Là địa phương dẫn đầu cả nước về phương tiện công cộng điện hóa, ngành GTVT Hà Nội đề ra lộ trình cụ thể thay thế xe buýt máy dầu bằng xe buýt điện.
Hà Nội hiện có đủ các loại phương tiện giao thông điện như tàu điện, xe buýt điện, taxi điện và xe điện hai bánh.
Tham luận tại hội thảo quốc tế “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện” diễn ra sáng 10/11, ông Đỗ Phan Anh (Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội) cho biết, sử dụng xe buýt nhiên liệu hóa thạch mang đến những hệ lụy như lượng khí phát thải ra môi trường cao, gia tăng cường độ lao động của nhân viên lái xe do sử dụng tay số cơ và ly hợp liên tục, không thuận tiện an toàn cho hành khách lên xuống, do sàn xe cao…
Hiện nay tại Việt Nam, mới chỉ có duy nhất VinFast sản xuất và lắp ráp xe buýt điện. Ngoài ra, nguồn cung cấp xe buýt điện trên Thế giới hiện tại chủ yếu đến từ các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc như BYD, Foton, Yuton… với trên 90% sản lượng toàn cầu.
Việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng điện lớn, tập trung theo các khu vực có điểm đầu cuối, depot xe buýt.
Do vậy, cần có sự vào cuộc của ngành điện lực trong việc quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ về vị trí các depot để lắp đặt trạm sạc và các công trình phụ trợ để bố trí nguồn điện cho phù hợp, cần thời gian từ 3-5 năm để nâng cấp hệ thống điện khi số lượng phương tiện sử dụng điện lên trên 1.000 xe.
Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.
Trong đó, Hà Nội có 2.034 xe buýt được trợ giá, với 277 xe sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng). Trong đó, trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
Tuy nhiên, vẫn có 1.757 xe buýt đang sử dụng nhiên liệu diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. Số lượng phương tiện cũ, đạt tiêu chuẩn khí thải thấp đang còn tương đối lớn khi số xe buýt trên 5 năm chiếm tỉ lệ 39% và đạt dưới chuẩn Euro IV chiếm 44,5%.
Ông Đỗ Phan Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội phát biểu tham luận tại hội thảo.
Đối với xe buýt CNG và LNG, Tổng công ty Khí Việt Nam sẽ đảm bảo đủ lượng khí thiên nhiên CNG/LNG để phục vụ cho quá trình chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh của ngành GTVT.
Sở GTVT Hà Nội cho biết đã gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg, như chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh (CNG/LNG) lớn, cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel; Áp lực về các khoản chi phí đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp (trạm biến áp, hệ thống cung cấp điện…); Tạo nên áp lực lớn về chi phí đầu tư, chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp vận tải và cũng tác động ảnh hưởng không nhỏ đến khoản chi phí trợ giá cho xe buýt hiện nay.
Trong khi đó, về phía cơ quan Nhà nước, để có thể chuyển đổi sang phương tiện xanh cần thiết phải có đơn giá, định mức cho cả xe buýt điện trung bình và nhỏ, cũng như có hướng dẫn, quy định cụ thể.
Lộ trình chuyển đổi dự kiến đang được Sở GTVT nghiên cứu để chia thành từng giai đoạn, gồm giai đoạn 1 từ năm 2025-2030, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm. Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2031-2035, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.
Như vậy, nếu theo lộ trình từ năm 2025 đến 2030 mỗi năm Hà Nội phải chuyển đổi 157 xe thì đến năm 2030 sẽ có gần 785 nghìn xe buýt điện trên tổng số hơn 2 nghìn xe buýt hoạt động. Theo tính toán từ các con số trên, nếu cộng với xe CNG, đến năm 2035 địa phương này sẽ đạt 50% tỷ lệ là xe buýt điện.