Nguyễn Ngọc Ngạn đã gửi tâm sự trong những dòng cuối của tập hồi ký văn nghệ viết xong vào cuối năm 1994 rằng: “Mong ước của tôi vẫn là một ngày nào đó được ngồi viết văn, được làm văn nghệ trên sân khấu quê nhà. Mà dĩ nhiên, phải là một quê nhà thật sự tự do, dân chủ.
Nguyễn Ngọc Ngạn là một hiện tượng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Ông là một nhà văn có nhiều độc giả, từ khi có những sáng tác đầu tiên đăng trên báo tiếng Việt ở hải ngoại vào đầu thập niên 1980, chỉ một hai năm sau khi ông vượt biển đến trại tị nạn ở Mã Lai và định cư ở Canada từ mùa hè 1979.
Ông cũng là nhà văn Việt ở hải ngoại có sách bằng tiếng Anh được xuất bản đầu tiên tại Hoa Kỳ là tác phẩm “The Will of Heaven” [Nhà xuất bản Dutton, 1982] viết về trại học tập cải tạo, về sinh hoạt đời sống tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975 dưới chế độ chủ nghĩa xã hội.
Khán giả quen thuộc với hình ảnh của ông Nguyễn Ngọc Ngạn trên sân khấu Thúy Nga
Không ý tưởng cao siêu hay triết lý mơ hồ, các truyện ông viết chỉ hàm chứa những điều thường ngày, phảng phất nét văn hoá, phong tục hay truyền thống, kể cả hủ tục của người Việt. Truyện của ông ít có mặt trên các tạp chí văn học mà thường đăng trên các báo mang tính đại chúng như Văn Nghệ Tiền Phong, Nhân Chứng, Việt Nam Hải Ngoại, Làng Văn, Chiêu Dương, Tiểu Thuyết Nguyệt San, Phụ Nữ Diễn Đàn… vì thế ông có đông độc giả ở khắp nơi, từ Hoa Kỳ, Canada, sang Úc châu, Âu châu.
Khi chưa có YouTube và phương tiện truyền thông xã hội còn là những tờ báo in, những tạp chí, tôi đoán một tác phẩm ăn khách nhất của ông, tái bản nhiều lần, có số in nhiều cũng chừng mười nghìn bản. Nhưng từ thập niên 1990 khi ông làm CD đọc truyện thì số độc giả càng đông hơn vì họ có thể nghe sáng tác của ông khi lái xe hay trong lúc đi bộ thể thao.
Bây giờ vào google tìm, nhiều tác phẩm của ông trên Youtube có đến vài triệu lượt nghe, xem. Khó có nhà văn người Việt nào, còn trong nước hay ở hải ngoại đạt được những con số như thế.
Cuối năm 1979, tôi tình cờ có dịp gặp anh Nguyễn Ngọc Ngạn, khi mấy anh em sinh viên Đại học UC Berkeley lái xe lên Vancouver thăm người hàng xóm của một bạn học, là anh Vũ Mạnh Hải, mới từ trại tị nạn Bidong qua Canada định cư, cũng như anh Nguyễn Ngọc Ngạn.
Vào những năm đầu của thập niên 1980, tôi đã thích các truyện ngắn của ông đăng trên báo. Đó là những câu chuyện đọc qua nhiều người sẽ thấy hình ảnh của mình trong đó, từ một bác sĩ, một ông cựu quân nhân, cô ca sĩ, một bà thích xem bói vì mê tín dị đoan tin vào tử vi, một chủ cơ sở thương mại ở California, cặp vợ chồng lãnh trợ cấp xã hội, một Việt kiều; hay một y sĩ, bác sĩ, quản giáo, một người tù cải tạo dưới chế độ cộng sản đều hiện diện rất sinh động trong tác phẩm của ông.
Một ý tưởng vụt hiện trong đầu hay nghe thấy, hoặc do ai đó gợi lên, ông lấy ý và xây dựng cốt truyện, nhân vật. Các nhân vật trong truyện của ông nửa thật, nửa hư cấu nên cũng có ít nhiều trùng hợp ngẫu nhiên khiến có bạn đọc tưởng là ông viết về họ, như trường hợp bốn nữ văn sĩ nọ. Cũng như ca từ Trịnh Công Sơn mông lung về một mối tình, về hình bóng một thiếu nữ khiến nhiều cô tưởng nhạc sĩ viết về mình, cho mình.
Trớ trêu trong cuộc sống dưới chế độ cộng sản
Truyện của ông đặt trong không gian ở quê nhà, trải dài từ những năm 1950 trong “Xóm đạo”, “Mầu cỏ úa”, cho đến sau ngày 30/4/1975 ở miền nam California nắng ấm, hay Canada xứ lạnh, nhưng không phải lúc nào cũng đầy ắp tình người, như truyện “Ngày trở lại” với âm mưu giết chồng cũ để lấy tiền bảo hiểm nhân thọ.
