Đoàn chúng tôi đến với huyện Đà Bắc (Hòa Bình) vào một ngày thời tiết lạnh tê tái 8 độ C. Cái lạnh ở đây thật “lạ lùng”, trên những nhành lá ngọn cây là một lớp băng phủ trắng xóa. Nó là kiểu lạnh kết hợp với sương muối mà những người không phải là người dân miền núi, không phải là người từng chịu kiểu thời tiết lạnh lùng này thì sẽ không tài nào hiểu nổi cái sự buốt giá thấu da thịt của nó.
Con đường đến với Đà Bắc ngoằn ngoèo hơn những gì chúng tôi tưởng. Thử kiếm tìm một hình ảnh để nói về những con đèo hun hút nơi đây, tôi thấy chúng thật giống với một chiếc khăn bít trôốc của người con gái Mường được ném lên không trung để cho mây gió vần vũ uốn lượn muôn nẻo. Có những khúc đổ đèo ngang góc 90 độ, đòi hỏi người lái xe phải quay thật nhanh vô lăng để lách xe, ôm đèo thật chắc. Rồi vun vút qua những con đèo là hằng hà sa số đoạn dốc cao như Vạn Lý Trường Thành, lên đến đỉnh rồi đột ngột đổ xuống các con đường ngập ngụa bùn đất do sạt lở gây ra. Những chướng ngại thách thức sự tỉnh táo của bác tài bởi nếu chỉnh số, kéo cần gạt không khéo là xe bị ngạt, lịm ga, “ba ti lê” như chơi. Một bên là núi đá dựng thành vách, một bên là mây mù xô vào nhau quánh đặc, chỉ cần một chút sơ sẩy là đoàn tôi gặp nguy hiểm.
Vượt qua những con đèo, chúng tôi đến được với trường Mầm non Yên Hòa nơi cô Quách Thị Bích Nụ (sinh năm 1987, dân tộc Mường) công tác. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp gỡ lại diễn ra, không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi vượt gần 200km tính từ Hà Nội để đến được đây gặp cô Nụ. Đơn giản vì chúng tôi muốn hiểu rằng, đằng sau vóc dáng nhỏ bé của cô Nụ lại có một tinh thần kiên cường đến như vậy khi 18 năm trời ròng rã lái thuyền đưa học sinh vượt sông Đà đến trường.
Đó là lý do chúng tôi đến đây.
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ: 18 năm trên những chuyến đò vượt sông Đà đưa học sinh tới lớp – Ảnh 3.
Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những mẩu hồi ức của cô Nụ về quãng thời gian bắt đầu theo nghề đò giang sông nước, từ ngày về điểm trường xóm Nhạp của trường Mầm non Đồng Ruộng công tác với mức lương 50 nghìn đồng một tháng.
Xóm Nhạp khi ấy và ngay cả bây giờ là một vùng quê với đa phần là đồng bào dân tộc Mường sinh sống rải rác bên các chân núi, triền đồi. Nơi đây gần như nằm lọt thỏm giữa lòng sông Đà, muốn ra thị trấn, muốn đến gần hơn với trường học thì con đường tối ưu nhất là đi thuyền qua sông cách một quãng dài 30 phút lênh đênh sóng nước. Từ ngày về trường mầm non Đồng Ruộng công tác, đến khi trở thành hiệu phó của ngôi trường này, rồi được luân chuyển và đảm nhận chức vụ hiệu trưởng của trường Mầm non Yên Hòa, suốt 18 năm qua cô vẫn cần mẫn lái đò trở không biết bao nhiêu thế hệ học sinh đến các điểm trường để học tập.
