Quảng Nam dự kiến phương án sơ tán dân khi có bão Trami đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này. Trong đó nếu bão mạnh, số người cần di dời, sơ tán gần 190.000 người, nếu là siêu bão thì hơn 380.000 người.
Chiều 23-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp trực tuyến với các địa phương về công tác triển khai ứng phó bão Trami (bão Trà Mi).
Theo báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh này dự kiến phương án sơ tán khi có bão đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, trong đó nếu bão mạnh, số người cần di dời, sơ tán gần 190.000 người, nếu là siêu bão thì có hơn 380.000 người.
Để chủ động ứng phó với bão có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh, đề nghị các địa phương tuyên truyền, sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế.
Rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chủ động di dời, sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện nay tổng số tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển là 54 tàu với 2.300 lao động, trong đó tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa 50 tàu.
Đáng lo ngại có 4 phương tiện ở Hoàng Sa đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm, cách bờ 140 – 180 hải lý, đang cơ động xuống phía nam, dự kiến 4h chiều mai sẽ vào bờ.
Ông Hồ Quang Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – nói rằng 3 năm nay ở tỉnh chưa có cơn bão nào lớn, dễ có tâm lý chủ quan. Ông đề nghị các địa phương không được chủ quan, nêu cao tinh thần phòng chống bão.
“Ngay tối nay, cần chỉ đạo tuyên truyền cho người dân thật sự hiệu quả. Và nếu bão vào chắc chắn sẽ có mưa lớn, có sạt lở, đề nghị 6 huyện miền núi cao phải cảnh giác. Một điều nữa là phải chủ động di dời dân vùng biển” – ông Bửu nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị phải nâng cao tinh thần “4 tại chỗ”, lực lượng biên phòng phải thông báo thường xuyên cho tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến cơn bão để người dân, cơ quan đơn vị biết phòng chống.
“Các địa phương, sở ngành phải triển khai ngay phương án phòng chống bão. Lưu ý những nơi có nguy cơ sạt lở đất phải chú ý di dời dân. Bên cạnh đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh theo dõi tình hình và cho học sinh nghỉ học khi cần thiết” – ông yêu cầu.
Bão Trami sắp đổ bộ Philipines, nhiều nơi ngập lụt, 8 người chết và mất tích
Cơn bão Trami gây ra mưa lớn và ngập lụt trước khi đổ bộ vào Philipines, đã có 1 người chết và 5 người bị thương.
Ngày 23-10, chính phủ Philippines đã quyết định tạm ngừng hoạt động của các cơ quan nhà nước và đóng cửa nhiều trường học trên cả nước khi cơn bão Trami tiến về bờ biển phía đông của nước này, theo hãng tin Reuters.
Tính đến 11 giờ trưa 23-10 (giờ địa phương), Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines cho biết tâm bão Trami cách thị trấn Casiguran, tỉnh Aurora (Philippines) 200 km với sức gió lên tới 85 km/giờ.
Cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền vào tối 23, rạng sáng 24-10.
Những con đường bị ngập ở vùng Bato (Philippines) ngày 23-10. Ảnh: CHINA DAILY
Ngày 23-10, Tổng thống Philippines – ông Ferdinand Marcos Jr. đã ra lệnh cho lực lượng chức năng chuẩn bị ứng phó trước khi bão đổ bộ.
Ông Marcos yêu cầu các cơ quan chính phủ theo dõi chặt chẽ lượng mưa trong những ngày tới, bố trí nguồn lực của chính phủ và dự đoán nhu cầu của người dân.
“Tôi e rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Chúng ta hãy cùng chuẩn bị” – ông Marcos nói.
Trước khi đổ bộ, cơn bão Trami đã gây ra mưa lớn khiến nhiều khu vực mất điện, ảnh hưởng hơn 380.000 người.
Tại khu vực Bicol (đông nam thủ đô Manila), người dân phải rời bỏ nhà cửa khi nước lũ dâng cao tới tận mái nhà.
Chính quyền thị trấn Palanas (tỉnh Masbate) báo cáo về 1 người thiệt mạng sau khi bị cành cây rơi trúng, cũng như 5 người bị thương và 7 người mất tích.