CEO Nguyễn Phương Hằng đã lên tiếng thú nhận, bà cảm thấy rất hoang mang khi biết việc chế lời bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” của nhạc sĩ Tú Nhi (danh ca Chế Linh) và Vinh Sử thành bài hát “T30 và tôi”, “Mưa An Phước” là vi phạm bản quyền âm nhạc.
CEO Nguyễn Phương Hằng thú nhận rất hoang mang khi biết mình vi phạm bản quyền
Mới đây, trong đoạn livestream ngắn, CEO Nguyễn Phương Hằng thú nhận, khi hát và chế lời bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” của tác giả Tú Nhi (danh ca Chế Linh) và Vinh Sử, bà không hề biết tác giả là ai. Bà cũng không hiểu biết gì về bản quyền nên đã vô tư chế lời bài hát này thành bài hát “T30 và tôi”, “Mưa An Phước”.
CEO Nguyễn Phương Hằng trong buổi giao lưu và biểu diễn bài hát mình chế lời từ “Đoạn buồn đêm mưa”. Ảnh: TL
“Mọi người khuyến khích chú Chế Linh thưa kiện cháu về việc vi phạm bản quyền nhưng cháu vẫn tin một điều, một người có nhân cách như chú, một người nhạc sĩ nổi tiếng như chú sẽ chẳng bao giờ làm điều đó. Giác quan thứ sáu mách bảo cháu, chú sẽ chẳng bao giờ làm điều đó.
Khi cháu nghe mọi người nói cháu vi phạm bản quyền vì chế lời bài hát “Đoạn buồn đêm mưa”, cháu khá hoang mang vì không hiểu lắm về vụ bản quyền âm nhạc. Rồi sẽ có một ngày, cháu sẽ công khai cảm ơn chú trước công luận. Và nếu đủ duyên, cháu sẽ mời chú về Việt Nam biểu diễn”, CEO Nguyễn Phương Hằng nhắn lời đến danh ca Chế Linh.
CEO Nguyễn Phương Hằng cũng nói thêm rằng, bà rất mê giọng hát và âm nhạc của danh ca Chế Linh. Không chỉ bà mà ba mẹ của bà ngày xưa cũng rất mê nhạc của Chế Linh. Bà rất muốn mời nam danh ca về nước tổ chức liveshow tại Khu du lịch Đại Nam vì “cháu không có gì khác ngoài điều kiện”.
Trao đổi với Dân Việt bằng một văn bản khá dài có tên “Thư lên tiếng”, danh ca Chế Linh cho biết: “Vừa rồi chị Nguyễn Phương Hằng có hát bài “Đoạn buồn đêm mưa” tại Khu Du lịch Đại Nam sau khi chị được trả tự do, theo tôi nghĩ rất đơn giản, vì chị thích bài hát này và muốn làm cho mọi người vui, không mưu cầu trục lợi, nên không việc gì phải lên tiếng… Nhưng các bạn YouTuber đã khai thác quá đà, giật quá nhiều tít câu view, gây nên sự ồn ào trong cộng đồng mạng.
Thật sự, tôi không quan tâm lắm đến việc chế lời những bài hát của mình để hát làm vui… Những bài hát của tôi đã bị chế lời rất nhiều trước những năm 1975 trên các đường phố tại Sài Gòn. Như trường hợp chị Nguyễn Phương Hằng chế lời “T30 và tôi” và “Mưa An Phước” đó là cảm xúc và tâm trạng hợp với giai điệu của bài hát đó. Vì vậy tôi mong các bạn YouTuber không nên thêu dệt, không đơm đặt câu chuyện, dẫn đến những ồn ào không đáng có, đẩy câu chuyện đi quá xa”.
Theo danh ca Chế Linh, sau khi bài báo “CEO Nguyễn Phương Hằng có vi phạm bản quyền âm nhạc?” đăng trên Dân Việt ngày 2/10/2024, rất nhiều người nhắn tin cho ông đề nghị ông lên tiếng về việc này. Tuy nhiên, ông thấy việc này không có gì đáng để lên tiếng bởi ông cảm nhận được việc CEO Nguyễn Phương Hằng phải yêu thích bài hát này lắm mới chế lời và biến nó thành bài hát thể hiện tâm trạng của mình trong trại giam.