“Ngay từ khi về điểm trường xóm Nhạp công tác, tôi đã nhận thấy nhiều học sinh ở đây gặp không ít khó khăn trong quá trình đi lại. Đa phần các em phải có bố mẹ chèo thuyền chở đến trường, nhưng để mua được một chiếc thuyền không phải đơn giản. Có những phụ huynh thì bận lên nương làm rẫy, không thể chăm lo đầy đủ cho con cái được. Nếu cứ để như vậy, việc học của các em sẽ bị gián đoạn. Vì thế, tôi đã giúp gia đình các em làm người ngày ngày chuyên chờ, đưa các em đến trường. Việc đưa đón học sinh đi học là hoàn toàn tự nguyện, tôi không yêu cầu phụ huynh đóng góp bất cứ thứ gì”, cô Nụ chia sẻ về lý do bắt đầu theo nghề lái đò của mình.
Đan xen với những hồi ức của cô Nụ, trong đầu tôi lúc này nảy sinh một suy nghĩ tại sao họ không di dân đến những vùng đất thuận tiện hơn để làm ăn sinh sống. Nhưng sau một hai lần hiếm hoi được tiếp xúc với người dân xóm Nhạp, tôi hiểu rằng không dễ gì mà người ta từ bỏ tấc đất cắm dùi, đặc biệt là khi mảnh đất đó còn gắn chặt với dòng sông Đà mà đi nơi khác. Từ khi còn tấm bé, họ đã được nghe kể về cái thời hỗn mang khi chưa có “ngôi sao đo đỏ ngọn cỏ xanh xanh”, nhờ mụ Dạ Dần “đẻ đất”, “đẻ nước”, “đẻ mường” mà mới có sông Quanh mó Vận, sông Sàng mó Lí, có đường đi lối lại, đồi cái đồi con… Rồi một ngày nọ “người nhà trời” là ông Đùng bà Đà xuất hiện giúp dân Mường Bi đào đất nên mới xuất hiện sông Đà như ngày nay. Sông Đà đối với mỗi người con xứ Mường là máu thịt, là huyết quản từ ngàn đời vọng lại. Nên chẳng lý do gì mà họ chịu rời đi cả, chẳng có lý do gì…
Gắn bó như máu mủ ruột già là vậy, nhưng con sông Đà cũng chính là thử thách mà các em học sinh tại xóm Nhạp phải vượt qua nếu muốn đến gần hơn với con chữ. Chỉ khi vượt qua được quãng sông này, chỉ khi dám vươn lên khó khăn thì tương lai của các em mới bớt gian nan hơn. Giữa trăm ngàn cái khó, cô Nụ đã tình nguyện lái đò để giúp đỡ các em học sinh tại xóm Nhạp đến trường. Cô Nụ đối với những đứa trẻ nơi đây không khác gì ông Đùng bà Đà nhưng bằng xương bằng thịt, không phải ông Đùng bà Đà trong những câu chuyện thần thoại cổ của người Mường mà chúng thường được nghe.
“Các em học sinh ở đây chăm học, chịu khó lắm. Dù ngày mưa hay nắng, lạnh giá hay nắng ráo đều như tăm tắp là 5 giờ 30 đã ra bến thuyền chờ tôi để đi đò đi học rồi. Tôi thì ngày nào cũng như ngày nào, cứ 4 giờ là choàng tỉnh dậy. Không hiểu tại sao”, cô Nụ kể lại sau một hồi mân mê những câu chuyện về một thời quá khứ “oanh liệt” của cô.
Phải chăng chính những ngọn núi thung khe, những dòng sông thác nước nơi đây đã hun đúc nên ý chí kiên cường trong những đứa trẻ vùng cao, để chúng biết rằng người đồng mình sống như sông như suối, lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc. Người đồng mình phải biết “tự đục đá để kê cao quê hương”, để thấm nhuần những lời dặn ngàn năm từ trong huyết quản “con ơi tuy thô sơ da thịt” nhưng “không bao giờ được nhỏ bé, nghe con”.
