Thời gian gần đây, từ khóa “Đường lên đỉnh Olympia” bất ngờ trở thành đề tài được mọi người quan tâm. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện về nữ MC GenZ tài năng, mọi người còn nhắc vấn đề “chảy máu chất xám”. Vẫn là chuyện cũ nhưng ở trong bối cảnh khác, nhiều người còn băn khoăn, chưa tìm được câu trả lời riêng cho chính mình.
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương – một trong những cố vấn quen thuộc của Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: VTV)
Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nữ tiến sĩ Đoàn Hương nói về vấn đề này. Cụ thể, trong đoạn clip, bà chia sẻ: “Chương trình Olympia nói thật là rất thông minh. Có một khoảng thời gian, người ta cho rằng Việt Nam đào tạo tài năng cho Úc rồi sau đó quốc gia này cho mấy học bổng của trường đại học tư nhân, khoảng 30.000 đến 50.000 USD (682 triệu đồng đến 1,1 tỉ đồng), sang đi học và ở lại. Đây không phải là tài năng, những câu hỏi trong Olympia là đã có câu trả lời có đáp án sẵn. Tài năng là khi nào có thể trả lời được những câu hỏi không có đáp án”.
Trong bài phát biểu trước hàng trăm học sinh, nữ tiến sĩ cho rằng thí sinh bước ra từ chương trình Olympia sau đó du học tại Úc vốn chỉ là những người bình thường. Họ vào trường đại học tầm trung và chưa làm gì quá xuất sắc để được tôn vinh tại quốc gia này. Cũng như không quá nổi trội để chúng ta phải tiếc nuối nếu họ chọn ở lại nước ngoài. Như vậy, việc nói các thí sinh trong chương trình “leo núi” là tài năng xuất chúng thì khá vô lý.
Thông tin từ VTC News, tiến sĩ Đoàn Hương từng có nhiều năm gắn bó với các chương trình nổi tiếng của VTV như Đường lên đỉnh Olympia, Cafe sáng,… Bà từng giảng dạy tại Khoa Văn và Khoa Báo chí Truyền thông (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nữ tiến sĩ cũng phát ngôn nhiều quan điểm gây tranh cãi về mạng xã hội, thay đổi tiếng Việt hay các bộ phim nổi bật đang được giới trẻ quan tâm. Dẫu có khá nhiều quan điểm trái chiều nhưng bà vẫn khiến mọi người nể phục vì học vấn cao và góc nhìn đa chiều của mình.
Quay lại với câu chuyện về “chảy máu chất xám”, từ quan điểm của tiến sĩ Đoàn Hương, nhiều bạn trẻ tiếp tục nổ ra các cuộc tranh cãi kịch liệt. Người đồng tình, kẻ phản đối để bảo vệ quan điểm riêng của chính mình. Thế nhưng, phải chăng những người đứng ngoài “đánh trống” đang quá áp đặt suy nghĩ cá nhân vào danh hiệu “nhân tài xuất chúng”?
Trên thực tế, các nhà leo núi tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia đều là học sinh giỏi, họ có tiềm năng để trở thành người tài. Họ tận dụng học bổng để có thể phát triển tiềm năng và tìm kiếm cơ hội để trở thành người tốt, giỏi giang hơn. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp và lựa chọn ở lại Úc, họ cũng chỉ là những công dân bình thường, phần lớn công tác trong chuyên ngành mà bản thân đã lựa chọn. Tại một số trường hợp, sinh viên tốt nghiệp trong nước còn tạo ra rất nhiều thành tích vẻ vang và mang tầm quốc tế hơn thế. Nếu vậy, không thể lấy vị trí “quán quân Đường lên đỉnh Olympia” để trở thành thước đo cho nhân tài.
Từng chia sẻ với Zing News, một thí sinh từng bước ra từ Đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 5 khẳng định rằng bất kể ai đi du học cũng đều muốn quay về nước. Tuy nhiên, họ sẽ làm được gì cho đất nước sau khi trở về lại là một vấn đề nan giải. Theo người này cho biết, dù ở lại hay về nước thì bản thân anh ta đều phải đánh đổi.
Nam quán quân cho rằng nếu về mà không làm hay đóng góp cho đất nước những điều tốt hơn thì thà rằng ở lại tích lũy thêm kiến thức, tài chính và kỹ thuật. Có thể thấy, đến các “tài năng xuất chúng” được mọi người vinh danh cũng mang định hướng riêng cho mình.
Người Việt Nam dường như đang có tiêu chuẩn kép khi nhìn nhận chung về một vấn đề. Họ dễ dàng “vỗ ngực tự hào” khi nhiều người nước ngoài tài năng ở lại Việt Nam để làm việc vì yêu mến đất nước này. Thế nhưng, họ lại khắt khe hơn khi thấy người Việt Nam rời đất nước, sinh sống tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Mong rằng trong tương lai, dư luận sẽ có cái nhìn khách quan và bớt khắt khe với những bạn trẻ, bởi trong một chừng mực có thể chấp nhận được, họ vốn dĩ có quyền tự do lựa chọn cuộc sống của riêng mình.