Danh ca Chế Linh lên tiếng về bản quyền “Đoạn buồn đêm mưa
Liên quan đến câu chuyện bản quyền bài hát “Đoạn buồn đêm mưa”, danh ca Chế Linh nhấn mạnh, ông đã nói rất nhiều về xuất xứ bài hát này do ông sáng tác, sau đó đưa cho nhạc sĩ Vinh Sử đứng tên xin giấy phép cơ quan có thẩm quyền để in bán.
Danh ca Chế Linh cho rằng, CEO Nguyễn Phương Hằng chế lời bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” để mua vui chứ không đạo nhạc. Ảnh: TL
“Lúc bấy giờ, tôi đã thành danh còn Vinh Sử chưa có tên trong hàng ngũ ca nhạc sĩ nổi danh của Sài Gòn lúc bấy giờ. Khi tôi trông thấy một chàng trai trẻ ôm một sắp giấy in Ronios là những bài bạn ấy tự sáng tác và in rồi mời khách mua, tôi thấy tội nghiệp nên đã mời Vinh Sử vào quán Kim Sơn uống nước. Vào quán trò chuyện mới biết Vinh Sử không thể đưa bài hát của mình vào các cơ sở như: Diên Hồng, Minh Phát, Tinh Hoa Miền Nam hay Tú Quỳnh… Ngày xưa rất khó khăn để được bày bán trong các cơ sở này. Các sản phẩm muốn được bày bán tại đây phải đẹp mắt từ hình thức trình bày đến nội dung bài hát. Bìa nhạc cũng cần phải có những người có chuyên môn thiết kế, mà Vinh Sử lúc bấy giờ rất khốn khó không thể đáp ứng được.
Tôi đưa ý cho Vinh Sử, bạn cầm bài hát này (tức bài “Đoạn buồn đêm mưa”) đi xin phép in bán, tôi sẽ giới thiệu đến các trung tâm bày bán. Bài này tôi đã thu cho hãng đĩa Việt Nam, đã hát trên đài phát thanh và vài lần trên sân khấu nên người yêu nhạc đã biết đến…
Nếu tôi bán cho các Trung tâm mua bán nhạc thì bài hát này có giá không dưới 50 nghìn đồng ở năm 68, 69. Nhưng tôi đã giúp bạn ấy không lấy xu nào mà còn tốn tiền với một chầu ăn uống tại nhà hàng Kim Sơn. Từ bài hát ấy, được bày bán trong các tiệm, tên tuổi Vinh Sử cũng được biết đến từ đó… Song, tôi nhận hát giúp Vinh Sử một số bài như: Nhẫn cỏ cho em, Chuyến xe lam chiều… Thời gian sau, Vinh Sử đã vươn lên nhưng tôi cũng chưa được uống một ly nước nào từ nhạc sĩ Vinh Sử”, danh ca Chế Linh nói thêm.
Phản hồi về ý kiến của BH Media nói “Quyền tài sản của danh ca Chế Linh với bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” đã chấm dứt sau khi ông cho nhạc sĩ Vinh Sử bài hát này”, danh ca Chế Linh cho rằng, đây là những lời nói rất vô trách nhiệm.
Theo nam danh ca, ngày xưa, việc ông cho nhạc sĩ Vinh Sử được quyền in ấn bài hát này để bán mà không cần đến ghi giấy tờ, chỉ cần một lời hứa giúp bạn là đủ, nghĩa là chỉ dành cho nhạc sĩ Vinh Sử có quyền khai thác hưởng lợi, không có nghĩa cho quyền đem bán hay biếu tặng cho người khác.
“Tôi lấy ví dụ, tôi dư căn nhà nên giúp cho Vinh Sử dọn vào ở, không cần phải trả tiền thuê, nếu Vinh Sử không ở nữa thì hoàn trả lại nhà cho tôi. Nhưng người mua nhà này là BH Media không kiểm lại những giấy tờ có liên quan đến việc mua bán hay sang nhượng. Trường hợp bài hát “Đoạn buồn đêm mưa” của tôi, tôi chỉ cho đương sự tức nhạc sĩ Vinh Sử được quyền khai thác và tất cả đều giao kèo bằng miệng, không có văn bản sang nhượng hay ký thác…”, danh ca Chế Linh khẳng định.