Thấy được sự quyết tâm của các em, cô Nụ càng có thêm sức mạnh để làm công việc thầm lặng này. Ban đầu “vốn liếng” của cô trò chỉ là một chiếc thuyền đan bằng tre nứa, trộn xi măng trát lên và lắp vào hai mái chèo. Đến năm 2011, cô Nụ đã bàn bạc với gia đình bán cặp bò hồi môn để đóng một chiếc thuyền sắt gắn động cơ. Con bò vốn khi ấy bán được 11 triệu đồng nhưng cô phải bỏ thêm 1 triệu đồng nữa mới tiền đủ để đóng thuyền. Chính chiếc thuyền sắt đấy, chính chiếc thuyền được đánh đổi bằng cả con bò làm của hồi môn khi cưới đấy đã giúp giấc mơ con chữ của nhiều em nhỏ ở vùng lòng hồ sông Đà bớt chòng chành hơn.
“Đến việc phải thay bao nhiêu chiếc thuyền xi măng bị hư hỏng tôi còn không nhớ, chứ nói gì đến việc chở biết bao nhiêu thế hệ học sinh qua sông”, cô Nụ cười.
Những ký ức rồi sẽ phai nhạt dần theo năm tháng, nhưng những vết sẹo nằm trên da thịt được khắc thành hình thành hài trong suốt quá trình 18 năm làm nghề lái đò sẽ chẳng thể nào mất đi. Đối với cô Nụ, chúng chẳng là gì quá to tát nhưng đối với chúng tôi, những vết sẹo đó chính là “huân chương lao động siêu hạng” cho những người chèo thuyền ngày ngày xuôi ngược sông nước. “Vết sẹo” ngoài da thịt dù có chảy máu, nhưng cũng không thể nào đau đớn được bằng những “vết sẹo” lòng được ẩn giấu bên trong mà chỉ có chủ nhân của nó mới có thể thấu cảm được.
“Mình không lái đò thì hành trình đi học của trò sẽ ra sao?”, cô Nụ đưa ra một câu hỏi tu từ, một câu hỏi minh chứng cho những “vết sẹo lòng” trong cô khiến không gian xung quanh yên ắng đến lạ. Tôi nghĩ lúc này đây ai trong chúng tôi cũng mường tượng về cái viễn cảnh ấy, viễn cảnh một ngày các em học sinh tại xóm Nhạp không có cô Nụ đưa đò. Chắc con đường đến trường của các em sẽ trắc trở hơn, chắc các em sẽ vất vả hơn vào những ngày thời tiết lạnh giá? Hay là giấc mơ con chữ của các em sẽ phải chấm dứt để hàng ngày cùng eng – mạng (tiếng của dân tộc Mường nghĩa là bố – mẹ) lên nương làm rẫy, đến mùa ngô thì trồng ngô, đến mùa sắn thì đào sắn? Chúng tôi – ngay cả cô Nụ cũng không biết nữa.
Rồi nhân đây, chúng tôi biết được rằng hiếm lắm cô Nụ mới đi giày cao gót đi làm. Khi hỏi vì sao thì cô chỉ cười một giọng đầy hào sảng và nói: “Lái đò thì cần gì đẹp đâu mà đi giày cao gót. Rồi chẳng may… chỉ là chẳng may thôi tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình lái đò, đi giày cao gót vướng víu lắm”.
Từ chữ “chẳng may” đấy, chúng tôi phát hiện ra một “vết sẹo lòng” nữa đang ẩn sâu bên trong cô Nụ. Kể từ thời điểm các bạn học sinh bước lên đò, cô Nụ phải gánh vác thêm cả phần trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Rồi chẳng may… chẳng may thì sao? Lo lắng là một chuyện nhưng cô Nụ chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc thầm lặng này bởi cô không muốn hành trình đi học của các bạn học sinh ở xóm Nhạp gian nan.
Làm nghề lái đò 18 năm, cô có trong mình vô số những kỷ niệm. Ngồi với chúng tôi, cô mân mê, nắn nót chúng từng chút một. Lướt nhìn qua, ánh mắt cô lúc đấy sáng bừng lên lấp lánh, từng kỷ niệm qua đi như người thuyền trưởng kể về chiến tích vừa băng qua vạn dặm hải hồ.
