Dù đã ở tuổi 92, trí nhớ có phần giảm sút nhưng hình ảnh cậu học trò lớp 4 Nguyễn Phú Trọng vẫn in đậm trong tâm trí cô giáo Đặng Thị Phúc. ‘Thế là tôi không được gặp Trọng lần cuối,’ cô nghẹn ngào.
Cô Đặng Thị Phúc khóc nghẹn thương tiếc người học trò Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
“Trọng ốm, tôi không đến thăm được. Anh ấy mất tôi cũng không được nhìn mặt lần cuối. Tôi coi Trọng như người em út nên xót xa như vừa mất đi một người ruột thịt, tôi tiếc thương một người lãnh đạo liêm khiết, thương dân,” cô giáo Đặng Thị Phúc, người đã dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm lớp 4 vừa nói vừa khóc nấc nghẹn ngào.
Cậu học trò quanh năm chân đất, áo nâu
Cô Phúc năm nay đã 92 tuổi, tai đã nặng, chân đã yếu, trí tuệ đã giảm sút nhiều, lúc nhớ, lúc quên, thỉnh thoảng lại lặp đi lặp lại điều vừa nói, nhưng những ký ức năm xưa về người học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng với tóc màu hung hung, để mái chéo, nước da trắng xanh, suốt năm học chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo nâu với áo bà ba xẻ tà, cổ cao, có hai túi hai bên thì vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí.
Nhà trò Trọng ở xã Đông Hội, còn cô Phúc dạy ở xã Mai Lâm, nhưng Đông Hội chỉ có 15 học sinh lớp 4 nên học ghép với 33 em ở Mai Lâm. Lớp học bàn ghế cọc cạch, không có cửa, ba bề lộng gió, mùa hè nóng rát, mùa đông rét buốt tái tê, những ngày mưa cả lớp phải ngồi dồn vào một bên để tránh ướt. Từ Đông Hội sang Mai Lâm phải băng qua cánh đồng làng. Con đường đất ở giữa gồ lên, hai bên lằn từng ô thấp cao những vết chân trâu, ngày mưa sình lên lầy lội, cậu học trò nhỏ phải bấm ngón chân xuống đường cho khỏi ngã.
Lớp có 48 em nhưng cô Phúc có ấn tượng đặc biệt với trò Trọng vì nhỏ tuổi nhất nhưng học giỏi nhất, chăm chỉ phát biểu xây dựng bài. “Nhà Trọng nghèo, ăn khoai, ăn sắn, quanh năm đi chân đất, suốt đông cũng như hè, chỉ có duy nhất một bộ quần áo nâu, đến áo rách để mặc độn bên trong những khi mùa đông giá rét cũng không có. Tôi rất thương Trọng như thương người em út nhỏ bé của mình,” cô Phúc nhớ lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo Phúc sau nhiều năm cố công tìm kiếm vì mất liên lạc. (Ảnh: NVCC)
Vì học giỏi nhất nên cuối năm học, trò Trọng được đại diện học sinh hai xã đứng lên báo cáo điển hình trước toàn trường. Nhìn cậu học trò nhỏ, cô Phúc vừa tự hào, vừa thương đến xót xa khi Trọng vẫn áo nâu chân đất như mọi ngày. “Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy đến mà ôm em vào lòng,” cô Phúc nghẹn ngào nói.
Ở lớp, Trọng thân thiết nhất với Duy – cậu học trò lớn tuổi nhất và là lớp trưởng. Cả hai gắn bó như hình với bóng, cô Phúc muốn chuyển Trọng lên bàn đầu vì nhỏ nhất lớp, nhưng Trọng vẫn ngồi bàn thứ ba vì không muốn xa anh Duy.
Hết lớp 4, trò Trọng chuyển sang học Trường Nguyễn Gia Thiều, cô Phúc cũng chuyển về Hà Nội, hai cô trò bặt tin nhau từ đó.
Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm xưa, được tin cậu học trò nhỏ nay đã thành đạt, cô Phúc rất mừng và làm bài thơ với tựa đề “Người trò nhỏ năm xưa,” ghi đề tặng N.P.T:
“Thơ ngây mái tóc mười hai
Áo nâu, chân đất, ngô khoai đỡ lòng
Em trò nhỏ nhất kém chi
Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài.”
Lá thư tay của Tổng Bí thư
Bốn năm sau, năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Với đề tặng N.P.T., cô không ngờ chính bài thơ đó đã giúp “người trò nhỏ năm xưa” tìm lại cô giáo mình.
