Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sắp hết hiệu lực cùng giá xe ôtô đang bắt đầu rục rịch tăng trở lại sẽ khiến người tiêu dùng “móc hầu bao” nhiều hơn khi mua xe.
Bắt đầu từ năm 2024, người tiêu dùng Việt sẽ phải mua ôtô với chi phí cao hơn do một số chính sách và nghị định mới thay đổi, đặc biệt là chính sách về giảm lệ phí trước bạ chuẩn bị hết hiệu lực.
Ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, theo đó, kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Như vậy, từ 1/1/2024, khi Nghị định 41/2023/NĐ-CP hết hiệu lực, mức thu lệ phí trước bạ sẽ quay trở về áp dụng theo mức quy định cũ.
Theo đó, mức thu đối ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%, có thể điều chỉnh cao hơn do tuỳ địa phương; còn ôtô pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở <950kg từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ôtô tải VAN (chuyên chở <950kg) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% so với mức của ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống.
Với ôtô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Ngoài lệ phí trước bạ, người mua ôtô còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định Phụ lục I Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Theo đó, mức phí bảo hiểm đối với xe ôtô không kinh doanh vận tải dưới 6 chỗ là 437.000 đồng, từ 6-11 chỗ là 794.000 đồng…
Trong năm 2023, nhiều hãng xe đã phải phát đi lệnh triệu hồi tại thị trường Việt Nam. Trong số đó có những đợt triệu hồi có tác động đáng kể tới khách hàng, bởi số lượng xe bị triệu hồi lớn.
Bên cạnh các lệ phí, người dùng sẽ phải đối diện với việc mua ôtô đắt hơn khi giá bán xe liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo ghi nhận, hàng loạt ôtô lắp ráp, phân phối ôtô trong nước lần lượt điều chỉnh giá niêm yết với nhiều mẫu mã, thậm chí một số mẫu xe đội giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng do tình trạng khan hàng, không có để xe để bán.
Thời điểm hiện tại nếu khách hàng đặt mua một số mẫu xe lắp ráp trong nước “hot” như Hyundai Santa Fe, Tucson, Mazda CX-5 hay Kia Seltos… có thể sẽ không còn được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103/2021 bởi phần lớn các đại lý đều thông báo nếu khách đặt xe ở thời điểm hiện tại phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới có xe để giao. Trong khi đó, thời điểm áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ còn chưa đầy hai ngày.
Không những vậy, Santa Fe, Tucson hay CX-5 cũng đang bị một số đại lý đẩy giá bán tăng thêm khoảng từ 30-80 triệu đồng hoặc gợi ý cho khách hàng mua thêm gói phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm.
Không chỉ bị đại lý đẩy giá để kiếm thêm lợi nhuận, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng là lý do chính đang đẩy giá niêm yết một số dòng xe lắp ráp trong nước tăng. Cụ thể, mới đây Toyota Việt Nam (TMV) đã điều chỉnh giá bán một loạt mẫu xe đang phân phối. Trong đó, các mẫu xe lắp ráp trong nước như Toyota Vios tăng giá 5 triệu đồng, các phiên bản của Innova cũng tăng giá từ 5-6 triệu đồng; Mazda tăng giá mẫu Mazda 2 từ 28-35 triệu đồng, CX-30 tăng 30 triệu đồng tuỳ phiên bản…
Đáng chú ý ở phân khúc ôtô hạng sang, từ trung tuần tháng 11/2023, Mercedes-Benz Việt Nam đã công bố tăng giá 5 mẫu xe sang nhập khẩu nguyên chiếc là: GLE 450 4Matic, GLS 450 4Matic, GLE 53 AMG Coupe, GLS 480 Maybach và GLS 600 Maybach, từ 50-120 triệu đồng.
Ngoài việc tăng giá bán, một số dòng xe còn bị đại lý, nhà sản xuất cắt giảm ưu đãi so với những tháng trước đây. Đơn cử, Mitsubishi Pajero Sport sản xuất năm 2022, tháng trước được giảm giá sâu đến 220 triệu đồng, nay không còn nữa; Honda CR-V trước đây ưu đãi lên đến 110-120 triệu đồng nhưng hiện chỉ được giảm giá khoảng 30-40 triệu đồng…/.