Những khi mưa gió, sương mù, giá rét… việc đi lại vất vả hơn, cô trò phải lò dò đi từng chút một. Rồi những khi mưa bão ập đến, những cành cây trôi dạt từ đầu nguồn về thượng nguồn, mắc vào cánh quạt làm thuyền chết máy giữa lòng sông, lúc này cô Nụ lại phải nhảy xuống, tháo những vật cản ra khỏi bánh lái để tiếp tục hành trình đưa trò đến bến chữ…
Những kỷ niệm lan dần ra theo những lớp lang sóng vỗ…
Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh trong hồi ức của cô Nụ, đoàn chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến một màn chèo đò đưa học sinh qua sông của cô vào một buổi chiều nắng dần phai trên sông Đà. Sau khi giảng dạy xong tại trường Mầm non Yên Hòa, cô Nụ lại đi xe máy cách một quãng đường đèo vắt ngang núi dài 30 phút lái xe để xuống bến đò. Các em học sinh xóm Nhạp cũng có mặt đầy đủ từ trước, mặc sẵn áo phao để chờ cô Nụ đến.
Giữa một hàng dài con thuyền hiện đại nằm trên bờ chờ khách qua sông, chiếc thuyền của cô Nụ nằm lọt thỏm trong số đó. Nó là một chiếc thuyền dài khoảng 3 sải tay người lớn không có mái che. Để dễ hình dung nhất, tôi thấy nó thật giống với một chiếc thuyền độc mộc nhưng thay vì đục bằng gỗ thì nó lại được làm bằng sắt với lớp bên ngoài xỉn màu do thời gian ghi dấu.
Khi thuyền bắt đầu khởi hành, chúng tôi mới cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên. Gió luồn qua khe núi hun hút khiến tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi không tài nào mở mắt ra được. Rồi gió xô làm những gợn sóng bắt đầu cuộn trào, con thuyền vì thế cũng lênh đênh, chao đảo theo lớp lang sóng vỗ. Lúc này nếu lái không khéo là lật thuyền như chơi.
Trước những thách thức của con sóng ngọn gió nơi đây, cô Nụ vẫn bình tĩnh đến lạ vì cô đã thuộc quãng sông này như thuộc cả lòng bàn tay. 18 năm qua, cô Nụ đã đúc rút cho mình cả một một bộ “chiến thuật” lái sóng, lái gió Đà giang. Với cô Nụ, một người lái đò giỏi phải là một người biết cắt sóng, rẽ sóng để cho những gợn nước không xô mạnh vào mạn thuyền, làm người ngồi trên thuyền chòng chành, chênh vênh. Rồi những hôm sóng cao gió cả, phải tìm ra được “điểm yếu” của sóng để rồi đâm thẳng, đâm trực diện nhằm tránh nước văng tung tóe, ướt người ngồi trên.
Kinh nghiệm đò giang của cô còn được cân đo đong đếm trong những ngày gió to làm nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn những gợn nước bạc đầu trắng xóa. Lúc này phải biết “chiều chuộng” con sông Đà, không thì nó sẽ “làm mình làm mẩy” lên cho xem. Cứ thuộc làu làu bộ chiến thuật này, thì dù có “sóng cả” cũng không thể “làm ngã tay chèo”. Lái đò không phải là công việc đơn giản, nó cần có chiến thuật mà chỉ những người lành nghề nhất mới có đủ chiêm nghiệm trong hành trình chinh phục dòng “Đà giang độc bắc lưu”.
Bộ “chiến thuật” lái sóng lái gió Đà giang đấy, cô Nụ không giữ cho riêng mình mà “truyền nghề” lại cho thế hệ sau. Những buổi học của cô không có phấn trắng bảng đen, chỉ có thuyền làm ghế và kiến thức được kết tinh từ 18 năm trời làm nghề đò giang sông nước. Sau những buổi lý thuyết, các bạn học sinh sẽ được thực hành trực tiếp việc lái đò dưới sự giám sát của cô Nụ. Để học trò quen tay hơn, các bạn sẽ thay phiên nhau cầm lái một ngày trong tuần. Ai mà lái sai kỹ thuật sẽ được cô Nụ trực tiếp chỉnh sửa. Đến khi nào lành nghề, thuộc bộ “chiến thuật” lái sóng lái gió Đà giang làu làu từng dấu chấm, dấu phẩy mới thôi. Nhờ đó mà đến hiện tại, các bạn học sinh của cô ai cũng lái đò rất giỏi, vỗ ngực chia sẻ mình là học trò của cô Nụ cơ mà.
