Theo bác sĩ, chấn thương của cầu thủ bóng đá Nguyễn Xuân Son là loại chấn thương rất thường gặp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Báo Dân trí ngày 06/01 đưa thông tin với tiêu đề: “Chấn thương của Nguyễn Xuân Son điều trị thế nào, có trở lại được đỉnh cao?” cùng nội dung như sau:
Tối 5/1, hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá nước nhà vỡ òa khi đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan trong trận lượt về chung kết AFF Cup 2024, lên ngôi vô địch lần thứ 3.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, đội tuyển Việt Nam cũng chịu tổn thất không nhỏ khi tiền đạo chủ lực Nguyễn Xuân Son bị chấn thương rất nặng, phải rời sân ngay thời gian đầu trận đấu.
Cụ thể, ở phút 32, Nguyễn Xuân Son trong nỗ lực chuyền bóng cho đồng đội đã ngã khá mạnh xuống mặt sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Cú ngã này khiến phần dưới chân phải của Xuân Son bị gập.
Nguyễn Xuân Son sau đó được đưa lên xe cấp cứu đến thẳng bệnh viện tại Bangkok. Kết quả chụp phim tại đây cho thấy, nam tuyển thủ bị gãy xương ống đồng và gãy xương mác. Cầu thủ này buộc phải cố định chân phải trong một thời gian.
Ngay sau khi trận đấu kết thúc, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã vào bệnh viện thăm Xuân Son. Sau khi thảo luận cùng các bác sĩ, VFF quyết định đưa tiền đạo tuyển Việt Nam về nước điều trị.
Nhiều cổ động viên bày tỏ nỗi lo lắng lẫn thắc mắc chấn thương của Nguyễn Xuân Son nặng đến mức nào, mất bao lâu để hồi phục và có cơ hội trở lại bóng đá đỉnh cao hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Chí Khôi, khoa Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, dựa vào hình ảnh trên sân và ảnh chụp X-quang, chấn thương của Nguyễn Xuân Son được chẩn đoán là gãy kín 1/3 dưới 2 xương cẳng chân trái.
Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách kết hợp xương mác bằng nẹp ốc, đóng đinh nội tủy kín có chốt xương chày.
Theo bác sĩ Khôi, chấn thương mà cầu thủ bóng đá Nguyễn Xuân Son gặp phải là loại chấn thương rất thường gặp, xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Một trường hợp gãy 2 xương chân từng được bác sĩ Khôi phẫu thuật (Ảnh: BS).
Có thể kể đến như do tai nạn giao thông; tai nạn lao động té thang, té trên cao; tai nạn sinh hoạt (như té cầu thang tại nhà hay tại chỗ làm); tai nạn thể thao ở các môn mang tính đối kháng cao như võ thuật, đá banh, bóng bầu dục; do đả thương (bị người khác dùng vật cứng đánh thẳng vào cẳng chân).
Với tổn thương nêu trên, các phẫu thuật viên chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình ở Việt Nam hoàn toàn có thể phẫu thuật và điều trị tốt cho bệnh nhân.
Theo đó, ở ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Ngày thứ 2, bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau, giảm phù nề, nằm nghỉ kê cao chân. Ngày thứ 3, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu vận động tại giường.
Từ ngày 4 trở đi, bệnh nhân được tập đi nạng chống mạnh chân đau hay chống nhẹ, tùy thuộc vào sự đánh giá kết quả chụp X-Quang sau phẫu thuật. Thời gian quay lại tập luyện nhẹ và tăng dần lên tập nặng là 3-6 tháng tùy thuộc vào vật lý trị liệu và sự cố gắng của bệnh nhân.
Bác sĩ Khôi khuyến cáo, ngoài tổn thương chính là gãy 2 xương cẳng chân, bệnh nhân có thể gặp những tổn thương kèm theo khác, như tổn thương phức hợp dây chằng 2 khớp lân cận (gối hoặc cổ chân).
Do khối máu tụ lớn từ năng lượng chấn thương lớn, bệnh nhân cũng có thể bị đe dọa chèn ép khoang gây hư các nhóm cơ. Một tình trạng khác là việc gãy hở xương, do đầu xương gãy đâm thủng da.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chia sẻ thêm, dựa vào hình ảnh biến dạng chân, Nguyễn Xuân Son đã bị gập đột ngột vị trí phần 1/3 dưới cẳng chân.
Nếu chỉ gãy xương, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh sau điều trị. Nếu thuận lợi, Nguyễn Xuân Son có thể sớm trở lại với bóng đá đỉnh cao.
Tiếp đến, báo VTC News ngày 05/01 cũng có bài đăng với thông tin: “Nguyễn Xuân Son nguy cơ nghỉ thi đấu 8 tháng”. Nội dung được báo đưa như sau:
Theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử VTC News đang tác nghiệp tại Thái Lan, Nguyễn Xuân Son gặp chấn thuơng rất nặng. Anh bị gãy 2 đoạn xương ống đồng chân phải và rời xa sân cỏ trong 5-8 tháng.
Thời gian nghỉ thi đấu dài hay ngắn còn tùy thuộc vào quá trình phẫu thuật và tập hồi phục của tiền đạo sinh năm 1997. Một người bạn của Xuân Son cho biết anh rất đau và buồn bã nhưng vẫn cố gượng cười.
Pha bóng này, khó có thể trách ai khi Xuân Son nỗ lực để chuyền bóng nhưng bất thành và gặp chấn thương. Thêm vào đó, lịch trình dày đặc kéo dài khiến các cầu thủ sa sút thẻ lực, đôi khi tính toán xử lý trong pha bóng không còn chính xác như trước đây.
Xuân Son ôm mặt đau đớn.
Câu lạc bộ chủ quản của Xuân Son là Nam Định thông báo sẽ lo cho Nguyễn Xuân Son những gì tốt nhất.
Xuân Son bỏ dở trận chung kết. Tuy nhiên, anh vẫn được vinh danh trong lễ trao giải. Tiền đạo của đội tuyển Việt Nam ghi bàn nhiều nhất AFF Cup 2024 với 7 pha lập công. Trận chung kết lượt về gặp Thái Lan là lần duy nhất anh không ghi bàn trong 5 trận đầu tiên ra sân cho đội tuyển Việt Nam.
Ngoài ra, Xuân Son cũng là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Do tiền đạo này đang trong bệnh viện. Đội trưởng Đỗ Duy Mạnh và đội phó Nguyễn Quang Hải làm đại diện nhận thay 2 giải thưởng cho Xuân Son.
Khi đội tuyển Việt Nam mừng chiến thắng trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2024, Nguyễn Xuân Son vẫn nằm trên xe cáng trước phòng cấp cứu ở bệnh viện. Tiền đạo này xem đồng đội chiến đấu và nâng cúp qua màn hình điện thoại của bạn gái.
Nhiều khán giả cầu mong tiền đạo số 12 sẽ sớm bình phục và trở lại sân cỏ. “Đổ máu gãy xương cho màu áo đỏ, anh là người Việt Nam rồi”, “Đang đứng trên đỉnh sự nghiệp luôn mong mọi thứ sẽ ổn với anh Son”, “Thương quá trời ơi, mong anh sớm quay lại”; “Mong là chấn thương có thể hồi phục, chứ có những chấn thương nặng đi luôn sự nghiệp. Quá buồn và thương”.
Theo kế hoạch, đội tuyển Việt Nam về nước trưa nay (6/1). Đội ngũ y tế của đội tuyển Việt Nam đang tính toán phương án phẫu thuật ngay tại Thái Lan hoặc về Việt Nam điều trị.