Bức ảnh phát ra tiếng khóc, nhiều người xem xong bèn thốt lên “hóa ra không có tiền để mua vàng cũng là 1 cái may”!

Chuyến tàu cảm xúc vì biến động giá vàng trong khoảng thời gian gần đây vẫn chưa đi đến hồi kết…

Ngày  24/03/2025 báo Đời sống Pháp luật đưa tin “Bức ảnh phát ra tiếng khóc, nhiều người xem xong bèn thốt lên “hóa ra không có tiền để mua vàng cũng là 1 cái may”!”. Nội dung chính như sau: 

“Có lúc lên thì cũng phải có lúc xuống”. Đây là điều hiển nhiên với mọi sự trong đời mà chắc hẳn chúng ta ai cũng biết. Nhưng đặt câu nói này vào bối cảnh biến động giá vàng khoảng thời gian gần đây, không khó để nhận ra cảm xúc chung của phần lớn mọi người – dù có mua vàng hay không, chính là: Chưa kịp khóc đã cười, chưa kịp vui đã rơi vào hụt hẫng.

Chia sẻ của người này chính là một trường hợp như vậy.

Thẫn thờ vì vừa “đu đỉnh” xong thì giá vàng bắt đầu giảm

Chỉ với 1 dòng chia sẻ cùng 1 bức ảnh, người này đã nói thay nỗi lòng của bao người lúc này: “Em mua giá lúc đu đỉnh, giờ vàng xuống khóc không ra nước mắt luôn các bác ạ…”.

Một bức ảnh phát ra tiếng khóc…

Trong phần bình luận của bài đăng, có người đồng cảm với cảnh “khóc không ra nước mắt” của người này vì bản thân cũng “vô tình đu đỉnh vàng”; lại có người bỗng dưng cảm thán “không có tiền mua vàng hóa ra lại cũng là một cái may”.

“Mình còn mua lúc hơn 10 triệu 1 chỉ đây, cũng đang phải cố tĩnh tâm bác ạ. Cố nghĩ là mua để tích sản nên cũng không cần quan theo sát biến động giá vàng làm gì đâu bác, như thế cho bản thân đỡ áp lực, chứ cứ so sánh thì cũng mệt cho mình lắm” – Một người đồng cảm.

“Mua là xác định để lâu dài thì không nên nghĩ nhiều bác ạ. Còn đầu cơ thì thôi coi như bài học, vàng không bao giờ là thứ nên đầu cơ. Như mình mua vàng là để tích sản về già, hoặc bao giờ đủ thì bán đi lấy tiền mua thì đất. Tại mình cứ có tiền trong tài khoản là tiêu hết nên mua vàng để hạn chế chi tiêu hoang phí. Cứ có tiền là mua thôi, giá vàng cao thì mua ít lại. Ngay cả lúc vàng lên 100 mình cũng mua. Mua về cất két và không nghĩ nữa” – Một người khác đồng quan điểm.

“Hồi vàng còn đầu 5 đầu 6 thì tháng nào em cũng cố mua, chứ từ lúc đầu 8 là em hết cố được rồi, thi thoảng nghĩ cũng buồn nhưng đọc bài này xong nói thật là em lại thấy trong cái rủi có cái may… Không có tiền để mua vàng nên thành ra cũng đỡ buồn” – Một người chia sẻ nửa đùa nửa thật.

Một sai lầm “chí mạng” phải tránh tuyệt đối khi mua vàng!

Gerard Do – Chuyên gia đầu tư, đồng thời là tác giả cuốn sách “Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư” cho rằng về bản chất, vàng là một kênh trú ẩn chứ không hẳn là một kênh đầu tư.

Việc phân biệt rõ đây là kênh trú ẩn hay kênh đầu tư ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ và quyết định của mọi người trong việc mua vàng, giữ vàng hoặc bán vàng.

“Giả sử bạn mua vàng ở thời điểm giá vàng là 58 triệu đồng/lượng, đến giờ, khi giá vàng đã lên tới 100 triệu đồng/lượng, nghĩa là bạn đang có lời. Nếu tư duy theo cách này, vàng đúng là một kênh đầu tư.

Tuy nhiên, nếu xét trên nhiều khía cạnh khác, ngoài việc lời – lỗ, vàng có thể sẽ là một kênh trú ẩn, hơn là một kênh đầu tư.

Bây giờ bạn dùng số tiền mua 1 chỉ vàng để mua 100 cổ phiếu của doanh nghiệp A – Tôi giả sử mức lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp này là 10 triệu đồng. 1 năm sau, lợi nhuận của họ tăng lên thành 15 triệu đồng. 100 cổ phiếu của doanh nghiệp 15 triệu sẽ rất khác 100 cổ phiếu của doanh nghiệp 10 triệu. Giá trị tăng lên rõ ràng.

Nhưng nếu bây giờ bạn mua 1 chỉ vàng, 1 năm sau nó vẫn chỉ là 1 chỉ vàng mà thôi.

