Chi phí làm sổ đỏ đất nông nghiệp mới nhất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) đất nông nghiệp đối với hộ gia đình và cá nhân là chứng thư pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hộ gia đình và cá nhân.
Ảnh minh họa: Phan Anh
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Phó Dũng – Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội – tư vấn:
Lệ phí trước bạ làm sổ đỏ đất nông nghiệp
Căn cứ Điều 2 Nghị định 140/2016/NĐ-CP được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 2 Thông tư 301/2016/TT-BTC, đối tượng chịu lệ phí trước bạ được quy định cụ thể như sau:
Đất gồm: Các loại đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.
Như vậy, khi làm sổ đỏ đất nông nghiệp bạn phải nộp lệ phí trước bạ. Theo Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%). Công thức:
Lệ phí trước bạ phải nộp = Giá tính lệ phí trước bạ x 0,5%
Trong đó, giá tính lệ phí trước bạ đối với quyền sử dụng đất như sau:
– Theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 140/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
– Giá 1m2 đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
– Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Văn phòng đăng ký đất đai xác định và cung cấp cho cơ quan thuế.
Lệ phí cấp sổ đỏ đất nông nghiệp
Theo Khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp sổ đỏ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau.
Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho đất nông nghiệp
Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay thường gọi là phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh nên mức thu của mỗi tỉnh, thành là khác nhau.
Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp.
Tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận cho đất nông nghiệp
– Trường hợp 1: Phải nộp tiền sử dụng đất nông nghiệp
+ Theo Khoản 21, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
– Trường hợp 2: Không phải nộp tiền sử dụng đất nông nghiệp
Điều 101 Luật đất đai 2013 quy định về việc cấp sổ đỏ cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất mà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như sau:
+ Sử dụng đất trước ngày luật đất đai 2013 có hiệu lực. Tức trước ngày 1.7.2014.
+ Không có các giấy tờ về đất đai.
+ Có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nơi có đất cần làm sổ.
+ Đất đang sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
+ Được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Nếu cá nhân, hộ gia đình đạt đủ các điều kiện bên trên thì được cấp sổ đỏ và không phải đóng tiền sử dụng đất. Như vậy, đất nông nghiệp được cấp sổ đỏ khi phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật đất đai 2013.
Các khoản chi phí làm sổ đỏ đất nghiệp khác
Về lệ phí đo đạc, theo quy định của Thông tư 02/2014/TT-BTC ngày 2 tháng 1 năm 2014 trong danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bao gồm: Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính…
Đây là khoản phí chi trả cho đơn vị đo đạc nhằm xác định vị trí, diện tích và kích thước hình học theo tọa độ phẳng phục vụ cho công tác lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất bạn muốn xin cấp sổ đỏ.
Vì vậy, để chính xác mức phí đo đạc địa chính bạn cần xác định địa phương nơi bạn đang sinh sống, có diện tích đất đai xem xét mức phí quy định theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để so sánh đối chiếu mức phí mà họ yêu cầu nêu trên.