Theo PNS, những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những video chia sẻ về vấn đề “Tết 2024 không nên cúng giao thừa” vì “ngày xấu” hoặc “cổng năng lượng” không tốt.
Quan điểm “Không nên cúng Giao thừa 2024 vì ngày xấu” hiện đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội
Tài khoản MXH C.N. đăng tải video chia sẻ với nội dung như sau: “Năm 2024 này các bạn không nên cúng Giao thừa nha, bởi vì năm nay là năm chuyển giao chuyển vận, chuyển từ vận 8 qua vận 9, là năm KHÔNG VONG. Cái vòng năng lượng của những ngày cuối năm trong vận cuối này rất là xấu. Vì vậy, chúng ta không nên cúng Giao thừa. Vì có rất nhiều chuyện chúng ta không ngờ sẽ xảy ra, những tai ương và kinh tế suy thoái. Bởi vậy, chúng ta không nên cúng Giao thừa, không nên đón năng lượng xấu trong năm nay. Hơn nữa, ngày Giao thừa năm nay rơi vào ngày Giáp Thìn, Thìn Thìn Giáp Giáp, Thìn Thìn cũng là KHÔNG VONG trong đêm Giao thừa cho nên chúng ta không nên cúng Giao thừa”.
Ngoài ra, trong video này còn chia sẻ: “Nên cúng Giao thừa vào ngày nào?”: “Các bạn có thể cúng Giao thừa vào ngày Đông chí, nhưng rất tiếc Đông chí đã qua rồi. Các bạn nào muốn cúng Giao thừa quá thì có thể chọn vài ngày trước đó, như ngày 25 hoặc ngày 27 để cúng Giao thừa và thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên”.
Một tài khoản MXH cũng đăng tải nội dung tương tự như sau: “Năm nay nghênh Thái Tuế hay chào năm mới thì chị B. cũng sẽ bỏ qua công đoạn Giao thừa. Năm nay chị B. không cúng Giao thừa, còn tùy mọi người nhé […] Ngày mùng 1, mùng 2 gọi là ngày Thập ác, không được việc gì cả. Các bạn nhớ lại năm 2021 không, chị B. cũng nói tới ngày 14 là ngày tốt, những người mở hàng trong năm ấy là bị Covid liểng xiểng hết”.
Tháng Chạp là tháng người dân chuẩn bị các công việc và làm bánh, món ngon để dâng lên mâm cỗ đêm Giao thừa. (Ảnh minh họa)
Xin tạm chưa bàn đến vấn đề đúng sai vì niềm tin và quyết định phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người
Để nhìn lại một nét văn hoá đã khảm sâu trong tâm thức của người Việt mấy nghìn năm, từ thuở Lang Liêu thời vua Hùng dâng cúng bánh chưng bánh dày để làm lễ Tết cho đến chuỗi dài các đời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê… và rồi đến thời thái bình thịnh trị mà chúng ta đang sống, Giao thừa ngày Tết là khoảnh khắc thiêng liêng không thể dùng một vài từ để nói hết.
Lịch sử là một quá trình vận động không hồi kết, đi theo quy luật tự nhiên. Con người có Sinh, Lão, Bệnh, Tử, thời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, một năm trải dài 12 tháng chia làm 24 tiết khí, Ngũ thường ở đời có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… cùng rất nhiều những quy luật mà con người khám phá ra và nương theo đó để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Giao thừa là một sự thiêng mà bất cứ người dân nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng khao khát được tề tựu, sum vầy bên gia đình. Giao thừa tựa như một bản lề khép lại năm cũ, mở ra năm mới mà ở đó ai cũng gửi gắm những ước mơ và hy vọng.
Người ta mong chờ khoảnh khắc đón Giao thừa không chỉ để chào tạm biệt năm cũ, mà sau khoảnh khắc Giao thừa ấy người ta có thêm cơ hội để làm lại những gì chưa tốt, buông bỏ những điều cũ và tìm đến những điều tốt lành hơn.
Mà trong đó cúng Giao thừa là một nghi thức truyền thống có từ lâu đời để con người có thể bày tỏ sự thành tâm của mình trước tổ tiên, thần linh và trời đất.
Có thể sự khác biệt về vùng miền, tôn giáo hoặc văn hoá, nhưng trên dải đất hình chữ S này, mỗi nơi sẽ đều có nghi thức riêng để đón chào năm mới. Tùy thuộc điều kiện mỗi gia đình, có nhà chọn cúng Giao thừa, cũng có nhà chọn một hình thức khác. Ai chẳng khao khát năm mới mình có được những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Nhưng chúng ta không bàn đến những điều riêng rẽ, chúng ta hãy nói đến những điều chung của cả đất nước. Từ xa xưa, dưới triều đại các vị vua, việc cúng giao thừa ngày Tết rất được coi trọng và chuẩn bị tươm tất. Người xưa dùng cả tháng Chạp để tất bật chuẩn bị cho mâm cúng đêm Giao thừa thêm đủ đầy. Cả một năm làm việc nỗ lực, vất vả chẳng phải để ngày cuối năm thêm phút thảnh thơi, mâm cỗ gia đình thêm được món ngon và tươm tất hơn hay sao?
