Nói thì nghe hơi buồn cười nhưng bây giờ thi thoảng mẹ tôi vẫn nhắc lại chuyện cũ hồi tôi 15 tuổi. Bố tôi mất sớm, mẹ tôi ở vậy nuôi tôi ăn học. Thấy mẹ lẻ bóng một mình hơn chục năm trời tôi thương lắm. Chính tôi là người giục mẹ tái hôn khiến cả nhà vướng vào một chuyện dở khóc dở cười.
Ông ngoại tôi vốn không phải người giỏi kinh doanh, ngày xưa ông chỉ biết cấy lúa trồng rau để nuôi sống gia đình. Nhưng rồi có người tốt bụng khuyên ông bán đất lấy vốn xây nhà trọ, ông mạnh dạn nghe theo rồi phất lên nhanh chóng. Vùng quê tôi ở có đến 5 nhà máy, người ta cứ kéo đến làm thuê rồi ở trọ rất đông. Bà ngoại tôi cũng tranh thủ mở quán cơm giá rẻ cho công nhân, chỉ vài năm đã đủ tiền xây thêm dãy trọ khác
Mẹ con tôi được ông bà cho riêng một căn nhà mới ở bên cạnh nhà cũ. Tôi hỏi sao không xây hẳn một cái biệt thự to đùng nhiều phòng rồi cả nhà mình ở chung, ông gõ đầu tôi bảo đấy là “của hồi môn” ông tặng sẵn để sau này cháu lấy chồng.
Nói chung từ lúc có tiền thì gia đình tôi bớt vất vả hẳn. Ông bà ngoại thuê cả chục người làm, chẳng cần động tay chân như trước nữa. Mẹ tôi hỗ trợ ông bà quản lý mấy dãy trọ, mở thêm quán nước nữa.
Vì nằm không cũng có tiền nên ông ngoại tôi đâm ra rảnh rỗi quá. Ông xin chân bảo vệ ca ngày ở ngân hàng cho bớt rảnh, lương 3 cọc 3 đồng ông bảo đem về cho tôi tiêu vặt. “Nhiệm vụ” chính của ông ở đấy chỉ có dắt xe với trông xe cho khách, còn lại thì toàn chém gió buôn dưa với mấy bác xe ôm.
Ông thích công việc này vì vừa nhàn vừa vui. Tuy nhiên cũng chính vì làm bảo vệ mà ông bị thông gia “hụt” coi thường.
Số là năm tôi lên lớp 9, tôi giục mẹ lấy chồng khác đi cho đỡ buồn. Mẹ gần 40 tuổi vẫn trẻ xinh, biết bao nhiêu người đến ngó nghiêng tán mà mẹ không để ý. Ban đầu mẹ cứ giãy nảy lên bảo ở một mình đang sướng, không thích vướng vào chuyện yêu đương. Thế nhưng đùng cái vào một ngày đẹp giời, quán nước của mẹ tôi tiếp đón một vị khách lạ. Chú ấy đi ô tô, quần âu sơ mi khá lịch sự, gọi một cốc nước vối và ngồi bắt chuyện với mẹ tôi khá lâu.
Sau hôm ấy chú này bắt đầu ghé quán nước liên tục. Từ chuyện trò xã giao như chủ với khách, dần dần chú kia lân la hỏi mẹ tôi nhiều hơn và xin số liên lạc. Chẳng rõ quá trình chú ấy tán mẹ tôi ra sao, chỉ biết là được một thời gian thì chú ấy ngỏ lời muốn cưới mẹ.
Gia đình tôi rất mừng và ủng hộ mẹ đi bước nữa. Chú kia làm quản lý cấp cao ở nhà máy giày da, kinh tế ổn định, kém mẹ tôi vài tuổi, lại là trai tân nên dù ngoại hình hơi kém sắc thì cũng hơn khối người. Tính nết chú ấy khá điềm đạm, luôn chiều chuộng và nhường nhịn mẹ tôi nên ai cũng nghĩ cưới người này thì mẹ tôi sẽ hạnh phúc. Chú cũng tốt với tôi nữa, không hề lăn tăn chuyện mẹ tôi có con riêng, ai dị nghị chú cũng bỏ ngoài tai hết.
Sau một thời gian suy nghĩ thật kỹ, thấy mọi người xung quanh không ai phản đối nên mẹ tôi đồng ý lấy chú kia. Chú ấy mừng như vớ được vàng, hẹn cả nhà tôi đến ăn bữa cơm ra mắt.
Ông bà ngoại sắm hẳn bộ đồ mới tinh để đến nhà thông gia tương lai nói chuyện. Nhà chú kia to như biệt phủ, đẹp đẽ khang trang và có vườn cây cảnh rộng như sân bay.
Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến khi ông ngoại giới thiệu về bản thân mình. Nghe ông nói công việc hiện tại là bảo vệ ngân hàng, tôi thấy nhà thông gia nhíu mày vẻ không vui. Đến lúc bà ngoại nói đang bán quán cơm bụi thì họ lại thở dài chán ngán, không nhiệt tình tiếp chuyện như lúc đầu nữa.
Đám cưới của mẹ tôi được tổ chức khá linh đình. Rạp cỗ phải hơn trăm mâm, khách đến đông kín cả làng. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ xinh đẹp như thế. Cả áo dài lẫn áo cưới của mẹ đều rực rỡ, mọi người khen trông mẹ như chị gái của tôi.
Chú kia nói cưới xong sẽ dọn sang ở cùng nhà với mẹ con tôi để tránh mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Tuy nhiên chưa chính thức trở thành con dâu thì mẹ tôi đã cạch mặt nhà chồng luôn rồi.
Nguyên do là lúc anh MC mời đại diện 2 bên thông gia đứng ra phát biểu, mẹ chồng tương lai của mẹ tôi đã tuôn ra một tràng lời lẽ coi thường. Suốt quá trình chuẩn bị đám cưới thì bà ấy không thể hiện ra, đến đúng ngày quan trọng mới cố tình làm nhà tôi bẽ mặt trước hàng trăm quan khách.
Tôi nhớ mãi câu bà ấy xúc phạm cả nhà tôi: “Dù con dâu lớn tuổi hơn con trai tôi và đang bán quán nước kiếm sống, bố của con dâu chỉ là bảo vệ ngân hàng chẳng có gì trong tay, lương tháng cũng chỉ bằng số lẻ của giúp việc nhà tôi, nhưng tôi vẫn tác thành cho 2 con đến với nhau và chấp thuận quan hệ thông gia”.
Nghe xong toàn bộ khách khứa bên dưới xì xào kinh ngạc. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông ngoại tôi – chính là bố cô dâu trên sân khấu hôm đó. Tôi khi ấy còn nhỏ nhưng cũng hiểu những lời này không lọt tai tí nào, hạ thấp cả danh dự của nhà tôi.
Chẳng đợi người khác bức xúc thay, mẹ tôi ném luôn bó hoa cưới trên tay đi và giật mic tuyên bố hủy hôn lễ. Mẹ nói nhà chồng chưa chắc đã giàu bằng nhà tôi nên không có tư cách lên giọng khinh thường. Nghe mọi người bảo ông ngoại tôi là đại gia ngầm, mặt bà thông gia đang màu đỏ dần chuyển sang xám ngoét. Bố dượng “hụt” của tôi cũng xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, níu mẹ tôi lại để xin lỗi nhưng mẹ đã tháo luôn chiếc nhẫn cưới vừa mới đeo ném ra đường!
Từ lúc bố tôi mất thì mẹ đã phải sống với hàng vạn lời đồn thổi, nói xấu và bịa đặt. Có người còn độc mồm dựng chuyện bảo mẹ tôi làm “bồ nhí” để lấy tiền nuôi con. Đến khi mẹ tái hôn với chú kia thì kêu mẹ tôi “đào mỏ”. Nhưng phần đông người ngoài không biết gia đình tôi sống như thế nào, có tiền tỷ trong tay thì ông ngoại tôi vẫn mặc quần áo cũ đi làm bảo vệ. Cả ông bà ngoại lẫn mẹ đều dạy tôi rằng tiền bạc không quyết định nhân cách con người, sống làm sao để ngẩng cao đầu hãnh diện mới là hay nhất.
Thế nên khi chứng kiến thái độ khó ưa của nhà thông gia, mẹ tôi chốt luôn không cần cưới xin gì nữa. Gia đình người thân vẫn là số một. Chứ người ngoài kênh kiệu thì quan trọng gì!
Sau đó thì đám cưới tan tành thật, và người bẽ mặt cuối cùng lại là nhà chú kia. Mẹ tôi đem trả váy cưới xong thì vui lắm. Bà nói từ giờ lại được sống tự do thảnh thơi rồi. Mẹ cũng thích chú kia nhưng không đến mức vì yêu mà phải chịu nhịn nhục. Giờ thì gần chục năm trôi qua rồi, hàng xóm xung quanh thi thoảng sang quán nước vẫn nhắc lại vụ cưới hụt để trêu mẹ tôi. Mẹ càng ngày càng đẹp và sang, chú kia vẫn hay quay lại tìm mẹ tôi để nói chuyện nhưng mẹ không tiếp. Thôi thì mẹ cứ hạnh phúc là được rồi. Tôi chả dám giục mẹ đi tìm bến đỗ mới nữa. 1 lần sự cố thế là quá đủ rồi!