Những đối thoại rất thật và tự nhiên, nhiều lúc làm độc giả phải cười vì những trớ trêu trong cuộc sống dưới chế độ cộng sản. Nhiều tác giả khác cũng viết về một câu chuyện, hay về những cái ngây ngô, ngớ ngẩn, kém hiểu biết, chỉ nói như vẹt của cán bộ cộng sản, nhưng không mấy ai viết dí dỏm được như Nguyễn Ngọc Ngạn.
“Một ngày ở bên ấy” và “Bước thêm bước nữa” viết về trại học tập cải tạo, về trình độ kém hiểu biết của cán bộ cộng sản và hay đa nghi nên lúc nào cũng cho là phản động, CIA cài người. Một tù nhân bị chất vấn nhiều lần vì cho rằng tên không có tên lót là động chạm đến lãnh đạo. Chính trị viên tiểu đoàn giảng bài cho tù cải tạo nghe, so sánh: “Đồng chí Lê Duẩn nói rất dài, nhưng không thừa một chữ nào! Đồng chí Phạm Văn Đồng nói rất ngắn, nhưng không thiếu một chữ nào! Hai đồng chí ấy đối lập nhau!” khiến một tù nhân ré lên cuời để rồi bị bắt phạt lao động thêm giờ. Chuyện Lạc Long Quân lấy bà Triệu Ẩu. Đọc mà cười ra nước mắt.
Hình ảnh và trình độ của y sĩ, bác sĩ cộng sản được ông đưa vào truyện ngắn “Ven rừng” viết năm 1994 vừa khôi hài vừa châm biếm qua sự việc con lợn bất thình lình chết, với lời thơ chế: “Tin đâu như sét đánh ngang, con lợn đang sống chuyển sang từ trần.”
Khi Việt Nam mở cửa, người Việt hải ngoại được về thăm quê hương, có người vui và cũng có gia đình buồn vì tan nát. “Ngày trở lại” đã miêu tả điều đó qua đôi vợ chồng người Việt ở Canada, mà theo tác giả: “Bao nhiêu gia đình đang êm ấm ở hải ngoại, hễ để cho ông chồng về nước một mình là kể như bắt đầu ngày tàn của hạnh phúc”.
Chuyện chống cộng trong “Trên lối mòn hậu chiến”. Chuyện sử Việt qua “Mầu cỏ úa” về xã hội miền Bắc vào thập niên 1950. “Trong quan tài buồn” về những chính sách sửa sai sau cải cách ruộng đất.
Các tác phẩm của ông thu hút đông độc giả nên ông Tô Văn Lai, giám đốc trung tâm Thúy Nga, đã mời nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn làm MC cho các chương trình Paris By Night.
Trong tập “Một thập niên nhìn lại” nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể rằng khi được mời làm MC, sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, một trong những lý do ông nhận việc này, theo đề nghị của người em ruột là nhạc sĩ Ngọc Trọng, khuyên ông nên xuất hiện trên Paris By Night ít nhất một lần để cho thân phụ, đã 82 tuổi, còn ở Việt Nam thấy mặt và giọng nói của ông sau bao năm xa cách.
Bắt đầu từ Paris By Night 17, phát hành năm 1992 là có sự cộng tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong vai trò MC.
Cho đến nay, Thúy Nga hải ngoại đã tròn 40 tuổi, với 132 cuốn băng được thực hiện với nhiều chủ đề, Paris By Night đã là thương hiệu có trong mọi gia đình người Việt tại hải ngoại.
Trong vai trò MC cho các sô ca nhạc, hình ảnh của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở nên gần gũi với quần chúng, bên cạnh cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên đôi khi nói nhiều hiểu ít đã đem đến cho khán giả những nụ cười trong khi chờ đợi đổi màn trên sân khấu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn là người Bắc di cư năm 1954, thời trẻ tham gia hoạt động sinh viên, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, có thời gian là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà, dạy Việt Văn bậc trung học. Sau 1975 có mấy năm ông đi học tập cải tạo và trong chuyến vượt biển cuối năm 1978 người vợ cùng con duy nhất của ông đã chết trên biển. Tất cả những trải nghiệm đó làm nên con người ông, cho ông chất liệu sáng tác gần một trăm tác phẩm nhiều thể loại.
Trước đây ông ít được biết đến trong nước, vì chính thức thì Paris By Night không được phép lưu hành tại Việt Nam. Vào những năm bản lề của thiên niên kỷ, các băng Paris By Night có mặt tại Việt Nam đều là sao chép lậu để bán hay cho thuê. Qua trải nghiệm của riêng mình, tôi được xem vài băng trong nhà người quen ở Sài Gòn thì chỉ có các tiết mục ca nhạc, còn phần MC giới thiệu đã bị cắt bỏ. Theo một người chuyên cho thuê băng cho biết, đó là làm ăn thương mại có tự kiểm duyệt để tránh gặp rắc rối với nhà nước.