“Một ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại và rất bất ngờ khi đầu dây bên kia là trò Trọng, nói sẽ đến thăm. Khi ấy, Trọng đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội, bận nhiều việc nên tôi gạt đi, nói không cần đến, gọi điện cho cô đã là quý lắm. Nhưng mấy hôm sau thì Trọng đến, vừa thấy cô đã trách: ‘Em tìm cô mãi, mấy chục năm rồi mới được gặp lại, thế mà cô còn không cho em đến.’ Cô trò nhìn nhau xúc động không nói nên lời. Khi ấy, tóc cô vẫn xanh mà tóc trò đã bạc,” cô Phúc xúc động kể.
Lá thư tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi chúc tết cô giáo cũ. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Cô nghẹn ngào khi nhớ lại hàng năm, vào ngày lễ 20/11 hay Tết Nguyên đán, trò Trọng dù bận nhiều việc lớn vẫn nhớ chúc mừng cô giáo cũ. “Nhiều người nghĩ là cô giáo của Tổng Bí thư, chắc sẽ được biếu xén nhiều, nhưng anh Trọng là người liêm khiết, anh cũng không giàu, chẳng có gì mà cho tôi. Mỗi dịp 20/11, Trọng gửi tặng bó hoa, hay ngày Tết là hộp bánh. Chỉ vậy thôi nhưng là món quà tinh thần rất lớn, là tình nghĩa thầy trò. Mới Tết Nguyên đán năm 2024 đây thôi, tôi vẫn còn nhận được lời chúc của Trọng, mà giờ đã đi xa…,” cô Phúc khóc nấc không nói nên lời.
Khẽ lau những giọt nước mắt cứ trào rơi không thể kìm nén, cô bảo hôm trước, khi nghe thông tin trên truyền hình về sức khỏe của Tổng Bí thư yếu, cô rất muốn đến thăm nhưng lại sợ làm phiền đội ngũ y bác sỹ đang cấp cứu cho ông.
“Thế là tôi không dám đến… Thế là tôi không được gặp Trọng lần cuối cùng… Khi nghe tin Trọng mất, tôi tiếc thương như tiếc thương một người ruột thịt, tôi tiếc một người lãnh đạo liêm khiết, thương dân… Tôi chỉ biết gửi lời chia buồn cùng gia đình,” cô Phúc vừa nói vừa liên tục phải dừng lại giữa chừng để kìm nén sự xúc động trong lòng.
Nỗi day dứt và đau xót vì không thể đến thăm khi trò bị bệnh, không thể gặp trò lần cuối như một vết thương lòng sâu sắc đến mức cứ hiển hiện trong tâm trí người cô giáo cao niên vốn lúc quên lúc nhớ, khiến cô nhắc đi nhắc lại cả chục lần trong suốt buổi trò chuyện với phóng viên.
Bức thư luôn được cô giữ gìn như một món quà, kỷ vật quý giá bởi chất chứa tình cảm thầy trò cao quý, thiêng liêng. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Đôi bàn tay run run, cô lần mở lại bức thư chúc Tết viết tay của người học trò cũ, dù đã trở thành Tổng Bí thư – vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước, bận trăm công nghìn việc vẫn không quên “người lái đò” năm nào nơi lớp học ở đình làng Mai Lâm.
Bức thư giản dị với bì thư thông thường, nội dung thư không hề có một từ, một chữ, một dấu ấn nào của học vị, chức quyền, chỉ có lời thăm hỏi của người học trò Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ: “Kính chúc thầy cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới”; “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo.”
Cô Phúc khóc nghẹn phân trần: “Những kỷ niệm mà Trọng vẫn giữ ấy cũng chẳng có gì nhiều, chỉ có một quyển vở học, một quyển vở làm văn. Ngày xưa rất nghèo, sách vở cũng rất ít ỏi, cô chẳng có gì để cho trò, trò cũng chẳng có gì để tặng cô, chỉ có tình nghĩa cô trò không phai mờ theo năm tháng…”
Rồi cô lặng yên. Tâm trí người giáo viên tuổi đã 92 như trôi ngược về miền ký ức xa xôi của gần 70 năm trước, nơi lớp học ở đình làng Mai Lâm, cô nói như nói với chính mình: “Trọng nghèo lắm, quanh năm chỉ mặc một bộ quần áo nâu, áo bà ba xẻ tà, có hai túi to hai bên, tóc màu hung hung, để mái chéo, nước da trắng xanh, ít tuổi nhất lớp nhưng lại ngoan nhất, học giỏi nhất, rất hăng hái xây dựng bài…”./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/co-giao-dang-thi-phuc-khoc-nghen-tiec-thuong-hoc-tro-nguyen-phu-trong-post965882.vnp