Người dân có thể sang tên xe máy không cần chủ cũ tương tự các bước theo thủ tục “sang tên xe đối với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều tổ chức, cá nhân”.
Theo quy định tại Điều 31 Thông tư 24/2023/TT-BCA, các bước thực hiện thủ tục sang tên xe máy không cần chủ cũ như sau:
Bước 1: Làm thủ tục thu hồi
Người đang sử dụng xe đến cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký chiếc xe để làm thủ tục thu hồi. Sau đó, kê khai giấy khai thu hồi đăng ký, biển số xe trên cổng dịch vụ công. Tiếp đến, cung cấp mã hồ sơ online và nộp hồ sơ giấy kèm theo biển số xe, giấy đăng ký xe.
Sau khi xác nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe cấp chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe.
Trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ và cơ quan đăng ký sang tên xe là một thì người đang sử dụng xe không phải làm thủ tục thu hồi. Thay vào đó chỉ cần nộp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe khi làm thủ tục sang tên.
Bước 2: Làm thủ tục sang tên xe máy không cần chủ cũ
Người đang sử dụng xe làm thủ tục sang tên xe tại cơ quan đăng ký xe nơi thường trú hoặc tạm trú. Công an cấp xã nơi cư trú thực hiện sang tên xe máy. Công an cấp huyện nơi cư trú thực hiện sang tên xe ôtô.
Hồ sơ sang tên xe bao gồm: Giấy khai đăng ký xe (Ghi rõ quá trình mua bán và cam kết, chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe), chứng từ lệ phí trước bạ, chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (có dán bản chà số máy, số khung xe có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký xe).
Bước 3: Người có nhu cầu sang tên xe sẽ được nhận giấy hẹn trong 30 ngày. Cơ quan chức năng sẽ xác minh dữ liệu đăng ký xe.
Bước 4: Nhận kết quả sang tên xe
Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe cho người đang sử dụng xe.
Có thể tạm giữ phương tiện nếu chưa sang tên xe
Nếu người điều khiển phương tiện không có giấy tờ chứng minh sở hữu chiếc xe (có thể do chưa sang tên xe), phương tiện có thể bị tạm giữ.
Điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
“4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;”
Như vậy, khi không sang tên xe máy cũ, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điểm a Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) lực lượng chức năng được phép tạm giữ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự khác trước khi ra quyết định xử phạt trong những trường hợp vi phạm sau:
– Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
– Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe;
– Dùng chân điều khiển xe
– Ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe
– Thay người điều khiển khi xe đang chạy
– Quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
– Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
– Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
– Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ ngưỡng không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu trở lên hoặc từ ngưỡng không vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở trở lên;
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
– Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Có thể thấy, việc chưa sang tên xe máy cũ không nằm trong trường hợp được phép tạm giữ xe máy. Tuy nhiên, lực lượng chức năng có thể tạm giữ phương tiện nếu người điều khiển phương tiện chưa xuất trình đủ giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với chiếc xe.
Do đó, nếu bị tạm giữ xe do chưa sang tên, người vi phạm cần đóng phạt đối với vi phạm, kèm theo đó và chuẩn bị các giấy tờ liên quan để xác minh chủ xe mới được nhận lại xe.
“Các giấy tờ để chứng minh gồm hợp đồng mua bán, đăng ký xe cùng các giấy tờ khác có liên quan. Nếu lái xe không chứng minh được quyền sở hữu, lực lượng chức năng hoàn toàn có cơ sở để tạm giữ phương tiện bởi có dấu hiệu phạm tội. Nếu bị mất hợp đồng mua bán, phải liên hệ với người lập hợp đồng để xác minh việc mua bán xe là hợp pháp” – chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà) cho biết.