Nghi thức cúng Giao thừa đã trở thành nét văn hóa đậm nét trong tâm thức của người Việt. (Ảnh minh họa)
Hình ảnh cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cúng, ông hoặc bố kính cẩn dâng hương cầu khấn bên cạnh những đào, những mai, những quất, bên nén nhang tâm thành và tất thảy các thành viên trong gia đình xin cho gia đạo bình an, một năm mới dồi dào sức khoẻ, tài lộc may mắn. Đó là hình ảnh đẹp đẽ tiếp thêm bao động lực cho mọi người dốc lòng vì một năm phía trước tốt đẹp hơn.
Tương lai có thể chẳng nói trước được điều gì, nhưng việc có điểm tựa tâm linh, có niềm tin vào vận mệnh tốt đẹp của chính mình đôi khi là “cái phao” hữu ích nhất giúp người ta vượt qua bão bùng, sóng gió.
Dù mâm lễ to hay nhỏ, nghi lễ cúng đơn giản hay cầu kỳ, người ta tin rằng mỗi năm sẽ có một vị Hành khiển cai quản. Cứ hết một năm là các vị Hành khiển này thay thế nhau, cũng giống với sự luân chuyển thời gian.
Bất kể có sự kiện gì xảy ra, thời gian vẫn sẽ trôi. Trước kia trong lịch sử có mẩu chuyện nhỏ về vua Trần Minh Tông với việc chọn ngày làm lễ an táng mẹ (được tác giả Tân Việt nhắc đến trong cuốn 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam) rằng vào năm 1332, Thuận thánh Bảo từ Hoàng thái hậu mất. Con là Hoàng Minh Tông lúc đó nhường ngôi cho con là Hiển Tông. Thượng hoàng đã sai các quan chọn ngày chôn cất.
Có người bèn tâu vua rằng: “Chôn năm nay tất hại người tế chủ“. Thượng hoàng liền hỏi: “Người biết sang năm ta nhất định chết à?”. Người đó trả lời không biết. Thấy thế, Thượng hoàng lại nói: “Nếu sang năm trở đi ta chắc chắn không chết thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát, lễ hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương“. Rốt cuộc sau đó vẫn cử hành lễ an táng.
Chẳng nói xa xôi, nhìn lại vài năm gần đây thôi, khi mà đại dịch Covid-19 xuất hiện, mọi người dân trên khắp thế giới như rơi vào “bể khổ”. Mẹ mất con, vợ mất chồng, cả nhà mất nhau. Không thể đếm nổi bao nhiêu người đã rời đi chẳng hẹn ngày trở lại.
Thế nhưng giữa cơn đại dịch bùng phát khắp hành tinh lúc ấy, người ta vẫn nỗ lực tìm ra vắc xin, vẫn truyền hơi ấm cho nhau, động viên, dìu dắt nhau qua những ngày cách ly xã hội tưởng như vô thời hạn. Đi qua những đau thương ấy, chúng ta không thể nào trở lại cuộc sống như trước mà bước vào cuộc sống bình thường mới. Thử hỏi, lúc đó không có niềm tin về một ngày nào đó tốt đẹp hơn, chúng ta sao có thể vượt qua được những ngày đầy tổn thương và mất mát?
Sau khi cúng Giao thừa, đón năm mới, cả nhà quây quần bên nhau để chúc tụng nhau đón những điều lành. (Ảnh minh họa)
Đương nhiên không thể so sánh một nghi thức cúng đêm Giao thừa với một đại dịch bệnh nhưng đặt chúng cạnh nhau để thấy, nghi thức cúng đêm Giao thừa là một nét đẹp truyền thống – nghi thức ấy truyền cho người ta sức mạnh và niềm tin: Đó là hai thứ quyền lực nhất có thể thay đổi cuộc đời.
Giống như chúng ta chẳng thể nào ngờ được đại dịch Covid-19 lại chọn ngày để ập đến hành tinh xanh của chúng ta. Trái Đất vận hành có quy luật của Trái Đất, xã hội và thời đại phát triển cũng theo vận động của riêng mình, chúng ta chỉ có thể thích nghi và đổi mới để đáp ứng được với sự thay đổi của thời gian.
Mỗi một phong tục, tập quán sẽ có sự thay đổi để thích ứng với thời đại, nhưng cũng có những tập tục sẽ còn sống mãi trong tâm thức của người dân. Dù ở thời đại nào, phong tục tập quán cũng là sự phản ánh của văn hoá, là thứ níu giữ người ta gắn chặt với lịch sử, để biết rằng hiện tại ta ở đâu, là ai và viết tiếp những ngày tương lai như thế nào.
Và dù ngày xấu hay ngày tốt, cúng Giao thừa hay không cúng Giao thừa, một năm mới vẫn sẽ đến. Không khí đoàn viên và tính linh thiêng của đêm Giao thừa mang lại cho mọi người cảm giác ấm áp, gắn kết và hy vọng. Đối với nhiều người, đây cũng là dịp để suy ngẫm về những gì đã qua và đặt ra những mục tiêu, dự định cho năm mới.