Liên quan đến clip cô giáo thân mật với nam sinh tại lớp học, PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, cộng đồng mạng nên nhìn nhận khách quan hơn về sự việc, tránh việc công kích các cá nhân khi sự việc chưa được làm rõ.
Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nam sinh có cử chỉ thân mật, phản cảm ngay tại bàn giáo viên, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong lớp. Clip bị cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ “chóng mặt”, gây xôn xao dư luận. Nhân vật trong clip sau đó được cơ quan chức năng xác minh là cô giáo M.Q.T và một nam sinh lớp 10 của Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội).
Ban giám hiệu Trường THPT Thạch Bàn đã tạm đình chỉ và phân công giáo viên dạy thay cô giáo M.Q.T trong thời gian giải quyết sự việc. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã thông tin sự việc đến tập thể sư phạm để mọi thành viên trong trường được biết và cùng rút kinh nghiệm.
Trước sự việc gây xôn xao dư luận này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, cô N.H.L – giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội cho rằng, một góc quay có thể chưa nói hết được thực tế sự việc. Có thể, học sinh có hành động bộc phát, cô giáo không kịp phản ứng, trong khi đó học sinh ở dưới quay lại clip ở xa.
“Dù vậy nhưng khi xem hình ảnh trong clip ghi lại thì tôi thấy nữ giáo viên tại Trường THPT Thạch Bàn đã để học sinh nam có sự tiếp xúc gần và có hành động thân mật ngay tại bục giảng trước sự chứng kiến của cả lớp như vậy là sai, rất phản cảm. Trong tất cả các tình huống thì giáo viên và học sinh cần phải có khoảng cách nhất định. Hành động đó không chỉ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân mà còn làm ảnh hưởng tới nhà trường, tới ngành giáo dục”, cô L. nêu quan điểm.
Nhìn nhận về sự việc này, PGS.TS. Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cộng đồng mạng nên nhìn nhận khách quan hơn về sự việc, tránh việc công kích các cá nhân khi sự việc chưa được làm rõ. “Chúng ta lan truyền hình ảnh đó lên không gian mạng mà hoàn toàn không ý thức được rằng nội dung đó có thể không phản ánh được đầy đủ sự việc. Trước khi có kết luận cũng như mô tả sự việc đầy đủ, chúng ta cần cân nhắc lại lời nói, lời bình luận”.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, người giáo viên cần ghi nhận cảm xúc hoặc thái độ tích cực mà em học sinh đó dành cho mình nhưng phải nhân cơ hội đó để nhắc nhở các em về cách thức lời ăn tiếng nói để đảm bảo sự tôn trọng, lễ độ, đúng vai trò. Cũng thể hiện qua hành vi ứng xử sẽ phù hợp ở môi trường công cộng, môi trường lớp học, môi trường giáo dục.
“Đối với giáo viên trẻ – những người mới hội nhập vào nghề giáo viên, họ cần tiếp tục phải tích lũy kinh nghiệm. Các cơ sở đào tạo giáo viên phải đưa tất cả các tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực ứng xử sư phạm vào thành chuẩn đầu ra giúp cho giáo sinh trong quá trình đào tạo phải hình thành được vững chắc những năng lực này.
Bên cạnh đó, cần kéo dài thời gian hội nhập nghề nghiệp để những giáo viên trẻ có đủ thời gian tiếp cận với tình huống thực tế và rút kinh nghiệm xử lý khéo léo các tình huống sư phạm”.