng Nam Trung không có vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay theo quy định của Luật Hàng không Việt Nam và danh mục vật phẩm nguy hiểm của Cục hàng không Việt Nam” nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý đối với các cá nhân liên quan.
Nguyễn Thị Minh Phụng, Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh) bị cáo buộc lập 2 đường dây độc lập, lén đưa vàng từ Campuchia về Việt Nam bán kiếm lời. Hai người này đã liên kết với Nguyễn Thị Ngọc Giàu, 44 tuổi – sống gần cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh, cùng nhiều người khác để lên kế hoạch vận chuyển.
Trong hơn hai tháng (16/7 đến 28/9/2022), đường dây này đã vận chuyển trót lọt hơn 6 tấn vàng vào Việt Nam, trị giá 8.500 tỷ đồng, bằng cách giấu vào ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh. Mỗi thỏi vàng trước khi bán sẽ được khò mất ký hiệu (che giấu nguồn gốc từ nước ngoài). Tổng cộng, Phụng hưởng lợi gần 2,5 tỷ đồng; Phượng 132.000 USD (tương đương 3 tỷ), còn Giàu được gần 14 tỷ.
Ngày 28/9/2022, sau thời gian theo dõi, Cục cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) đã bắt quả tang việc giao nhận vàng của băng nhóm này tại đường Hồng Lạc, phường 14, quận Tân Bình. Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt hàng chục người; khám xét nhiều địa điểm liên quan tại tỉnh Tây Ninh và TP HCM, thu tổng cộng 76 thỏi vàng (tương đương 76 kg), gần 3 triệu USD, 64.000 euro, 5.000 đôla Australia, 10 triệu won Hàn Quốc, 10 triệu yên Nhật, hơn 45 tỷ đồng và hàng loạt tang vật khác.
Ngoài các bị can, Bộ Công an cũng xác định, ngoài giờ hành chính (từ 17h đến 7h hôm sau), lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm gác trực đảm bảo an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại. Trong khung giờ này, người, phương tiện, hàng hóa không được qua lại cửa khẩu, trừ trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, từ ngày 3/8 đến 28/9/2022, trong khoảng thời gian từ 4h30 đến 5h và 17h đến 18h, Thắng thường xuyên giao nhận xe có thùng hàng chở đá lạnh (vận chuyển vàng, USD lậu) với người Campuchia tại khu vực barie số 1 cửa khẩu Chàng Riệc. Vì vậy, cơ quan điều tra cho rằng 9 cán bộ biên phòng ở cửa khẩu này có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra của Bộ Quốc Phòng làm rõ.