câu chuyện bàn luận về việc bỏ Tết cổ truyền ở Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân – người cách đây 11 năm đưa ra đề xuất gộp Tết âm và dương lịch ở Việt Nam đến nay vẫn giữ vững quan điểm. Ông cũng chia sẻ về kế hoạch ăn Tết năm nay của mình.
Cứ mỗi năm Tết đến, dư luận lại bắt đầu nóng lên về những vấn đề nghỉ Tết truyền thống như thế nào cho phù hợp. Trong đó, GS Võ Tòng Xuân, người đầu tiên có đề xuất về việc gộp Tết âm và Tết dương lịch, sau 12 năm vẫn giữ vững quan điểm bỏ Tết cổ truyền tại Việt Nam.
Theo ông, trước những sự biến đổi tích cực và sự phát triển của xã hội như hiện nay, Việt Nam rồi cũng sẽ thực hiện vấn đề này vì để thúc đẩy kinh tế.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với GS Võ Tòng Xuân tại nhà riêng tại TP.HCM để tìm hiểu thêm về quan điểm này.
“Mấy đứa con tôi nói: Ba muốn làm gì ba làm!”
Chào GS Võ Tòng Xuân, gần 12 năm trước, Giáo sư đã từng có đề xuất về việc gộp Tết cổ truyền (Tết Nguyên Đán, Tết Ta) vào Tết Dương lịch (Tết Tây) và Việt Nam chỉ đón Tết Dương lịch như các nước trên thế giới. Vậy hiện nay, Giáo sư có thay đổi quan điểm này không?
– Không! Đó mãi là ý nghĩ xuyên suốt cuộc đời tôi. Hiện tôi đã thấy được những tín hiệu tích cực báo hiệu cho sự thay đổi này. Đó là những hoạt động trong ngày Tết Dương lịch ở các tỉnh, thành phố lớn như đếm ngược đồng hồ đợi khoảnh khắc giáp canh, hay việc lãnh đạo Nhà nước có thông điệp đầu năm mới… được tổ chức không thua kém nước ngoài. Tức là, mình đã tổ chức đón mừng năm mới như các nước trên thế giới.
Tôi nghĩ, từ từ rồi chúng ta cũng sẽ chuyển sang ăn Tết cùng ngày với thế giới mà thôi. Đó là khi kinh tế và nhu cầu việc làm tăng cao, mọi người cùng bận rộn thì sẽ thấy được việc ăn 2 cái Tết như hiện nay là quá lãng phí thời gian và tốn kém tiền của. Như Nhật Bản và Singapore chỉ ăn 3 ngày Tết Dương lịch là 3 ngày Tết chính, ngoài ra cũng chỉ nghỉ thêm 3 ngày Tết Âm lịch chứ không kéo dài 2-3 tuần như ở nước ta.
Từ đâu mà ông lại có mong muốn lấy Tết Tây làm ngày Tết chính thức của nước ta?
– Xuất phát từ những trải nghiệm của chính bản thân tôi.
Vào năm 2003, cũng vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi lại đang làm việc ở Lào và Ý. Trong khi cả thế giới đều bận bịu làm việc thì nước ta lại có kỳ nghỉ dài để đón Tết cổ truyền. Việc nghỉ quá dài sẽ làm người Việt tự đánh mất đi rất nhiều cơ hội cho mình. Vì có nhiều việc quan trọng trúng ngay ngày Tết Âm lịch, nhất là các hoạt động quốc tế.
Kèm theo đó, tôi thấy người Việt ta còn hay tư tưởng Tết dư âm. Trước Tết thì nôn nao chuẩn bị từ hơn một tháng. Trong Tết, nhất là những người ăn nhậu, chỉ muốn nghỉ nhiều cho khỏe. Sau Tết lại thiếu năng lượng và làm việc tương đối uể oải. Ở vùng thôn quê, nhiều hộ gia đình đều là dân làm thuê, không giàu có gì, thế mà kiếm được mớ tiền về Tết là phải sắm sửa.