Tôi tin, không đơn thuần cô Nụ tạo ra những đứa trẻ xóm Nhạp vững tay chèo trên sông Đà chỉ vì chúng là người của sông nước. Mà từ sâu trong tâm khảm, cô còn muốn lớp lớp thế hệ học sinh từng được cô che chở, sau này lớn lên phải biết nối tiếp những công việc thầm lặng này, phải biết yêu thương người đồng mình, những người cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn, những người biết “tự đục đá để kê cao quê hương” và “lấy quê hương để làm phong tục”. Có thể con đò sau này của các em sẽ hiện đại, có thể con đò mà các em sở hữu không phải là màn đánh cược bằng cả con bò làm của hồi môn, nhưng hãy nối tiếp những công việc này. Những công việc tuy nhỏ bé nhưng giúp triệu triệu giấc mơ được viết tiếp, tuy nhỏ bé nhưng có ích cho đời. Chỉ vậy thôi!
Với 3 chữ “là”: Là một người mẹ, là một người thầy và là một người chuyên chở những giấc mơ. Tôi thích nhất là một người mẹ, đơn giản vậy thôi.
Cô Nụ với tôi vừa là một người thầy, người mẹ và còn là một người chuyên chở những giấc mơ cho các bạn học sinh. Với ba chữ “là” đấy, cô Nụ muốn mình trong hình ảnh một người mẹ nhất. “Những người con” của cô Nụ, những người con dù không phải do cô đứt ruột đẻ ra, nhưng đã gắn bó với cô, ngày ngày được cô đưa thuyền qua sông Đà thì đã là “con của mình” rồi. Ngay cả những đứa trẻ ở nơi nơi cô sinh sống, chẳng ai bảo ai nhưng chúng cứ kháo nhau gọi cô là “mẹ Nụ”.
Không chỉ lái đò đưa học sinh đến trường, cô Nụ cũng là người hướng dẫn các bạn học sinh nơi đây đăng ký các chế độ hỗ trợ của nhà nước. Nhờ đó mà cuộc sống của các bạn bớt vất vả, con đường đến trường cũng vì thế mà bớt chòng chành hơn.
Rồi có trường hợp một học sinh vì bố mẹ không hạnh phúc nên đành phải ở với bác. Vào năm lớp 9, em đã có ý định nghỉ học để đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy được hoàn cảnh như vậy, cô Nụ liền động viên, tìm kiếm những nguồn hỗ trợ của nhà nước để em không bỏ dở việc học giữa chừng.
Với những lời động viên thân tình như một người mẹ, em học sinh này đã đi học trở lại. Ngày ngày dậy sớm để cùng “mẹ Nụ” đi đò qua sông, buổi trưa về lại ghé qua phòng của của “mẹ Nụ” ăn uống ngủ nghỉ… cứ như vậy ngày nối tiếp ngày, tháng nối tiếp tháng…
Có ai đó từng nói, nghề dạy học như nghề chèo đò đưa khách sang sông và mỗi thầy cô đều là những người lái đò cần mẫn, chuyên chở biết bao giấc mơ đến với bến bờ tri thức. Với tôi, họ đều là những người “nghệ sĩ” – đương nhiên không phải nghệ sĩ như trong hình dung của nhiều người, mà là người dồn hết tâm sức vào những thứ mình làm, và hơn hết là yêu những thứ mình làm.
Trước khi rời Đà Bắc, tôi có hỏi cô Nụ bao giờ sẽ dừng lại công việc đưa đò này. Tôi không thể hình dung được. Và cô cũng thế.