Đại diện VKS trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 khẳng định bị cáo Trương Mỹ Lan đã đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành và sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích…
Sau thời gian nghị án kéo dài, hôm nay (17-10), TAND TP.HCM sẽ tuyên án sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Trước đó, ngày 4-10, tại phần luận tội, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12-13 năm tù về tội rửa tiền; 8-9 năm tù về tội vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới; tổng hợp hình phạt là tù chung thân. 33 bị cáo còn lại, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 2 năm tù đến 27 năm tù về các tội, hoặc một trong các tội nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hậu quả hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 bị hại; giữ nguyên sự tự nguyện của các bị cáo, cá nhân, tổ chức khắc phục hậu quả trong vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan xin nhận toàn bộ trách nhiệm
Theo cáo buộc tại giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan có hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích.
HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Trương Mỹ Lan không kêu oan, xin nhận trách nhiệm và sẽ tôn trọng quyết định của HĐXX. Tuy nhiên, bị cáo Lan khẳng định không đề ra chủ trương phát hành trái phiếu và sử dụng tiền từ việc phát hành trái phiếu.
Sau khi nghe mức án VKS đề nghị, bị cáo Lan bật khóc và xin HĐXX và VKS xem xét, vì nhìn gia tộc, nhân viên của bị cáo không có người nào gian lận, xấu xa mà đây chỉ là “tai nạn nghề nghiệp”. Bị cáo Lan nói rằng “tuy mức đề nghị không công bằng nhưng bị cáo sẵn sàng đứng ra khắc phục cho trái chủ và hứa thì sẽ làm”.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin HĐXX xem xét để giảm nhẹ mức án cho chồng và cháu, em dâu cùng các bị cáo còn lại trong vụ án vì một số bị cáo đã mang bản án của giai đoạn 1 rất nặng nề; họ chỉ là người làm công ăn lương, phía sau họ còn gia đình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết sẽ dùng toàn bộ tài sản, cùng gia đình tìm cách khắc phục hậu quả vụ án cho các trái chủ. Trong đó, bị cáo Lan xin SCB trả lại Dự án 6A tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh và 65 tài sản khác đang không đảm bảo nghĩa vụ nào tại SCB; siêu dự án Amigo ở trung tâm quận 1 với giá trị gấp 3 lần so với Times Square; Tòa nhà 29 Liễu Giai, Hà Nội… cùng các tài sản khác với giá trị hàng ngàn tỉ đồng. Quá trình thẩm vấn bị cáo Lan cũng xin được nhận lại hai chiếc túi Hermes bạch tạng để làm kỷ niệm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tại phần đối đáp, đại diện VKS khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành và sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích, thể hiện ý thức chiếm đoạt của bị cáo.
Bị cáo Lan có vai trò cao nhất, các bị cáo khác chỉ làm theo chỉ đạo. VKS đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nhưng xét tính chất, mức độ của vụ án, VKS nhận thấy vẫn cần thiết áp dụng mức đề nghị hình phạt cao nhất đối với bị cáo Lan trong tội danh bị truy tố. Bị cáo Lan tích cực hợp tác, đề ra phương án khắc phục hậu quả nhưng đây mới chỉ là phương án, nên cần có kết quả để ghi nhận ở mức độ cao hơn.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lan cho biết mình đã “trả giá quá đắt” và xác định đây là “định mệnh” và “tai nạn nghề nghiệp”.
Các bị cáo xin lỗi hơn 35.000 bị hại
Trong vụ án này, các bị cáo khác bị cáo buộc đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 bị hại; trong đó có các bị cáo là lãnh đạo tại SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung, Bùi Anh Dũng; cùng cháu của bị cáo Lan là Trương Huệ Vân…
Bị cáo buộc giúp sức cho bị cáo Lan bán trái phiếu, chiếm đoạt hơn 28.469 tỉ đồng của 35.818 bị hại, cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn trình bày rằng chỉ được trả lương hằng tháng và không có thêm quyền lợi gì. Bị cáo này bật khóc và cho biết “rất đau lòng, không nghĩ gây tác hại quá lớn cho quá nhiều người”.
Các bị cáo trong phiên xét xử Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tượng tự, cựu phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ SCB Trần Thị Mỹ Dung (bị cáo buộc phát hành trái phiếu, giúp sức bị cáo Lan chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại và rửa hơn 69.000 tỉ đồng) trình bày rằng hậu quả của vụ án quá lớn và “cảm thấy rất đau đớn khi làm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn bị hại”.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Dung gửi lời xin lỗi chân thành đến các bị hại. Xin HĐXX, VKS xem xét tình tiết giảm nhẹ để có sự khoan hồng, để bị cáo Lan có thêm niềm tin, giữ vững tinh thần để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB) nhiều lần bật khóc; bị cáo không tranh luận, không tự bào chữa, xin nhận trách nhiệm. Bị cáo này chỉ xin cúi đầu nhận tội với hơn 35.000 bị hại và gửi lời xin lỗi đến người thân trong gia đình đang là bị hại trong vụ án.
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trong phần xét hỏi, Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Lan) nhận trách nhiệm về hành vi ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty Windsor chuyển 13.000 tỉ đồng cho Công ty An Đông, giúp bị cáo Lan cùng đồng phạm phát hành trái phiếu, chiếm đoạt 13.000 tỉ đồng của 20.623 bị hại. Đối với số tiền thiệt hại quá lớn, bị cáo Vân trình bày không muốn lừa, chiếm đoạt tiền của ai. Bị cáo không thể khắc phục nhưng sẽ vận động gia đình cố gắng khắc phục.
Trong lời sau cùng, Trương Huệ Vân trình bày đã vô cùng đau khổ trong suốt hai năm qua. Xin HĐXX xem xét khoan dung, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan và các bị cáo khác trong vụ án.