Mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể 11 bước đăng ký thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua mạng (online) nhưng nhiều người vẫn đến đăng ký trực tiếp.

Ngày 11.2, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã họp thống nhất việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, dự kiến trước ngày 19.2. Tuy nhiên, đến ngày 19.2, việc chuyển giao nhiệm vụ chưa được tiến hành.
Sáng 19.2, tại số 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội nhiều người dân vẫn đến cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX).
Một cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước đây, mỗi ngày tại đây có từ 150 đến 180 người đến làm thủ tục cấp đổi GPLX nhưng từ khi có thông tin hôm nay (19.2.2025), việc cấp đổi chuyển sang cơ quan công an thì đông hơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 230 người.
“Để giảm tải áp lực cấp đổi GPLX, TP Hà Nội đã triển khai 13 điểm cấp đổi tại bộ phận 1 cửa tại các quận huyện, và triển khai làm qua mạng (online) nhưng người dân vẫn đến Sở GTVT để thực hiện”, vị này cho hay.
Người dân lấy số thứ tự làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Minh Hạnh
Để giúp người dân thực hiện tốt hơn việc cấp đổi GPLX qua mạng, UBND TP Hà Nội đã có hướng dẫn người dân tự cấp đổi giấy phép lái xe ôtô online với 11 bước đơn giản tại nhà.
Theo đó, chậm nhất sau 3 ngày đăng ký trên trang thông tin điện tử, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được sắp xếp lịch hẹn và thông báo đến người đăng ký qua hộp thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại; nếu hồ sơ không hợp lệ người đăng ký cũng được thông báo rõ lý do.
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng (trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), việc thực hiện cấp đổi GPLX qua mạng rất đơn giản, quan trọng nhất là việc khám sức khỏe. Nếu người dân không khám sức khỏe tại những cơ sở, bệnh viện uy tín thì sẽ không kết nối được.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Hồng Giang – Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) -cho hay, nếu người dân khám không đúng nơi hoặc mua giấy khám sức khỏe trôi nổi, khi nộp hồ sơ xin cấp, đổi GPLX sẽ bị trả lại.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lương Duyên Thống – Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) – cho biết, việc đổi bằng trực tuyến liên quan đến nhiều đơn vị như ngân hàng (lệ phí), ngành y tế (sức khỏe), công an (dữ liệu vi phạm giao thông)… Những quy trình, điều kiện, ngành Giao thông đã thực hiện đầy đủ, do đó muốn thực hiện được thì phải đồng bộ.

Cùng với đó, ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội – cũng cho rằng, việc thực hiện rất đơn giản. Nguyên nhân người dân không đăng ký thực hiện được qua online là do sự hiểu biết và kỹ năng sử dụng công nghệ của mỗi người. Dịch vụ công đã được áp dụng từ nhiều năm nay và đang thực hiện rất tốt, phần lớn lái xe đã thực hiện cấp đổi GPLX qua mạng.
Ngày 19.2, làm việc với PV Báo Lao Động, ông Lê Hồng Quân – Phó Chánh văn phòng Sở GTVT Hà Nội – cho biết, hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng (online) rất đơn giản và thuận tiện. Sở GTVT cũng đã mở thêm 13 điểm cấp đổi tại các quận, huyện nhưng người dân vẫn đổ về 2 điểm của Sở GTVT là số 16 Cao Bá Quát, quận Ba Đình và 2 quận Hà Đông để làm thủ tục cấp đổi GPLX.
Cũng theo ông Quân, không phải những người lớn tuổi khó khăn trong việc tiếp cận phương tiện và công nghệ mà nhiều người trẻ tuổi vẫn đến Sở GTVT đổi trực tiếp. Đây là thói quen cố hữu của người dân, khiến những ngày gần đây người dân xếp hàng dài chờ lấy số đổi GPLX.
“Hiện chưa có văn bản chính thức về ngày cấp đổi thủ tục GPLX sang cơ quan công an. Đây là chủ trương, lộ trình và sẽ làm. Bất kỳ cơ quan nào làm thì vẫn là phục vụ người dân, không có khó khăn gì và không ảnh hưởng tới quyền của người dân”, ông Quân nói.