Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Không ít người chấp nhận bỏ xe và mua xe mới.
Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm nồng độ cồn dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Tô Thế
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, nếu người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe không chấp hành nộp phạt thì sẽ không được đăng ký xe mới.
Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15.8.2023 quy định rất rõ về nguyên tắc đăng ký xe.
Theo đó, khoản 15 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được đăng ký xe theo quy định của Thông tư này.
Do đó, khi bị xử phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn mà lái xe chưa giải quyết nộp phạt thì người này sẽ không được đăng ký xe mới.
Luật sư Nguyễn Thu Trang cho hay, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay khá cao, mức cao nhất với xe máy lên tới 7 triệu đồng. Trong khi đó, giá trị chiếc xe thấp hơn con số này nên không ít người chấp nhận bỏ xe khi bị xử phạt.
Tuy nhiên, lái xe không chấp hành nộp phạt vi phạm nồng độ cồn chịu nhiều hậu quả pháp lý.
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt thì tổ chức, cá nhân có thể phải nộp thêm tiền phạt nộp chậm và bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Các biện pháp cưỡng chế gồm:
Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản
Do vậy, khi bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lái xe dù bỏ xe cũng chưa hết trách nhiệm pháp lý. Trong đó, người này sẽ không được đăng ký phương tiện mới.
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .
Đối với xe máy:
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
Ngoài ra, người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn có thể ra quyết định tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.