Đó là tình thế mà rất nhiều người thắc mắc hiện nay. Và câu hỏi đặt ra là đèn xanh bao nhiêu giây thì dừng lại cho an toàn?
Các camera sẽ tự động phát hiện và ghi nhận trường hợp vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, đi sai làn đường…
Thường xuyên sử dụng xe ô tô để đi làm mỗi ngày, chị N.K, ngụ tại Q.4 (TP.HCM) nhiều lúc gặp tình cảnh trớ trêu: “Khi đèn xanh khá nhiều, tới hơn chục giây, tôi tiếp tục di chuyển qua ngã tư. Nhưng chiếc xe đi đằng trước đi quá chậm nên khi tôi tới giữa ngã tư thì thấy tín hiệu màu đỏ. Lúc ấy cảm giác mình vừa khó chịu, nhưng cũng vừa lo lắng không biết có bị phạt nguội hay không?”.
Cùng nỗi niềm trên, anh Lê Tấn Sang, tài xế xe tải ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: “Từ khi mức phạt vi phạm giao thông tăng cao, tâm lý của tôi rất lo lắng, sợ rằng dính lỗi thì xem như mất 2 tháng lương. Đối với người tài xế nhiều năm, việc quan sát và chấp hành đèn tín hiệu giao thông đã trở thành thói quen, phản xạ như quán tính, đã làm nghề tài xế thì không ai muốn vi phạm để bị phạt. Nhưng có nhiều trường hợp mình vừa qua đèn xanh thì đèn tín hiệu chuyển đổi, không ít lần mình phải kẹt ở giữa ngã tư, hoặc dừng kịp nhưng lấn vạch. Những trường hợp như vậy không biết có bị phạt nguội hay không?”.
Ngày 8.4, chị Nguyễn Hà, ngụ tại TP.HCM kể: “Tôi đi trên đường Nguyễn Huệ giao với Ngô Đức Kế (Q.1), khi đến ngã 3 thì đèn vàng nhấp nháy rồi chuyển sang đèn đỏ, nhưng không có đèn xanh. Không để ý nên khi đèn vàng tôi chạy qua thì đèn chuyển sang đỏ, giật mình dừng xe lại thì bánh xe đã cán qua vạch. Tôi không biết lỗi này có bị phạt nguội không?”.
Nhiều người lái xe lâu năm chia sẻ kinh nghiệm: “Trong trường hợp cao điểm, khó có thể thoát được giao lộ nhanh chóng thì có thể dừng xe trước khi đèn chuyển sang màu đỏ từ 2-3 giây, bởi với lượng thời gian ít ỏi đó, chắc chắn sẽ xảy ra xung đột với luồng giao thông khác và gây ra ùn tắc.
Trao đổi với PV Thanh Niên, cán bộ CSGT tại TP.HCM cho biết: Tại Khoản 4 Điều 11, luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 quy định, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Trong đó, khi tín hiệu đèn màu xanh, người tham gia giao thông được phép đi (giảm tốc độ hoặc nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường).
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác. Còn tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Như vậy, trong tình huống “vào giao lộ khi đèn giao thông vẫn xanh, nhưng chưa kịp thoát giao lộ mà đèn đã chuyển màu đỏ” thì có thể hiểu, người điều khiển phương tiện đã đi qua vạch dừng khi đèn vẫn còn xanh, không vi phạm quy định về chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, cho nên sẽ không bị xử phạt lỗi vượt đèn đỏ (kể cả phạt nguội). Trường hợp đã vượt qua vạch khi đèn xanh nhưng sau đó bị ùn tắc thì phương tiện vẫn được tiếp tục đi, nếu không đi mà cố tình dừng lại giữa giao lộ thì bị phạt.
Đối với các trường hợp phạt nguội, một cán bộ CSGT cũng cho biết: “Các camera sẽ tự động phát hiện và ghi nhận trường hợp vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, đi sai làn đường…
Sau đó sẽ tự động gửi hình ảnh vi phạm về trung tâm chỉ huy. Khi tiếp nhận hình ảnh xe vi phạm trên đường, nếu vào các thời điểm không có lực lượng trên đường, trung tâm sẽ ghi nhận hình ảnh, sau đó xác minh, phân tích từng tình huống vi phạm cụ thể.
Khi xác định có đủ cơ sở để xử phạt, CSGT sẽ gửi thông báo bằng văn bản về nơi cư trú của người điều khiển phương tiện theo địa chỉ đăng ký biển số xe đồng thời cập nhật trên website của Cục CSGT và hệ thống ứng dụng”.