Ngày nay qua YouTube, Facebook thì không thể kiểm duyệt nội dung hay ngăn cấm người trong nước xem các chương trình của Thúy Nga Paris By Night, của các trung tâm băng nhạc hải ngoại.
Là người của công chúng nên ông không tránh khỏi những chỉ trích, gièm pha hay chống phá.
Paris By Night 40 chủ đề “Mẹ” với hình ảnh thiên lệch về Quân lực Việt Nam Cộng hòa lồng ghép trong ca khúc “Ca dao mẹ” đã khiến một số người phẫn nộ, kéo đến biểu tình trước trung tâm Thúy Nga ở Little Saigon, Quận Cam.
Cuối năm 1997 tôi có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, ông nhận xét: “Băng Paris By Night 40 là một biến cố ồn ào nhất trong hơn 20 năm qua tại hải ngoại… Anh hỏi tôi đánh giá sự kiện đó như thế nào thì tôi chưa tìm được câu trả lời. Nhìn bề mặt, tôi chỉ thấy rõ một điều ngạc nhiên là: Đối với những cuốn băng tuyên truyền đích thực của cộng sản thì người ta coi rất nhẹ, đánh giá rất thấp. Trong khi đó, một khuyết điểm của băng Thuý Nga thì lại tạo nên một trận cuồng phong. Tôi thấy sự kiện này không thể dùng lý luận chính trị để cắt nghĩa được.” [Thời Báo Xuân Mậu Dần 1998, San Jose]
“Tôi không có ý định về Việt Nam”
Được biết đến nhiều nhất qua vai trò MC, nhưng có lẽ ít người biết nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn không ngần ngại nói lên quan điểm của mình qua những phân tích và nhận định.
“Một thập niên nhìn lại” phát hành năm 1994 là nơi ông ghi lại những sinh hoạt, gặp gỡ và cảm nghĩ của mình, từ văn học, nghệ thuật, chính trị đến xã hội, truyền thông báo chí trong giai đoạn 1982-1992.
Ông phản đối việc phổ biến tác phẩm của những nhà văn trong nước mà một số người cho là phản tỉnh, hay những văn nghệ sĩ có chủ trương hoà giải với cộng sản. Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương theo ông vẫn chưa phải là sáng tác trong tự do, mà chỉ ra đời khi được nhà nước cho phép. Chỉ thơ Nguyễn Chí Thiện viết trong tù nhưng trong tự do tư tưởng của chính tác giả mới là văn chương phản kháng địch thực.
Khi làm chủ tịch Văn bút Việt Nam Hải ngoại, từ 1989 đến 1991, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã phản đối dự án vinh danh Hồ Chí Minh của UNESCO, phản đối trung tâm William Joiner Center của Đại học Boston có chương trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam mà chỉ muốn giao tiếp với văn thi sĩ miền Bắc mà không thực sự quan tâm đến những tác giả của phía Việt Nam Cộng hòa.
Ông cũng đã vận động với các chính phủ để can thiệp cho văn nghệ sĩ còn bị cầm tù, cho những thuyền nhân vượt biển được tạm cư thay vì trục xuất về Việt Nam.
Là một MC nổi danh, là tác giả của nhiều tác phẩm phản ánh thực tế những bất công, xấu xa trong chế độ cộng sản, ảnh hưởng của ông có sức lan toả nhanh chóng.
Để hóa giải ảnh hưởng của ông, Hà Nội mời ông về nước. Nhưng từ lâu ông đã không có ý định về Việt Nam. Năm ngoái, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt ông xác nhận:
“Chính quyền cũng đã liên lạc với tôi nhiều lần qua các Đại sứ quán, cũng như Tổng lãnh sự ở Mỹ và Canada, tức là không phải chỉ là bầu show không mà bên phía chính quyền Việt Nam cũng có ý mời tôi về. Còn về bầu show, áp lực nhiều nhất mà mời tôi về là lúc cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên về Việt Nam, họ mong tôi về chung với cô Kỳ Duyên. Tôi không có ý định về, khi mà tôi sang trình diễn tại Campuchia, khi đó bầu show từ Hà Nội, họ bay thẳng cả sang Campuchia điều đình, họ mời tôi về, nhưng mà tôi lại không có ý định về Việt Nam…”
Ông đã gửi tâm sự trong những dòng cuối của tập hồi ký văn nghệ viết xong vào cuối năm 1994 rằng: “Mong ước của tôi vẫn là một ngày nào đó được ngồi viết văn, được làm văn nghệ trên sân khấu quê nhà. Mà dĩ nhiên, phải là một quê nhà thật sự tự do, dân chủ.”
Mấy tuần trước, khi ông Tô Văn Lai qua đời nhiều báo trong nước loan tin nhưng sau đó phải gỡ bỏ những bài báo về ông và trung tâm Thúy Nga.
Như thế làm sao MC Nguyễn Ngọc Ngạn có thể nghĩ đến chuyện về Việt Nam.