Đến nay, chỉ có 3 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia sau khi du học tại Úc đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc
Trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 đã vừa kết thúc vào cuối tuần qua với ngôi quán quân thuộc về Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn – Ninh Bình). Cũng giống như các năm trước, sau khi kết thúc trận chung kết lại dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về việc khi đi du học rồi các nhà vô địch Olympia có trở về nước để làm việc, đóng góp cho đất nước hay không?
Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết quán quân sau khi nhận học bổng, sang Australia học tập đều chọn ở lại đất nước này sinh sống, làm việc. Hiện chỉ có 3 quán quân Olympia trở về nước sau khi đi du học. Đó là Lương Phương Thảo (năm 3), Lê Viết Hà (năm 7) và Nguyễn Trọng Nhân (năm 14).
Chia sẻ về lý do chọn nước Úc, một số quán quân Đường lên đỉnh Olympia cho rằng, cơ hội việc làm cũng như ứng dụng những điều đã học tập tại Úc vào thực tiễn ở Việt Nam rất khác biệt. Thậm chí một số ngành nghề ở Việt Nam cũng ít có…
So sánh giữa hai nền giáo dục, Phan Đăng Nhật Minh (quán quân năm 2017) cho biết, hệ thống giáo dục giữa Việt Nam và Úc khá khác biệt. Nếu như có về Việt Nam thì khó có thể sử dụng được các phương pháp giảng dạy đã học được ở Úc để giảng dạy tại Việt Nam. Nhật Minh cũng bày tỏ quan điểm, không nhất thiết phải trở về Việt Nam mới có thể đóng góp cho đất nước.
Phan Đăng Nhật Minh (quán quân năm 2017) cho biết, hệ thống giáo dục giữa Việt Nam và Úc khá khác biệt.
Trên thực tế, với mỗi nhà quán quân Đường lên đỉnh Olympia, lựa chọn nước Úc để làm việc chắc hẳn đều có lý do riêng và cũng không ít người thẳng thắn nói về triển vọng nghề nghiệp, cơ hội trong công việc cũng như ứng dụng những điều đã học…
Ngoài việc lương thưởng thấp, nhiều người không về nước vì khó phù hợp với điều kiện làm việc, phát triển tài năng. Thậm chí, đã có nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài về nước mong muốn làm việc cũng thi trượt công chức. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đã quá lạc hậu, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Hiểu và thông cảm với những du học sinh học xong chưa về nước bởi bản thân từng trải qua những năm học thạc sĩ tại Anh và hoàn thành tiến sĩ tại Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Trung Thành (hiện đang làm giám đốc một công ty tại TP.HCM) chỉ ra một thực tế, đa phần du học sinh Việt Nam tại các nước giáo dục phát triển sau khi học xong đại học đều muốn ở lại học nâng cao trình độ, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp tại đó. Bởi khi học xong mà về nước thì khó sử dụng được kiến thức đã học. Đây là một thực trạng từ khá lâu.
” Nếu trở về nước, bài toán kinh tế sẽ được đặt ra hàng đầu, số nhiều sẽ chọn doanh nghiệp liên doanh hoặc nếu có điều kiện thì tự mở công ty để có mức lương, thu nhập cao. Chứ bỏ ra nhiều tiền du học đại học, học thạc sỹ, tiến sỹ, về nước lương phổ biến khoảng 10 triệu/tháng thì chắc hẳn ai cũng nhìn ra và sẽ có sự lựa chọn kinh tế của riêng mình ” – TS Thành chia sẻ.
Nguyễn Hồng Đức – Á quân năm năm 2006 (năm thứ 6).
Đối với các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia sau du học đã chọn Việt Nam trở về đã chỉ ra rằng nếu thực sự quan tâm, sẽ không thiếu cơ hội ở doanh nghiệp thuộc tập đoàn trong nước và nước ngoài. Nguyễn Hồng Đức – Á quân năm năm 2006 (năm thứ 6) đã nhận học bổng chuyên ngành viễn thông và công nghệ internet tại Đại học Kỹ thuật Swinburne là một ví dụ. Hiện nay, Đức là một trong những gương mặt thành công trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ internet tại Việt Nam và đang làm quản lý vận hành chương trình cao cấp Eero-Amazone Devices.
Hồng Đức chia sẻ: ” Vào những năm 2010 khi em ra trường, lúc đó không có nhiều thông tin tại Việt Nam. Nhiều người ở lại Úc cũng rất ngẫu nhiên bởi học bằng tiếng Anh nên quan tâm đến các ngành nghề tại Úc. Lúc đó, không biết trở về Việt Nam để làm gì. Vì thế, cần phải cho các bạn đang học tập tại Úc thấy rằng ở Việt Nam cũng có môi trường năng động làm việc tốt và các công ty lớn cũng cạnh tranh gắt gao để giành nhân sự “.
Các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia đi du học phần lớn lựa chọn ở lại nước Úc sẽ vẫn là câu chuyện muôn thuở nếu Việt Nam chưa thực sự có một chính sách thu hút các tài năng ưu đãi về môi trường làm việc và thu nhập tương xứng.
Điểm danh 22 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia sau 22 năm
Ngày 2/10, Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 diễn ra với sự tranh tài kịch tính. Sau các màn thi gay cấn Khởi động, Vượt chương ngại vật, Tăng tốc, Về đích , Đặng Lê Nguyên Vũ (đến từ trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) đã giành ngôi vô địch với phần thưởng 40.000 USD và vòng nguyệt quế mạ vàng 24K.
Đồng thời, điền tên vào danh sách các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia.
Ba nhà vô địch Olympia ba năm gần đây. Lần lượt từ trái qua phải: Nguyễn Hoàng Khánh, Đặng Lê Nguyên Vũ, Nguyễn Thị Thu Hằng.
Danh sách các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia: 1. Trần Ngọc Minh – THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.
2. Phan Mạnh Tân – THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
3. Lương Phương Thảo – THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.
4. Võ Văn Dũng – THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.
5. Đỗ Lâm Hoàng – THPT Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Lê Vũ Hoàng – THPT Số 1 Bố Trạch, Quảng Bình.
7. Lê Viết Hà – THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi.
8. Huỳnh Anh Vũ – THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định.
9. Hồ Ngọc Hân – THPT Chuyên Quốc Học – Huế, Thừa Thiên Huế.
10. Phan Minh Đức – THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội.
11. Phạm Thị Ngọc Oanh – THPT Tiên Lãng, Hải Phòng.
12. Đặng Thái Hoàng – THPT Hòn Gai, Quảng Ninh.
13. Hoàng Thế Anh – THPT Chuyên Bắc Giang, Bắc Giang.
14. Nguyễn Trọng Nhân – THPT Chuyên Tiền Giang, Tiền Giang.
15. Văn Viết Đức – THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị.
16. Hồ Đắc Thanh Chương – THPT Chuyên Quốc Học – Huế, Thừa Thiên Huế.
17. Phan Đăng Nhật Minh – THPT Hải Lăng, Quảng Trị
18. Nguyễn Hoàng Cường – THPT Hòn Gai, Quảng Ninh.
19. Trần Thế Trung – THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
20. Nguyễn Thị Thu Hằng – THPT Kim Sơn A, Ninh Bình.
21. Nguyễn Hoàng Khánh – THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh.
22. Đặng Lê Nguyên Vũ – THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình.