Bạn có thể tự giâm cành cây hoa giấy tại nhà chỉ với vài thao tác đơn giản, thậm chí không dùng đất vẫn có thể thực hiện được mà tỷ lệ sống của cành hoa giấy lại rất cao.
Hoa giấy là loài hoa có nguồn gốc từ Brazil và được du nhập vào các nước khác. Loại cây này đặc biệt thích khí hậu nhiệt đới. Vì vậy, ở Việt Nam, cây hoa giấy có thể sinh trưởng rất nhanh, liên tục ra hoa. Cây này được trồng ở rất nhiều nơi trên cả nước để làm cảnh, trang trí nhà cửa, để lấy bóng mát.
Cách nhân giống cây hoa giấy rất đơn giản. Bạn có thể giâm cành để tạo ra cây hoa giấy mới với tỷ lệ sống rất cao.
Nếu muống giâm cành hoa giấy, bạn có thể tham khảo một trong hai cách dưới đây.
Cách 1
Đầu tiên, bạn cần chọn cành hoa giấy bánh tẻ khỏe mạnh (cành không quá già, không quá non). Cắt cành thành từng đoạn dài khoảng 15-30cm. Cắt bỏ phần lá. Ngâm các cành này vào trong nước kích rễ khoảng 15 phút.
Trong lúc đó, bạn sẽ chuẩn bị thêm một ít giấy vệ sinh sạch, có khả năng thấm hút nước tốt.
Lấy giấy vệ sinh quấn quanh phần gốc của cành. Tưới nước để làm ẩm giấy vệ sinh. Cho các cành hoa giấy được bọc trong giấy vệ sinh vào hộp kín. Nếu thời tiết nóng bức, vào buổi trưa, bạn hãy mở nắp hộp để thông gió.
Hàng ngày, cần kiểm tra các cành hoa giấy và phun thêm nước nếu giấy vệ sinh bị khô để duy trì độ ẩm cho cành cây. Khi thấy giấy vệ sinh chuyển sang màu vàng, bạn hãy bỏ giấy cũ đi và thay bằng giấy mới.
Sau khoảng 7 ngày, cành hoa giấy sẽ ra rễ. Đến thời điểm này, bạn có thể cho cành hoa giấy (cả phần giấy vệ sinh cuốn bên ngoài) vào chậu đất. Giấy vệ sinh sẽ tự phân hủy, rễ cây sẽ tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn.
Cách 2
Bạn cũng chọn những cành hoa giấy bánh tẻ như cách trên và cắt thành các đoạn 15-30cm. Dùng dao tách khoảng 1cm lớp vỏ bên ngoài của cành giâm (chỉ bóc ở phần gốc).
Lấy giấy vệ sinh sạch nhúng nước và quấn quanh phần gốc. Lấy một miếng nilon đen sạch quấn bên ngoài lớp giấy vệ sinh. Cách này sẽ giúp giữ ẩm tốt hơn. Ngay cả khi bạn quên không xịt nước vào cành giâm thì nước bên trong giấy sẽ vẫn giữ được trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đó, cành giâm sẽ bén rễ.
Khi cành giâm đã ra rễ, hãy bóc bỏ phần nilon và chuyển cành vào trong chậu đất.