Bạn bè và người thân, gia đình của GS có đồng tình với đề xuất này không?
– Cũng có nhiều người tuy không nói ra nhưng biểu hiện thì tôi cũng biết là không đồng ý, nhất là bà con ở quê, người lớn tuổi. Còn riêng gia đình tôi, nhất là mấy đứa con thì không quan tâm lắm, “ba muốn làm gì ba làm”. Những người thân còn lại cũng không ý kiến gì. Hiện tại, gia đình tôi vẫn ăn Tết một cách bình thường. Dù đưa ra đề xuất dồn 2 cái Tết lại thì gọn hơn nhưng chưa ai làm thì mình vẫn phải ăn Tết theo kiểu cũ thôi.
Vậy không biết gia đình GS đã tổ chức đón Tết năm nay như thế nào?
– Hiện tại, tôi vẫn làm việc bình thường. Đến 28 tháng Chạp này tôi vẫn đang công tác tại Lào. Nhà tôi chỉ dành đúng 3 ngày để ăn Tết. Trong đó, mồng một tôi dự tính sẽ đi chúc các lãnh đạo ở Cần Thơ, chiều trực ở trường. Mồng 2 ở nhà chờ con cháu về thăm. Mồng 3 thì có thể sẽ về quê ở An Giang để tham dự cúng giỗ sinh thần của các bác.
Mùng 4 tôi sẽ quay lại làm việc bình thường thôi.
Tôi không có thì giờ để tranh luận với những người có ý định muốn nghỉ Tết nhiều
Theo những tâm niệm trên của Giáo sư thì việc bỏ Tết cổ truyền sẽ mang lại những lợi ích gì cho xã hội?
– Tất nhiên là nếu một người nghỉ ngơi ít hơn, làm việc nhiều hơn thì năng suất lao động cũng sẽ tăng lên, kéo theo đó là sự phát triển. Ví dụ như những người làm nghề buôn bán. Với họ, dịp Tết là một dịp để tăng thêm thu nhập bản thân.
Ngoài ra, tránh nghỉ ngơi quá đà còn có thể tránh được nhiều “vấn nạn” xảy ra trong dịp Tết như là tai nạn xe cộ, rượu chè, cờ bạc quá độ. Cái gì nó quá độ cũng không tốt, không nên, tạo ra tiền lệ xấu.
Chúng ta còn không đánh mất cơ hội đến ngay trong khi chúng ta đang nghỉ Tết, vì hầu hết các nước trên thế giới vẫn làm việc vào dịp Tết Âm lịch.
Lần đầu tiên Giáo sư đưa ra quan điểm “Ăn Tết Nguyên Đán theo Dương lịch” thì vấp phải rất nhiều ý kiến, luồng dư luận trái chiều. Trải qua 12 năm, ông nhận thấy con số phản đối tăng lên hay giảm xuống?
– Năm 2005, lần đầu tiên tôi trình bày quan điểm trong bài viết “Tết “hội nhập”, tại sao không?” trên báo, đã có khoảng 70% số người chống đối và 30% là đồng tình, chủ yếu là những người trí thức, những nhà khoa học. Họ cho rằng không nên bỏ Tết cổ truyền vì sẽ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi cũng có trả lời rằng nhiều nước trên thế giới không ăn Tết Âm lịch nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc đó thôi. Đơn cử là Nhật Bản, Singapore dù đã chuyển sang ăn Tết Dương lịch nhưng vẫn giữ được những bản sắc cổ truyền. Sau khi cử hành làm lễ họ lại tiếp tục làm việc, chứ không phải như tục lệ nghỉ Tết cổ truyển ở Việt Nam cứ dây dưa kéo dài mãi.
