Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết quả xác minh văn bằng của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), thời gian qua, Bộ GDĐT đã xem xét quá trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt theo quy trình kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật.
Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp và ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này.
Bộ GDĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Trước đó, theo thông tin từ Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2001, ông Vương Tấn Việt tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội), ngành Tiếng Anh.
Năm 2017, ông trúng tuyển Văn bằng 2, Khóa 1 trình độ đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học của Trường ĐH Luật Hà Nội (mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tháng 1.2019, ông được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng Cử nhân ngành Luật Văn bằng thứ 2 – vừa làm vừa học theo Quyết định số 140/QĐ-ĐHLHN ngày 15.1.2019 của Trường ĐH Luật Hà Nội, xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi.
Tháng 11.2019, ông trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN ngày 26.11.2019 của Trường ĐH Luật Hà Nội.
Ngày 26.12.2019, ông Vương Tấn Việt được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp – Hành chính.
Ngày 9.12.2021, ông bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Trường tại Trường ĐH Luật Hà Nội.
Ngày 17.3.2022, ông được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp – Hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường ĐH Luật Hà Nội.
Theo Trường ĐH Luật Hà Nội, tổng thời gian đào tạo của học viên Vương Tấn Việt kể từ khi được công nhận Nghiên cứu sinh (tháng 12.2019) đến khi có Quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ (tháng 3.2022) là 2 năm.
Tuy nhiên, với việc sử dụng bằng cấp ba giả, toàn bộ các văn bằng các cơ sở giáo dục đại học đã cấp cho ông Vương Tấn Việt sau đó sẽ không được công nhận và bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, có căn cứ để khẳng định ông Thích Chân Quang dùng bằng cấp 3 giả.
Tối 13.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thông tin về việc đào tạo và cấp bằng cho ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, sinh năm 1959).
Theo đó, ngay khi dư luận xôn xao về các văn bằng, bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Thích Chân Quang, Bộ GDĐT đã yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan báo cáo. Bộ GDĐT cũng đồng thời rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên tinh thần và nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Về nghi vấn ông Thích Chân Quang chưa tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa, Bộ GDĐT bước đầu xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cho biết, vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.
Bộ sẽ tiếp tục xác minh đây có đúng là văn bằng của ông Thích Chân Quang hay không. Nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Thích Chân Quang sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.
Về quá trình học tiến sĩ của ông Thích Chân Quang tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ GDĐT đã kiểm tra, xác minh quá trình đào tạo. Quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật. Hồ sơ tuy có một số thiếu sót nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo.
Về chất lượng luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang, Bộ GDĐT đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GDĐT sẽ thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có thông tin rõ ràng, chắc chắn trước khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra công bố chính thức.
Trước đó, như Lao Động đã thông tin, Sở GDĐT TPHCM xác nhận ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GDĐT TPHCM.
Ông Vương Tấn Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6.6.1989 của Sở GDĐT TPHCM.
Không chỉ bằng cấp 3, thời gian qua, ông Thích Chân Quang qua gây xôn xao dư luận khi liên quan đến các vấn đề bằng cấp. Trước khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông Thích Chân Quang đã có bằng cử nhân ngành tiếng Anh (năm 2001) tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội); tốt nghiệp cử nhân ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2, hệ vừa làm vừa học).