Khi nền kinh tế gặp bất ổn, khủng hoảng, đồng tiền mất giá, nhiều người sẽ mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Tôi cho rằng điều này không đúng với tính chất của đầu tư. Đầu tư là việc bạn bỏ ra một số vốn và đặt kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi giá trị khoản đầu tư của mình tăng trưởng theo tốc độ phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Còn vàng là thứ bạn mua khi nền kinh tế gặp bất ổn và bạn lo sợ tài sản của mình có thể sẽ mất giá.

Một bên là đầu tư với kỳ vọng tăng trưởng tiền vốn, một bên là chuyển đổi tài sản để bảo toàn giá trị. Đây là hai đặc tính để phân biệt kênh trú ẩn và kênh đầu tư” – Anh Gerard Do giải thích.

Khẳng định vàng là kênh trú ẩn, nên anh Gerard Do cũng nhấn mạnh một điều rất quan trọng: Mua vàng tích sản thì được, chứ đừng bao giờ mua vàng với tư duy đầu cơ – nghĩa là mua vào rồi bán ra để “ăn” phần chênh giá.

“Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.

Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn” – Anh Gerard Do nhấn mạnh.

Ngày 23/3/2025, Tạp chí Thanh niên Việt đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Những cơn địa chấn giá vàng: Đâu là mức giá cao nhất từng được ghi nhận?”. Nội dung như sau:

Vàng, biểu tượng của sự ổn định và giá trị vĩnh cửu, không phải lúc nào cũng giữ được vị thế bất khả xâm phạm của mình. Trong lịch sử kinh tế thế giới, đã có những thời điểm giá vàng biến động mạnh mẽ, gây ra những cơn “địa chấn” tài chính, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế – xã hội.

Cơn sốt vàng những năm 1970: Khi niềm tin vào “vàng” bị lung lay

Giai đoạn này chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods, hệ thống tiền tệ quốc tế được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó đồng đô la Mỹ được neo giá vào vàng. Sự sụp đổ này, kết hợp với lạm phát phi mã, bất ổn chính trị, đặc biệt là cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, đã tạo ra một môi trường bất ổn kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, vàng trở thành một tài sản trú ẩn an toàn, thu hút dòng vốn đầu tư ồ ạt. Giá vàng tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 850 USD/ounce vào tháng 1/1980. Cơn sốt vàng này không chỉ gây ra sự biến động mạnh mẽ trên thị trường tài chính, mà còn làm thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư về vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Họ nhận ra rằng, trong những thời điểm bất ổn, vàng có thể bảo vệ giá trị tài sản tốt hơn so với các loại tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác.

Ảnh minh hoạ

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008: “Vàng” trở thành “cứu cánh” giữa cơn bão tài chính

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất và các tổ chức tài chính lớn ở Mỹ, đã tạo ra một cơn địa chấn toàn cầu. Niềm tin vào hệ thống tài chính truyền thống bị suy giảm nghiêm trọng, và các nhà đầu tư tìm kiếm những tài sản an toàn hơn để bảo vệ vốn của mình.

Trong bối cảnh đó, vàng một lần nữa chứng minh vai trò là một “cứu cánh”. Dòng vốn đầu tư ồ ạt đổ vào thị trường vàng, đẩy giá kim loại quý này tăng vọt. Giá vàng đạt mức gần 1.900 USD/ounce vào năm 2011, phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư về sự bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu và sự suy yếu của đồng đô la Mỹ.

Biến động giá vàng những năm 2011-2015: “Vàng” cũng không tránh khỏi “bão táp”

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2011, giá vàng thế giới bước vào giai đoạn suy giảm kéo dài, chịu ảnh hưởng bởi sự phục hồi của kinh tế Mỹ và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Khi kinh tế Mỹ phục hồi, đồng đô la Mỹ mạnh lên, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Ngoài ra, việc FED tăng lãi suất cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản sinh lời khác. Từ mức gần 1.900 USD/ounce vào năm 2011, giá vàng giảm xuống mức khoảng 1.000 USD/ounce vào năm 2015, gây ra những tổn thất lớn cho các nhà đầu tư.

Ảnh minh hoạ

Những cuộc khủng hoảng giá vàng trong lịch sử đã để lại những bài học quý giá về tính chất biến động của thị trường vàng, cũng như vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế – chính trị. Các yếu tố như lạm phát, biến động tiền tệ, khủng hoảng tài chính và tình hình địa chính trị đều có thể tác động mạnh mẽ đến giá vàng.

Những biến động này nhắc nhở các nhà đầu tư rằng, dù vàng được coi là một tài sản an toàn, nhưng nó cũng không tránh khỏi những biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính toàn cầu. Việc đầu tư vào vàng cần được thực hiện một cách thận trọng và có chiến lược rõ ràng, dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế và chính trị. Đồng thời, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng là một biện pháp quan trọng để giảm thiểu rủi ro.