Hiện nay, số người phản đối đã giảm xuống nhiều lắm, hoặc có nhưng cũng không gay gắt như thời kỳ đầu. Cũng phải thôi, khi người ta thấy việc nghỉ Tết cổ truyền là việc rất tự nhiên. Nếu bỏ đi sẽ là một cú sốc cho những người đã quen với việc nghỉ Tết Âm lịch. Những người chưa có công ăn việc làm chưa thấy được tiêu tốn thời gian cho Tết cổ truyền làm ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của họ. Nhưng chắc chắn tới một ngày, con cháu của họ lớn lên có công ăn việc làm ổn định, rồi cũng tới lúc người ta sẽ hiểu, nhu cầu về thời gian về công việc nó sẽ lấn át nhu cầu về ăn chơi.
Tóm lại, chỉ có những người rảnh rỗi, không có việc làm mới mong nghỉ Tết dài lê thê.
Nhiều ý kiến cho rằng bỏ tết cổ truyền là bỏ đi những lễ nghi, những sinh hoạt văn hóa dịp tết, đồng nghĩa với bỏ đi quá trình lịch sử văn hóa lâu dài của ông cha, Giáo sư nghĩ sao về quan điểm này?
– Đối với những nét văn hóa tốt đẹp, mang bản sắc dân tộc và văn minh thì mình nên giữ; còn những hủ tục như là chém trâu, giết lợn, cờ bạc… thì nên bỏ được rồi. Trong 3 ngày Tết Âm lịch, nên gói gọn lại những tập tục cần thiết, không thay thế được như cúng ông Công ông Táo. Còn những hoạt động như bắn pháo hoa, chúc Tết,… thì làm vào Tết Tây thôi, không nên lặp lại vào Tết cổ truyền nữa để tiết kiệm.
Chúng ta đừng sợ đánh mất bản sắc dân tộc. Tôi nhớ có đọc câu thơ của Tố Hữu: “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”. Thực tế, thay vì Mùng Một Tết Ta mình làm Mùng Một Tết Tây. Tết cổ truyền theo lịch Dương lịch đơn giản chỉ là thay đổi thời điểm, thói quen chứ bản chất sự việc đâu có gì khác nhau.
Tôi nghĩ là vẫn nên nghỉ 3 ngày Tết Dương lịch và 3 ngày Tết Âm lịch. Lễ hội thì nên gói gọn, không rườm rà, không ảnh hưởng đến kinh tế và bản sắc văn hóa là được.
Giáo sư có những đề xuất gì để thay đổi thói quen cố hữu trong tâm thức người Việt vấn đề này không?
Vì người Việt mình những vấn đề mới mà đem ra tranh cãi thì người ta không tin. Phải để cho họ có kinh nghiệm thì mới thay đổi.
Tôi cũng không có thì giờ để tranh luận với những người đó, mà dù có tranh luận thì cũng vô ích, vừa tốn thì giờ mà vừa không thể nào lay chuyển được ý định muốn nghỉ nhiều của họ. Nếu nói cho cặn kẽ, thì việc nghỉ Tết kéo dài lê thê như hiện nay thì cũng có sức thuyết phục, nhưng tôi vẫn bảo vệ ý kiến của mình. Có thể ý kiến mình đưa ra thời điểm đó người ta chưa chấp nhận thì mình cũng không cãi để làm gì.
Tôi hy vọng những thế hệ mới nối tiếp sau này sẽ thay đổi được quan niệm cũ của thế hệ trước, và việc gộp Tết sẽ được nhìn nhận thoáng hơn.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư – Tiến sĩ , Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Ông được học bổng của trường đại học Nông nghiệp tại Los Banos (Philippines), về lại Việt Nam 1971 sau khi lấy bằng thạc sĩ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản 1975.
Ông đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là Anh hùng Lao động. Ông có nhiều đóng góp cho trong việc nghiên cứu cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng đất này.
Ông là đại biểu Quốc hội liền 3 Khóa: II, III, IV. Từng là Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu Trưởng Trường Đại học An Giang, Ủy viên Hội đồng Chức Danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, Hiệu Trưởng Trường Đại học Tân Tạo. Hiện ông là Hội đồng Sáng lập và Quyền Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Ông có một đề xuất là ăn Tết Nguyên Đán theo Dương lịch. Đề xuất này đã gây nên những luồng dư luận trái chiều.