Nữ tiến sĩ vô cùng mệt mỏi khi lịch làm việc bận rộn mà mức lương rất ít. 6 triệu/tháng có khi chẳng đủ chi phí tiêu xài cá nhân.
Tôi là người rất thực tế và ngày càng thực tế hơn nữa khi ra đời đối diện với cơm áo gạo tiền. Tôi biết nước mình có rất nhiều người tài, đặc biệt là qua mỗi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lại cần thấy các em học sinh thông minh, giỏi giang đến mức nào. Năng lực cá nhân nổi bật như vậy, quán quân của chương trình còn được du học nước ngoài nhưng việc lựa chọn ở lại hay về nước làm việc đều nhận rất nhiều ý kiến khen chê từ dư luận.
Người ta cho rằng, phải quay về nước cống hiến sức lực và chất xám thì mới gọi là đúng đắn, được lòng số đông. Thế nhưng không ai cam đoan rằng những tài năng này sẽ được trả lương phù hợp với năng lực, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và có tương lai phát triển lâu dài trong công việc. Nếu không có thu nhập tốt, họ lấy gì để nuôi bản thân, gia đình và làm sao đảm bảo cuộc sống sau này?
hình ảnh
Qua mỗi năm, việc các người tài có về nước làm việc hay không đều rất được quan tâm. Ảnh minh họa: VTV
Câu chuyện về lương bổng, chế độ đãi ngộ luôn là điều khiến bao người quan tâm. Chỉ có trách và trách nếu nghe ai đó ở lại nước ngoài làm việc. Nhưng chẳng ai dám đảm bảo cuộc sống của những cá nhân kia được sung túc nếu về lại Việt Nam.
Mới đây có nữ tiến sĩ đăng tải than thở trong fanpage của những người làm nghiên cứu khoa học, tiến sĩ. Người này cho biết bản thân đang là giảng viên của một trường ĐH công lập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mới đi học tiến sĩ nước ngoài về nhưng lương quá thấp nên mong muốn có thể làm nghiên cứu bán thời gian ở một tổ chức/trường nào đó.
Tiến sĩ này viết: “Em mới tốt nghiệp tiến sĩ về và đi dạy tại một trường công. Mức lương thấp (6 triệu), tiền thưởng công bố cũng thấp và rất khó mới nhận được. Em có 5 công bố SSCI ngành quản lý, gồm 3 bài báo Q1 (2 bài độc lập, 1 bài đồng tác giả), 1 bài báo Q2 (độc lập) và 1 Q4 (độc lập) và có khả năng nghiên cứu độc lập. Em mong muốn có thể làm nghiên cứu bán thời gian của một trường/tổ chức khác để kiếm thêm thu nhập”.
hình ảnh
Nữ tiến sĩ cho biết cô du học lĩnh vực quản lý vận tải bằng học bổng tự tìm kiếm. Trong lúc học, trường ĐH có đóng bảo hiểm và trả lương 1 triệu/tháng và trước khi đi đã cam kết sẽ về công tác tại trường 10 năm, nếu không sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền trường cấp (khoảng hơn 100 triệu đồng).
“Mỗi năm mà dạy vượt thì 100 giờ cũng chỉ được trả 7 triệu đồng. Chỗ tôi cũng không có trường tư ngoài để xin đi dạy. Chưa kể lịch dạy ở trường kín tuần, lại thêm công việc cố vấn học tập, hướng dẫn sinh viên… Tôi cũng đang cân nhắc việc chuyển sang trường khác vì lương hiện tại thấp và trường cũng không mặn mà gì với nghiên cứu khoa học”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Những lời tâm sự của nữ tiến sĩ đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Nếu sự thật đúng như những gì cô nói thì với mức lương, chế độ đãi ngộ như thế này, ở lại cống hiến 10 năm là không có đường phát triển:
– Muốn thu hút nhân tài thì phải tạo cơ chế thông thoáng cho người tài có thể làm việc và chí ít là đảm bảo thu nhập để lo cho gia đình. Nếu không thì đừng trách họ du học xong thì ở lại làm việc nước ngoài luôn, trách họ không chịu “cống hiến”. Không thể có thứ logic mâu thuẫn như vậy được.
– Mức lương này thì công nhân cũng bỏ của chạy lấy người chứ đừng nói là Tiến sĩ.
– Lương chỉ vỏn vẹn 6 triệu/tháng! Có lẽ còn thấp hơn lương phụ hồ nhiều nơi. Quả là chất xám rẻ hơn bèo, thua xa các bác tài xe công nghệ và chẳng bằng thu nhập lao động chân tay bậc thấp…
– Dân lao động tự do (không yêu cầu biết chữ) mỗi tháng ít nhất 7,5 triệu (nghỉ chủ nhật hàng tuần), hàng ngày đi làm khỏi phải chuẩn bị dụng cụ gì tối về ngủ khỏe. Còn ở đây học tới tiến sĩ mà lương 6 triệu đồng tháng thì thật là lạ.
Cho nên theo ý tôi, làm gì cũng phải nghĩ thật kỹ, nhìn xa và thực tế. Phải xác định rõ mục tiêu của bản thân và tình trạng xã hội như thế nào. Học lên càng cao thì càng phải có đất dụng võ chứ đừng chỉ biết đến bằng cấp, giấy tờ. Thời nay không phải cứ ôm bằng thạc sĩ, tiến sĩ về nước rồi nghĩ rằng mình sẽ được chào đón, sẽ có lương bổng hơn người. Ngay cả việc xác định ngành học cũng phải xét trên nhiều chiều. Nếu gia đình không có điều kiện kinh tế thì càng phải nghĩ cho thật kỹ trong mỗi bước đi.
Tóm lại, người có tài thì dù ở nước mình hay nước ngoài đều có thể cống hiến được. Đừng bắt ai phải nai lưng ra cống hiến trong khi bản thân mình lại vô dụng, chẳng giúp được gì cho gia đình và xã hội. Không ít thì nhiều, ai cũng có áp lực riêng mà cứ đòi hỏi người khác phải cống hiến, phải hy sinh, phải xả thân trong khi thực tế họ cần gì, kế hoạch ra sao, điều kiện kinh tế, gia đình họ như thế nào thì chẳng ai chịu hiểu giùm.