Không ít người dùng ô tô, nhất là “tài mới” hay các tài xế nữ thường gặp tình huống vô lăng ô tô bị khóa cứng, không thể xoay chuyển…
Vô lăng ô tô bị khóa cứng, không thể xoay chuyển để đánh lái như bình thường là tình huống người mới dùng ô tô, nhất là các tài xế nữ thường ít nhất một lần gặp phải… nhất là với các mẫu ô tô sử dụng chìa khóa cơ.
Khi gặp tình huống vô lăng ô tô bị khóa, do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng… sử dụng ô tô nên hầu hết các tài xế thường lúng túng không biết nguyên nhân xuất phát từ đầu và cách xử lý như thế nào.
Thực tế có một số nguyên nhân dẫn đến việc vô lăng ô tô bị khóa cứng. Cách xử lý tình huống này cũng khá đơn giản, bất cứ ai cũng có thể thực hiện được nếu chịu khó trang bị cho bản thân những kỹ năng, kiến thức về sử dụng ô tô.
Những nguyên nhân khiến vô lăng ô tô bị khóa
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc vô lăng ô tô bị khóa cứng là sau khi đỗ xe, tắt máy tài xế vẫn cố tình đánh lái. Trường hợp này nghe có vẻ lạ nhưng thực tế những “tài mới” hay các tay lái nữ thường rất hay mắc phải.
Mới sử dụng chiếc Hyundai Grand i10 đời 2023 được 3 tháng nay, chị Hoài Thu ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Mới sử dụng ô tô nên sau khi đỗ xe, tắt máy… khi thấy vô lăng bị lệch hay ô tô đỗ chưa thẳng tôi thường cố gắng xoay vô lăng cho thẳng. Khi trở lại xe, tôi gặp tình trạng cho khóa vào ổ mà không mở được, vô-lăng cứng ngắt không hoạt động được. Không ít lần tôi phải nhờ những người xung quanh hoặc gọi điện cho chồng để nhờ trợ giúp”.
Sau khi đỗ xe, tắt máy tài xế vẫn cố tình đánh lái sẽ khiến vô lăng bị khóa cứng
Bá Hùng
Không chỉ chị Hoài Thu nhiều tài xế khác cũng từng ít nhất một lần rơi vào tình huống tương tự khi sử dụng ô tô. Các trường hợp này hầu hết đều do người lái cố gắng chỉnh vô lăng, bánh xe cho thẳng sau khi đã tắt máy. Cũng có không ít trường hợp các dòng ô tô sử dụng chìa cơ, khi tài xế đậu xe nhưng vô lăng, bánh lái không thẳng mà người lái vẫn cố gắng rút chìa khóa, cũng sẽ khiến vô-lăng bị khóa cứng.
Thực tế, vô lăng ô tô tự khóa cứng khi ô tô đã tắt máy là một tính năng chống trộm mà các hãng sản xuất trang bị trên các dòng xe. Theo lý giải của một kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, nếu động cơ đã tắt thì bơm trợ lực lái cũng không hoạt động nên vô lăng sẽ bị khóa cứng. Vô lăng bị khóa chỉ nhằm phòng ngừa kẻ gian, chống trộm cắp, không hề gây ảnh hưởng hay hư hại gì đến hệ thống lái của xe.
Cách xử lý khi vô lăng ô tô bị khóa
Vô lăng ô tô bị khóa sẽ không ảnh hưởng hay hư hại gì đến hệ thống lái của xe, do đó cách xử lý cũng khá đơn giản. Theo anh Toàn – Kỹ thuật viên một cửa hàng sửa chữa bảo dưỡng ô tô tại TP.HCM tư vấn: “Khi gặp tình huống vô lăng ô tô bị khóa, tài xế chỉ cần đề máy khởi động vô lăng sẽ mở được”.
Khi gặp tình huống vô lăng ô tô bị khóa, tài xế chỉ cần đề máy khởi động vô lăng sẽ được mở
Bá Hùng
Với một số mẫu mã, phiên bản ô tô dùng chìa khóa cắm vào ổ khóa trên vô lăng, sau khi vô lăng bị khóa. Với trường hợp này “Tài xế chỉ cần vừa xoay vô lăng hướng sang phải hay trái, đồng thời cùng lúc tra chìa khóa vào ổ. Sau đó đề máy lên, vô lăng sẽ được mở khóa”, anh Toàn chia sẻ thêm.